(Tổ Quốc) - Ứng xử văn hóa trong bối cảnh hiện nay được nhìn nhận như thế nào, nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi đó là gì và truyền thông đang đứng ở đâu, có vị trí ra sao… là nội dung mà báo Tổ Quốc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam khi bàn về văn hóa ứng xử đương đại.
- Thưa PGS.TS Bùi Hoài Sơn, với cương vị là Viện trưởng viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, dưới góc nhìn của mình, ông có thể cho biết văn hóa ứng xử của chúng ta hiện nay như thế nào?
+ Hiện nay văn hóa ứng xử của chúng ta đang có rất nhiều vấn đề. Ở đây chúng ta phải ý thức được về câu chuyện cái xấu trong văn hóa ứng xử để từ đó có những ý thức để hoàn thiện nó tốt hơn.
Tôi nói về cái xấu không có nghĩa là trong văn hóa ứng xử của chúng ta không có cái tốt. Tuy nhiên, chúng ta muốn nhấn mạnh đến câu chuyện văn hóa ứng xử nó có những vấn đề, khi mà chúng ta đang sống trong xã hội "chuyển đổi". Trong xã hội "chuyển đổi" đó thì cái cũ chưa mất hẳn, cái mới đang được định hình nên trong văn hóa ứng xử còn nhiều cái "nhộn nhạo". Cái "nhộn nhạo" ở đây nhiều khi bắt nguồn từ văn hóa ứng xử của người Việt trong quá khứ. Ứng xử của người Việt trong quá khứ vốn phù hợp với một xã hội nông thôn, một xã hội tương đối tĩnh. Hiện giờ chúng ta đã chuyển sang một xã hội năng động hơn - xã hội đô thị, có sự hội nhập quốc tế rất sâu và rất phát triển. Vì thế, sự chuyển đổi từ cuộc sống nông thôn sang cuộc sống đô thị, thị dân, hội nhập quốc tế đòi hỏi con người ta cần phải có những ứng xử khác so với trước kia. Tuy nhiên, chúng ta chưa tạo ra được một tâm thế, cũng như tạo ra một sự chuẩn bị tốt để có một cách ứng xử phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn
- Thưa ông, tại sao chúng ta biết rõ đó có những ứng xử chưa phù hợp đã và đang tồn tại nhưng vẫn chưa thể khắc phục được một cách hiệu quả?
+ Câu chuyện đặt ra là, trên thực tế chúng ta đã nhìn nhận thấy rất nhiều ứng xử chưa phù hợp với xã hội, chưa tạo điều kiện để hoàn thiện nhân cách cho con người dù thậm chí đã có những quy định, hướng dẫn.
Tôi cho rằng có thể đến từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ quan có thể là người ta không biết những nguyên tắc ứng xử mới phù hợp với xã hội hiện nay. Khi mà người ta không biết rằng bây giờ cần phải ứng xử như thế nào ở nơi công cộng, ứng xử như thế nào trong cơ quan, ở bệnh viện hay là khi đi lễ hội,… thì rõ ràng là người ta không thể có cách ứng xử tốt được.
Và như vậy có lẽ một phần lỗi nào đó trong quá trình truyền thông. Mà ở đây vai trò của cơ quan truyền thông là cực kì quan trọng. Có lẽ là thông điệp truyền thông của chúng ta chưa tốt chăng? Vì thông điệp truyền thông của chúng ta không rõ ràng, không đơn giản, thế nên người tiếp nhận không thể hiểu được thông điệp của chúng ta mặc dù chúng ta có rất nhiều. Đấy là cái lí do thứ nhất: Thông điệp không rõ ràng, không dễ hiểu và không đến được với người dân.
Nguyên nhân thứ hai là cách truyền thông điệp của chúng ta có vấn đề, tức là chúng ta không có được những chương trình hay, chương trình hấp dẫn để lôi cuốn được sự quan tâm của người dân, dẫn đến người dân không theo dõi những chương trình đó và những thông điệp của chúng ta trở nên lạc lõng, lạc hậu và không đến được đích.
Thứ ba, có thể trong quá trình truyền thông của chúng ta bị cạnh tranh quá nhiều bởi các chương trình truyền thông khác. Các chương trình truyền thông khác hấp dẫn hơn hoặc là những hoạt động trên mạng Internet chẳng hạn, lôi cuốn người dân hơn khiến cho người dân không quan tâm đến thông điệp của chúng ta dù chúng ta có làm tốt đến mấy. Đây là một trong những nguyên nhân.
Và nguyên nhân tiếp theo nữa là người dân biết nhưng không thực hiện. Có thể trước là người ta không biết, nhưng bây giờ là người ta biết nhưng người ta không thực hiện.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo "Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử" diễn ra sáng 16/3, tại Hà Nội
- Ông cho rằng, một trong những nguyên nhân là người dân biết nhưng không thực hiện, vậy phải chăng vì các hình thức xử phạt chưa đủ mạnh, chưa đủ tính răn đe?
+ Nếu người ta biết mà không thực hiện thì có thể có những lí do. Ví dụ như là các văn bản của chúng ta ban hành không hoặc chưa có hình thức chế tài, hình thức xử phạt, hay chưa có cách nào đó để các văn bản này đi vào thực tiễn được. Vậy nên chúng ta cần xem lại hệ thống văn bản của chúng ta, xem lại các văn bản ấy có đủ rõ nghĩa, đủ hình thức chế tài để người dân làm được hay không.
Thứ hai, có thể chúng ta có những hình thức chế tài nhưng vì có quá nhiều người vi phạm các nguyên tắc ứng xử mà chúng ta mong muốn người dân thực hành, trong khi đó những ứng xử mà chúng ta không mong muốn thì lại được rất nhiều người dân thực hành, dẫn đến việc chúng ta muốn xử phạt cũng không xử phạt được. Ví dụ như vi phạm trong giao thông chẳng hạn.
Những hình ảnh đẹp về văn hóa ứng xử cần được lan tỏa trong cuộc sống
- Vậy theo ông truyền thông cần phải làm gì để văn hóa ứng xử đi vào cuộc sống và đạt được hiệu quả?
+ Chúng ta phải có những cách truyền thông tốt hơn để những vi phạm, những ứng xử văn hóa chưa phù hợp được giảm bớt trong tương lai. Các hình thức xử phạt đi kèm với truyền thông có lẽ là một trong những giải pháp mà tôi nghĩ là phù hợp trong xã hội ngày nay.
Bên cạnh đó về vấn đề nêu những tấm gương người tốt việc tốt là một tác động rất hay. Khi chúng ta lan tỏa những điều tốt chúng ta sẽ hạn chế những điều xấu trong ứng xử của mọi người, trong các nơi công cộng, trong gia đình.
Xin cảm ơn ông đã có những chia sẻ thẳng thắn!