• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Chúng tôi không nhận được tin nhắn hay phong bì nào trước khi lấy phiếu tín nhiệm"

Thời sự 25/10/2018 11:40

(Tổ Quốc) - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội đã chia sẻ với phóng viên báo Điện tử Tổ Quốc như vậy bên lề hành lang Quốc hội sáng 25/10.

Chưa có Bộ, ngành nào mời ĐBQH

- Thưa ông, trước khi điền vào phiếu trong buổi lấy phiếu tín nhiệm sáng nay tại Quốc hội, ông có suy nghĩ như thế nào?

+ Sáng nay, Quốc hội đã lấy phiếu tín nhiệm các thành viên do Quốc hội bầu hoặc thông qua. Tôi cho rằng đây là hoạt động thể hiện quyền giám sát tối cao mà ĐBQH đánh giá về những hoạt động, thành tích, đóng góp, tồn tại của các vị được lấy phiếu. Cá nhân tôi ý thức đây là việc vô cùng quan trọng và chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần từ 6 tháng qua và đặc biệt là khoảng 2 tuần nay, khi Quốc hội gửi cho đại biểu các bản đánh giá của các vị đó.

Sáng nay chúng tôi đã làm việc rất nghiêm túc, Quốc hội cũng làm việc hết sức quyết liệt, nghiêm túc trong việc này.

Chúng tôi không nhận được tin nhắn hay phong bì nào trước khi lấy phiếu tín nhiệm - Ảnh 1.

ĐBQH đoàn Hà Nội Nguyễn Anh Trí.

- Trước khi kỳ họp diễn ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã  nhắc nhở các Bộ không tổ chức tiệc tùng, mời ĐBQH tới tham dự nhằm đảm bảo tính khách quan khi lấy phiếu tín nhiệm. Đây là một trong những hoạt động đổi mới của Quốc hội. Tuy nhiên, thời điểm tối hôm qua, 25/10, trên mạng xã hội có "râm ran" thông tin, các ĐBQH nhận được "những lời gửi gắm" của các Bộ trưởng. Xin ông cho một xác nhận: chuyện này có xảy ra không?

+ Trước hết về ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, đây là việc rất đúng, chúng tôi rất ủng hộ việc này. Tôi thấy các ĐBQH nói chung nhất là các đồng chí thuộc 48 vị được lấy phiếu dịp này đã thực hiện rất nghiêm túc điều đó. Tôi phải công nhận vậy.

Thông thường kỳ họp Quốc hội, các Bộ hay tổ chức gặp gỡ các ĐBQH của ngành ấy. Tôi cho rằng điều nay cũng hay vì đó là dịp để các Bộ nói về những việc mà ĐBQH cần nắm, đó là một dạng tiếp xúc cử tri để ĐB có thể hiểu rõ trước khi phát biểu. Khi mình thấy một vấn đề tồn tại nhưng không biết nguyên nhân vì sao còn tồn tại, nguyên nhân khách quan, chủ quan như thế nào thì việc đó rất đúng mực. Nhưng lần này, cho tới ngày hôm nay, tôi được biết, chưa có Bộ nào mời các ĐBQH cả. Đó là sự thật.

Như vậy quan điểm của đồng chí Chủ tịch đang được các ĐBQH cũng như các bộ, ban ngành thực hiện nghiêm túc.

Còn vấn đề thứ hai, cho tới giờ này, tôi chưa nhận được một tin nhắn, một cái phong bì, phong bao của ai để gửi gắm gì cả. Đó là sự thật. Tôi nghĩ các ĐB khác cũng thế. Tự trọng, nhân cách của các đồng chí lãnh đạo cũng rất cao, không có chuyện ấy.

Cao thì cũng đừng quá lạc quan, thấp cũng đừng buồn

- Với cá nhân ông, ông đánh giá việc cao hay thấp sẽ nghiêng về khối nào hơn: Khối Chính phủ, Quốc hội hay Nhà nước? Và ông có chia sẻ như thế nào với các vị tư lệnh ngành là thành viên của Chính phủ khi đang phải đối mặt với những áp lực từ cuộc sống hàng ngày của người dân và có thể họ sẽ nằm trong nhóm khối tín nhiệm thấp?

+ Đây là đợt lấy phiếu tín nhiệm chứ không phải là bỏ phiếu tín nhiệm, bầu sự tín nhiệm của một vị nào cả. Lấy phiếu tín nhiệm như là một dạng thăm dò, khi thăm dò thì có giá trị để tham khảo nhiều hơn. Đây là việc rất đúng mực. Chính ĐBQH qua việc nghiên cứu tài liệu, thực tế của từng vị trí thì đánh giá được một bức tranh toàn cảnh của các hoạt động của các vị trí chủ chốt của Nhà nước, Chính phủ.

Thứ 2 là, người nhận được nhiều phiếu tín nhiệm cao là rất tốt rồi, ĐBQH ghi nhận đánh giá đúng, sát về hoạt động, đóng góp của các chức danh. Nhưng chúng ta thấy điều này rất khó. Chiều hôm qua, đoàn ĐBQH Hà Nội khi thảo luận tại đoàn dưới sự chủ tọa của đồng chí Hoàng Trung Hải (Bí thư Thành ủy Hà Nội), chúng tôi thừa nhận có những vấn đề rất khó.

- Theo dự đoán của ông, nhóm nào sẽ có số phiếu tín nhiệm thấp thưa ông?

+ Đây không phải ý kiến riêng của tôi mà nhiều ĐBQH đã thấy được rất rõ. Thông thường nhóm Quốc hội, tức là các thành viên trong Quốc hội số phiếu sẽ cao hơn. Còn số phiếu các vị thành viên Chính phủ, hay các vị ở vị trí cọ sát nhiều với người dân thì thường có số phiếu chắc là không cao bằng.

Tôi lấy ví dụ như vấn đề thanh tra, kiểm toán, hay các bộ như Bộ Y tế, Giáo dục, LĐTBXH… là những bộ mà động chạm nhiều, gặp gỡ nhiều, liên quan nhiều những công việc mà công việc ấy dễ nhìn thấy trên mặt bằng chung. Kết quả thì phải chờ đợi nhưng nói rất thật, tôi đoán, khó có thể đạt số phiếu tín nhiệm cao được.

- Ông kỳ vọng như thế nào qua việc lấy phiếu tín nhiệm lần này sẽ có những tác động tích cực tới việc điều hành của khối Chính phủ trong công tác điều hành từ nay tới hết nhiệm kỳ?

+ Tôi và cử tri đều kỳ vọng, sau đợt lấy phiếu tín nhiệm như thế này thì các đồng chí trong 48 vị đó cần nhìn nhận lại mình hơn. Dù có thể có số phiếu tín nhiệm cao, hay thấp thì cao cũng đừng quá lạc quan, thấp cũng đừng buồn để mình thực hiện nhiệm vụ trên cương vị đó tốt hơn.

- Xin cảm ơn ông! 

Thái Linh (Thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ