• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chúng ta đã có “văn hóa đi bộ” hay chưa?

Văn hoá 18/09/2016 06:20

(Tổ Quốc) - “Chúng ta vốn dĩ là một quốc gia đi bộ nhưng văn hóa đi bộ theo đúng nghĩa hiện nay thì chưa có”- đây là nhận định của chuyên gia tâm lý xã hội Trịnh Hòa Bình trong cuộc phỏng vấn bàn về “Văn hóa đi bộ” của báo điện tử Tổ Quốc.

Thử lý giải những hành vi chưa đẹp trên phố đi bộ Hà Nội

-          Thưa chuyên gia Trịnh Hòa Bình, Hà Nội vừa triển khai tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm đã khiến một lượng người đổ về nơi đây khá đông trong niềm hân hoan. Tuy nhiên, tại đây vẫn còn tồn tại một số hành vi chưa đẹp, theo ông vì sao lại xảy ra tình trạng vậy?

+ Hà Nội vừa triển khai phố đi bộ lên đến 16 điểm phố thay vì vài phố thí điểm như trước kia là một cố gắng rất lớn để tổ chức được một không gian văn hóa cho Hà Nội với ý nghĩa như một bảo tàng du lịch thiên nhiên sống, khẳng định vẻ đẹp Hà Nội ngàn năm, sự hiếu khách đối với du khách mọi miền cũng như khách quốc tế. Trước tiên phải khẳng định đây là chủ trương đúng.

Nhưng rõ ràng từ thực tế triển khai đầu tháng 9 vừa rồi mọi người đã thấy số lượng người đổ về rất đông trong niềm hân hoan, sự chia sẻ là âm hưởng chủ đạo. Bên cạnh đó có nhiều hành vi chưa đẹp, có những xử sự, hành xử của cá nhân, một nhóm người nào đó không tương thích, không phù hợp mà nói gọn là không đẹp.

Chắc chắn cái gì mới khởi đầu đều khó khăn. Cái khó khăn ở đây nằm trong ngay trong cơ sở hạ tầng, điều kiện không gian vật lý của đường phố cũng như tâm thức, tâm thế của những chủ khu phố, rồi những tiện ích, những dịch vụ đi kèm để đáp ứng được một cách hài hòa. Nỗ lực của các cơ quan chức năng rất lớn, rất dày công.

Tuy nhiên lý do để tồn tại những hành vi chưa đẹp đến từ nhiều phía, không thể đổ thừa không gian vật lý chật hẹp, quá căng thẳng đầy áp lực, mà còn do thói quen ứng xử tiểu nông; nhàn tản, tùy tiện… không phải thuộc tính thời đại văn minh, phong cách sinh hoạt của thị dân tiên tiến như ở các quốc gia khác chúng ta từng gặp.

Chuyên gia tâm lý xã hội PGS-TS Trịnh Hòa Bình. Ảnh: Hà Anh.

Điều đáng nói là những hành vi chưa đẹp diễn ra ở cộng đồng người Việt chứ không phải từ du khách. Bởi du khách đã có nếp ứng xử từ trước rồi, nên họ có tham gia ở những phố đi bộ của quốc gia khác họ không những thích nghi nhanh mà trở thành văn hóa.

Còn chúng ta dẫu đánh giá đây là chủ trương đúng, ủng hộ nhưng vẫn mới mẻ lạ lẫm. Chẳng hạn những cư dân khu phố đó về trễ giờ, vào giờ bị ngăn cấm xe, phàn nàn để xe vài cây số, có con trẻ ngồi trên, bị lực lượng chức năng can thiệp với thái độ thiếu thân thiện, trong bối cảnh mệt nhọc, nóng bức.

Những  hành vi chưa đẹp còn nảy sinh từ những tiện ích chưa cao, mức độ các dịch vụ sẵn sàng tham gia chưa tuyệt đối, hài hòa. Ngay cả một số việc đã sẵn sàng cung ứng nhưng thực tế triển khai lại có sự chênh lệch do lượng người quá đông, quá tải.

Khi tuyến phố mới được mở ra thì mọi người đến vì tò mò, đến để khám phá, đến để xem như thế nào nên số lượng người vượt xa con số nếu diễn ra thường xuyên, nhưng dù thế nào thì cũng phải tính đến số lượng người tuyệt đối diễn ra trong không gian vật lý quá tải. Mà chúng ta thấy là những gì quá tải thường đưa đến kết quả không như ý,  dễ vi phạm chuẩn mực, gây bực dọc, phản cảm.

Người đi bộ tại tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm. Ảnh: Nam Nguyễn.

-          Theo quan điểm nhìn nhận của chuyên gia xã hội Trịnh Hòa Bình thì có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tồn tại những hành vi, ứng xử chưa đẹp. Vậy ngoài việc khắc phục những lý do được kể trên thì có cần khắc phục hay thay đổi điều gì để có thể đảm bảo lâu dài cho tuyến phố đi bộ văn minh, thân thiện và hữu ích không thưa ông?

+ Đi kèm với việc tổ chức tốt không gian đô thị dành cho đi bộ có lẽ lâu dài và bền vững phải gắn liền kiên trì di dân tái định cư khu phố cổ, phải đưa một bộ phận đáng kể ra khỏi phố cổ, vì khi để một mật độ quần cư quá dày đặc trong khu phố đi bộ phải luôn luôn đối diện với thách thức.

Nếu chúng ta muốn giới thiệu Hà Nội trở thành một khu vực dành cho du khách cũng như người Việt Nam thụ hưởng không gian văn hóa, được thư giãn, được bồi dưỡng, được nâng cấp tư tưởng tình cảm đến thể chất của không gian đi bộ thì chắc chắn là phải di dân mới đảm bảo lâu dài được. Thực tiễn, ở những khu phố đi bộ nước ngoài bao giờ số khách bên ngoài bao giờ cũng áp đảo đông hơn số người tại chỗ, nhưng ở ta khu phố dành cho hoạt động đi bộ cư dân tọa lạc ở đó rất đông và không thể cấm hay cản thực hiện những sinh hoạt hàng ngày được. Vì thế những hành động không tương thích,  không hài hòa với không gian đi bộ diễn ra với ngay cả cư dân phố cổ, bởi khi họ bị áp lực, bị căng thẳng thì cũng có thể có hành xử không ăn khớp, không hài hòa, thiếu thân thiện.

Người Việt có hay không “Văn hóa đi bộ”?

-          Là một chuyên gia tâm lý, theo nhìn nhận của ông thì chúng ta đã có “văn hóa đi bộ” chưa?

+ Điều đầu tiên phải nói chúng ta là quốc gia nông nghiệp thì khởi đầu chắc chắn là đi bộ, sau đó đi ngựa, cưỡi voi đánh giặc rồi đi xe. Thế nhưng cái đi bộ thủa nào của văn minh nông nghiệp là nhàn tản, thiếu tính kế hoạch, thiếu tính tổ chức, tùy tiện, thoải mái, không bị câu thúc về thời gian.

 Hình ảnh của cư dân đi bộ chúng ta là “Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa có vẻ rất tấp nập nhưng xem chừng không bị trói buộc, đòi hỏi về vấn đề thời gian, không đặt ra vấn đề khớp nối hợp đồng…

Như vậy chúng ta vốn dĩ là một quốc gia đi bộ nhưng văn hóa đi bộ theo đúng nghĩa hiện nay thì chưa có.

Chưa có văn hóa đi bộ vì sao, vì ngay cả khái niệm “vỉa hè dành cho người đi bộ” trên thực tế vỉa hè không dành cho người đi bộ. Ở những quốc gia văn minh khác nên nhớ là vỉa hè không những chỉ dành cho người đi bộ mà còn cho xe thô sơ; xe đạp, xe đẩy. Chúng ta không có không gian vật lý để đi bộ nên nếu ai đó đi bộ thì có lúc đi trên vỉa hè, có lúc đi xuống lòng đường, có lúc đi đan xen, đi chéo...

Kỳ vọng "văn hóa đi bộ". Ảnh: Nam Nguyễn.

Có lẽ bây giờ nếu có phố đi bộ thì văn hóa đi bộ vốn dĩ thô kệch, tùy tiện… thì được dịp “thăng hoa”, chúng ta lùi ra xa ngắm nghía dòng người đi bộ vừa qua giống như đi biểu tình, đi hoạt náo, thậm chí cầm tay nhau, hào hứng, hổn hển chứ  không phải đi đến đấy để thư giãn, nhàn tản, để bồi bổ tinh thần và tính tình.

Nếu so sánh dòng người đi bộ ở phố đi bộ vừa qua tại Hà Nội với phố đi bộ  ở thủ đô Paris nướ c Pháp thì hơi buồn cười. Vì ở Paris không gian đi bộ có tiết diện mặt đường 30m, độ dài đường 1380m, trên đoạn đường đi có rất nhiều tụ điểm mua sắm, ăn uống, giải khát, thậm chí có những bục để ngồi, thư giãn, đi bộ không bị trói buộc “đi bộ phải đến”còn chúng ta : “đi như bổ củi”.

-          Dưới góc độ nhà tâm lý, theo ông người trẻ có cần đi bộ không?

+ Tôi cho rằng người trẻ rất cần phải đi bộ, ngoài việc đi bộ bảo vệ sức khỏe, luyện tập, thư giãn… mà đi bộ thực hiện nhịp điệu sống thời hiện đại, lâu nay chúng ta có xe máy nên rất lạm dụng tốc độ, đi 100m, 200m cũng phải đi xe máy,  thành ra chúng ta vội vã thì rất vội vã, nhưng đáp ứng yêu cầu một xã hội công nghiệp hiện đại lại không đáp ứng.  

-          Ông nhìn nhận cách đi bộ của những người trẻ như thế nào tại tuyến phố đi bộ Hà Nội vừa qua?

+ Không khí đi bộ hôm vừa rồi chúng ta hãy nhìn nhận như một sự thể nghiệm, như một sự tập dượt, một sự thỏa mãm hiếu kỳ. Nhưng chúng ta kiên trì thực hiện và vận động xây dựng nếp văn hóa đi bộ là cần thiết và đặc biệt phải diễn ra ở lớp trẻ vì đây là chủ nhân đất nước. Còn người già đến lúc sức  khỏe khó khăn đằng nào họ cũng đi bộ, vì họ không đi được xe nữa.

 Người trẻ hãy thay đổi nhịp điệu của mình, rời bỏ cái xe máy … Người trẻ dường như sống rất vội nhưng lại không biết đi bộ một cách khẩn trương.

-          PV: Vậy việc xây dựng văn hóa đi bộ cho giới trẻ nên bắt đầu từ đâu thưa ông?

+ Bắt đầu từ mỗi con người, mỗi gia đình, đây là đòi hỏi chung của cộng đồng đặt ra cho mỗi cá nhân.

Mặc dù đi bộ như tôi đã nói ở trên với rất nhiều lợi ích đem lại thì cần gắn thêm cho đi bộ là văn hóa nữa.

Và bài toán tới đây phải làm sao xây dựng được văn hóa đi bộ. Chúng ta sẽ kỳ vọng rằng du khách thập phương nước ngoài cùng với chúng ta thể hiện văn hóa đi bộ.

Xin cảm ơn ông!

Hà Anh (Thực hiện)

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ