(Tổ Quốc) - Đối với xã hội, học sinh, sinh viên thường bị cho là thiếu khả năng quản lý tài chính cũng như hay rơi vào tình trạng "viêm màng túi". Điều đó liệu có đúng với các học sinh, sinh viên nước ngoài? Hãy cùng tìm hiểu cách họ sử dụng đồng tiền như thế nào nhé!
Nhắc đến thế hệ Z, người ta ám chỉ những bạn học sinh, sinh viên sinh vào giai đoạn từ năm 1995 đến 2005. Đây là thế hệ có sự nhạy cảm về rủi ro nhất định, không liều lĩnh giống như các thế hệ trước, đặc biệt là trong các vấn đề về tiền bạc.
Chính việc sinh ra và lớn lên trong bối cảnh thế giới vừa trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ năm 2008 đã ảnh hưởng sâu sắc đến cách nghĩ và cách sống của thế hệ Z. Họ có cái nhìn cuộc sống một cách thực tế hơn, và điều đó phản ánh rõ nhất trong cách tiêu xài tiền bạc của họ.
Dưới đây là một vài câu hỏi của Vice dành cho những bạn trẻ thế hệ Z để tìm hiểu về thói quen tiêu dùng của họ. Hãy cùng lắng nghe câu trả lời nhé!
Anthony, 20 tuổi (Sinh viên tại Canada)
Anthony, đối với bạn thì cái gì được cho là "cần thiết" và bạn sẵn sàng bỏ ra bao nhiêu tiền để chi tiêu cho chúng?
Mình chủ yếu dành tiền để mua đồ ăn. Bởi vì chi phí thuê nhà ở Toronto rất đắt đỏ, nên mình quyết định sống chung với bố mẹ để tiết kiệm hơn. Nói chung là mình thích chi tiêu cho những thứ đem lại cho mình những trải nghiệm mới, thay vì chỉ những món đồ thông thường. Trừ đồ ăn ra thì mình lúc nào cũng dành tiền để mua đồ ăn cả (cười).
Có lúc nào bạn cảm thấy đáng ra mình nên tiêu nhiều tiền hơn không? Hoặc ít hơn chẳng hạn?
Lúc nào mình cũng muốn bản thân tiêu ít đi. Nếu bạn là một người dân nhập cư tại một đất nước xa lạ, bạn cần phải thật cẩn trọng khi xử lý bất cứ tình huống nào. Đó là điều mà mình luôn nắm rõ, mình luôn tự nhủ bản thân rằng phải thật cẩn trọng với mọi thứ xảy ra trong cuộc sống. Mình luôn cố gắng hết sức để cắt giảm chi tiêu hết mức có thể, đấy là nếu như mình có thể chịu đựng được.
Vậy theo bạn thì những thứ gì khiến bạn cảm thấy đáng bỏ tiền ra nhất? Và điều gì khiến chúng trở nên đáng giá như vậy?
Mình thích được trải nghiệm. Dần dần mỗi món đồ sẽ trở nên nhàm chán hơn, nhưng trải nghiệm chính là thứ khiến bạn phải nhớ mãi trong suốt quãng đời còn lại.
Vậy đâu là thứ vô bổ nhất mà bạn từng phải bỏ nhiều tiền nhất?
Đồ ăn, đương nhiên rồi. Mình đến rất nhiều nhà hàng khác nhau và cũng thử rất nhiều món ăn nữa. Lúc nào cũng vậy, kiểu gì mình cũng sẽ lại chi tiền để mua đồ ăn thôi.
Sydney, 19 tuổi (Sinh viên tại Canada)
Chào Sydney, đối với bạn thì cái gì được cho là "cần thiết" và bạn sẵn sàng bỏ ra bao nhiêu tiền để chi tiêu cho chúng?
Điều đầu tiên chắc chắn phải là việc học rồi. Mình cảm thấy may mắn vì có gia đình ở bên, và cả OSAP nữa (Ontario’s Student Loan Program, tạm dịch là chương trình cho vay học phí dành cho sinh viên của bang Ontario). Chương trình này đã giúp mình chi trả tiền học phí đến trường. Điều thứ hai có lẽ chắc là trải nghiệm. Được đi chơi với bạn bè, có một cuộc sống năng động với mọi người xung quanh.
Điều tiếp theo có lẽ là một vài món đồ lặt vặt như thức ăn hay các sản phẩm làm sạch cơ thể. Nếu chỉ là những thứ để duy trì sức khỏe thì với mình nó không đáng giá bao nhiêu. Mình sẽ dành nhiều tiền hơn cho những thứ như thuốc cảm cúm chẳng hạn.
Vậy bạn định nghĩa thử xem điều gì là "đáng giá" đối với bạn?
Mình thích tập trung vào những thứ mà bản thân cảm thấy chúng sẽ có ích cho mình về sau. Nếu chẳng hạn mình muốn gây ấn tượng với ai đó bằng cách đi chơi cùng họ, mình sẽ chủ động trả tiền hóa đơn cho người đó. Làm gì cho bạn bè cũng đều được coi đáng giá hết.
Và tất nhiên, bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng rất quan trọng. Mình nghĩ mình sẽ dành tiền vào cả thuốc men, liệu pháp chữa bệnh,... để cơ thể mình luôn khỏe mạnh. Thật ra rất khó để ưu tiên tiền bạc cho những thứ đó, nhưng mình đang thử cố gắng xem sao.
Có những thứ gì vô bổ mà bạn đã từng chi tiền rồi?
Dĩ nhiên là mỹ phẩm rồi. Có thời điểm mình kiếm được kha khá và việc đầu tiên mình làm là đi mua một đống mỹ phẩm chăm sóc da loại đắt tiền. Giờ chắc da mình nó chỉ thích ứng với mấy loại dưỡng da đó mất rồi.
Tian, 19 tuổi (Du học sinh Trung Quốc tại Canada)
Chào Tian, đối với bạn thì cái gì được cho là "cần thiết" và bạn sẵn sàng bỏ ra bao nhiêu tiền để chi tiêu cho chúng?
Hiện tại mình đang sống ở khu vực Ontario, bên ngoài khuôn viên trường. Tiền thuê nhà do cha mẹ mình chi trả, nên mình chỉ phải lo các loại sinh hoạt phí như điện, nước, internet và tiền ga. Nhưng thứ mà mình đổ nhiều tiền vào nhất có lẽ là thực phẩm hàng ngày.
Lần nào mình cũng cố gắng tiết kiệm hết sức, nhưng kết quả lúc nào cũng phải thốt lên: "Ôi trời, lại tiêu quá nhiều vào tiền thức ăn rồi, phải tiết kiệm thôi". Mình thường giới hạn túi tiền vào khoảng 100 đô la Canada một tuần (tương đương 1,7 triệu đồng), nhưng thực tế con số ấy thường là 120 đô (khoảng hơn 2 triệu đồng)".
Bạn nghĩ đâu là lý do khiến mình chi tiêu vượt quá hạn mức đã đề ra?
Mình cảm thấy mọi thứ ở thành phố London (Canada) đều đắt đỏ hơn. Hồi còn ở Bloor (thành phố Toronto), mình thường có thói quen ghé qua vài tiệm ăn trưa rẻ tiền ở đó. Ở London không có những quán ăn như thế.
Thực phẩm ở đây cũng đắt hơn. Bạn phải tự xoay sở với những gì xung quanh. Ở Toronto, mình có thể ghé qua những quán ăn bình dân như No Frills chẳng hạn. Nhưng ở đây, quán ăn gần chỗ mình nhất cũng đã thuộc hàng cao cấp mất rồi.
Đâu là những thứ vô bổ mà bạn từng chi tiêu nhiều nhất?
Mình dành quá nhiều tiền cho mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc da. Thực sự sau mỗi lần chi tiêu như thế, cảm giác khá là tồi tệ, và mình biết là nếu mình chịu khó tìm tòi hơn, mình có thể biết được những cách trang điểm khác hoặc những sản phẩm đến từ thương hiệu khác với chi phí rẻ hơn nhiều.
Nhưng mình lại nghĩ mua một món đồ mới cũng là cách để chiều chuộng bản thân một chút. Và thực sự chiều chuộng bản thân quá mức thực sự có hại. Lúc nào trong đầu bạn cũng xuất hiện suy nghĩ rằng mình phải được mua cái này, cái kia, thế nên bây giờ mình đang có xu hướng muốn mua đồ mới hàng tuần, thậm chí là hàng ngày ấy. Mỗi lúc nghĩ như thế, mình lại trở nên mất kiểm soát – chi tiêu một cách hoang phí để rồi sau này lại cảm thấy hối hận.
(Nguồn: Vice)