• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuyên gia bàn tháo nút thắt, tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế VN

Kinh tế 26/10/2017 09:40

(Tổ Quốc) - Diễn đàn “Giải pháp chính sách tháo bỏ nút thắt và tạo động lực mới thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng” vừa diễn ra đã chia sẻ nhiều nội dung về thực trạng tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng như đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo bỏ nút thắt, tạo động lực tăng trưởng trong thời gian tới.

Diễn đàn là cơ hội để các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, hoạch định chính sách thảo luận về những giải pháp chính sách cho giai đoạn 2018 – 2020 – nhằm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thời gian qua, tăng trưởng kinh tế có xu hướng phục hồi, sản lượng tiềm năng có xu hướng liên tục cải thiện.
Cụ thể, GDP trong nước 9 tháng đầu năm 2017 tăng 6,41% so với năm trước, trong đó, quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28%. Bức tranh kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu với nhiều tín hiệu khởi sắc, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện.
Toàn cảnh diễn đàn - Ảnh: Thủy Bích

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn cần nhiều giải pháp thúc đẩy, nhất là khi sự đóng góp đáng kể từ khối các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đang chiếm ưu thế lớn trong cân bằng cán cân thương mại. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng tổng thu nhập (GNI) đang ngày càng thấp xa hơn so với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Bàn về các giải pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đình Cung nêu rõ, Chính phủ cần tạo áp lực và trách nhiệm đối với các bộ chuyên ngành để cắt bớt ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh, loại bỏ ít nhất 1/2 số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành xuất - nhập khẩu, thay đổi cơ bản cách thức quản lý nhà nước. 

“Quan trọng là tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng “mỗi năm doanh nghiệp chỉ chịu kiểm tra không quá 1 lần” và thay đổi thái độ và mục tiêu kiểm tra theo hướng hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp tuân thủ đúng luật pháp thay vì chủ yếu để xử phạt doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Đình Cung nêu rõ.

Cũng theo TS. Nguyễn Đình Cung, cần cải cách mạnh mẽ về hồ sơ, trình tự, thủ tục, rút ngắn tối đa thời hạn, giảm phí chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; miễn thuế hoặc thực hiện ưu đãi thuế đối với chuyển nhượng đất nông nghiệp. Xây dựng hệ thống thông tin số hóa về tình trạng và lịch sử thửa đất, công khai và tuyên truyền thực hiện quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp lâu dài.
Cùng với đó, cần thay đổi cách thức, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Chính thức tối đa thương mại tiểu ngạch qua biên giới, nhất là biên giới Việt – Trung. Đồng thời có kế hoạch và giải pháp đồng bộ để khai thác tối đa các cơ hội từ thị trường Trung Quốc, EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Nga…nhất là hàng nông sản và thực phẩm.
Ông Nguyễn Thâm – nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam đã đề cập đến hàng loạt những nút thắt cần phải tháo bỏ để nền kinh tế có thể phát triển.
Ông Nguyễn Thâm cho rằng, nếu không có những thay đổi tích cực và giải pháp mạnh mẽ hơn nữa thì gánh nặng của các chi phí không chính thức bên cạnh các chi phí logistics sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành hàng hóa. Đây chính là rào cản ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí chuỗi giá trị hàng hóa của Việt Nam cũng như năng lực cạnh tranh trên cả thị trường nội địa lẫn quốc tế.
Ông Thâm đề xuất, muốn vậy, cần tập trung giảm một số thành phần cấu thành chi phí này như: giá nhiên liệu, chi phí cầu đường, BOT…; minh bạch trong thủ tục hải quan và vận tải bộ để chi phí chính thức không còn là gánh nặng cho chi phí logistics. Đặc biệt, rất cần có chính sách khuyến khích sự đầu tư của các doanh nghiệp logistics theo hình thức xã hội hóa.

Về chính sách tỷ giá hối đoái, Tiến sỹ Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng cần linh hoạt để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn với việc công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày dựa vào tỷ giá chéo của rổ ngoại tệ các đối tác kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, cơ chế tỷ giá mới áp dụng từ năm 2016 vẫn chưa đủ để hỗ trợ hoạt động thương mại quốc tế.
T.S Thế Anh cho biết thêm, cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn so với cơ chế neo tỷ giá cố định hiện nay. Tuy nhiên, thời điểm này, chế độ tỷ giá thả nổi hoàn toàn không có can thiệp của NHNN cũng không phải là lựa chọn tốt của Việt Nam. Để chính sách tỷ giá thả nổi có kiểm soát thực sự phát huy tác dụng, nâng cao uy tín của VND thì Việt Nam cần phải chuẩn bị thêm một số điều kiện nhất định.
Còn CPGS.TS Vũ Thế Cường, Học viện Tài chính cho rằng: “Chính sách tài khóa có vai trò quan trọng trong ổn định và tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần có sự đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nhằm hướng tới việc xây dựng một ngân sách bền vững, hiệu quả. Dù hiện nay quy mô nợ công của Việt Nam vẫn được coi là trong ngưỡng an toàn song với việc duy trì thâm hụt ngân sách nhiều năm ở mức xấp xỉ 5% GDP trong khi hiệu quả chi tiêu công ngày càng kém thì nguy cơ mất ổn định tài khóa không chỉ là cảnh báo”.
TS Cường cho biết thêm, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến triển trong việc giải quyết các mục tiêu về chi tiêu công, công bằng và chuyển đổi thể chế. Tuy nhiên, các xu hướng chi tiêu ngân sách nhà nước cần được theo dõi chặt chẽ hơn trong thời gian tới để đảm bảo các xu hướng không thuận lợi như hiện nay không gây trở ngại về hiệu xuất chi, sự gắn kết giữ mức chi với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển con người, đảm bảo công bằng và hiệu suất.

Thủy Bích

NỔI BẬT TRANG CHỦ