• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chưa đến mùa dịch, hàng loạt trẻ đã nhập viện vì tay chân miệng

Sức khỏe 13/10/2017 06:40

(Tổ Quốc) - Số bệnh nhi bị tay chân miệng buộc phải nhập viện để điều trị trong vài tuần trở lại đây đang có dấu hiệu tăng nhanh. Đó là thực trạng chung tại một số bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội vào thời điểm giao mùa này.

Số ca bệnh tăng đột biến từ giữa tháng 9

Theo Ths.Bs Trần Thị Thu Hương - Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viên Nhi Trung ương, thời điểm giao mùa có rất nhiều bệnh nhi nhập viện điều trị, trong số đó chủ yếu là bị bệnh tay chân miệng.  Năm nay, bệnh có dấu hiệu đến sớm hơn so với những năm trước.

Bệnh nhi bị tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Năm 2016, số bệnh nhi bị tay chân miệng đến điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương là 390 ca. Thời điểm này, mặc dù chưa phải vào mùa dịch nhưng bệnh viện cũng đã tiếp nhận điều trị cho khoảng 150 ca bệnh. Đặc biệt là từ giữa tháng 9 tới nay, mỗi tuần có khoảng 20 - 25 ca bệnh tay chân miệng điều trị nội trú, ngoài ra chưa kể số bệnh nhi đến khám và điều trị ngoại trú.

BS. Hương chia sẻ, số bệnh nhi bị tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện cơ bản ở độ 2A và 2B. Thông thường thì bệnh tay chân miệng ở độ 2A đã phải đến các cơ sở khám chữa bệnh để theo dõi và điều trị. Hiện vẫn chưa có ca bệnh nào ở độ 3 và độ 4, đây là lúc bệnh nhi tay chân miệng bị nặng nhất.

"Tay chân miệng là bệnh thường gặp ở các bệnh nhi dưới 5 tuổi. Bệnh này cũng có thể diễn tiến rất nhanh, người bệnh có thể gặp phải 3 biến chứng nguy hiểm là viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Bệnh nhân mắc tay chân miệng thường diễn biến khoảng 7 - 10 ngày sẽ tự khỏi. Với những bệnh nhân nhẹ, có thể theo dõi điều trị tại nhà" - Bs Hương cho hay.

Hiện chưa có thuốc điều trị tay chân miệng

Bs. Hương cho biết thêm, bệnh tay chân miệng khi mới bắt đầu rất dễ nhầm với triệu chứng của một số bệnh khác như viêm da, thủy đậu, sốt xuất huyết, viêm đường tiêu hóa, sốt virus, viêm màng não… do đó không được phép chủ quan. Cho đến nay, tay chân miệng vẫn chưa có thuốc điều trị.

Ths.Bs Trần Thị Thu Hương - Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viên Nhi Trung ương

Dấu hiệu nhận biết của bệnh tay chân miệng thường là các bóng nước xuất hiện nhanh trên niêm mạc miệng,  ở lòng bàn tay và lòng bàn chân khi vỡ ra tạo thành những vết loét, trẻ rất đau khi ăn, tăng tiết nước bọt. Trong khi đó, với bệnh viêm da mủ lại xuất hiện các ban gây đau, đỏ, có mủ, không có sang thương trong niêm mạc miệng; với bệnh thủy đậu, các ban nổi rải rác toàn thân, không tập trung đặc biệt ở một vùng nào…

Tay chân miệng là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả là vệ sinh cá nhân và vệ sinh, khử khuẩn môi trường (sàn nhà, đồ đạc, vật dụng thường có tiếp xúc với bàn tay…). Trẻ bị bệnh phải được cách ly, cho nghỉ học để không lây nhiễm bệnh sang các bạn khác.

Bs. Hương khuyến cáo, phụ huynh nếu thấy bé giật mình chới với, sốt cao liên tục, đi đứng lảo đảo, ngồi không vững, run tay khi cầm vật dụng, yếu tay chân nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Việc điều trị chủ yếu là giảm đau, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, hạn chế vận động, vệ sinh răng miệng.

Được biết, ngoài Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện số bệnh nhi bị tay chân miệng đang điều trị ở Bệnh viện Xanh Pôn và một số bệnh viện khác trên địa bàn TP.Hà Nội cũng đang có dấu hiệu tăng nhanh vào thời điểm này.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 70 nghìn trường hợp mắc tay chân miệng. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 4/10 ghi nhận 450 trường hợp mắc tay chân miệng phân bố rải rác tại các quận/huyện/thị xã.

Thế Công

 

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ