• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuyên nghiệp hóa, quốc tế hóa để nâng tầm thương hiệu Liên hoan Phim Việt Nam

Văn hoá 02/08/2020 14:54

(Tổ Quốc) - Theo các nhà phê bình, các nhà làm phim và các nghệ sĩ, Liên hoan Phim Việt Nam đã là một thương hiệu. Tuy nhiên, làm sao cho thương hiệu đó vươn tầm quốc tế, góp phần phát triển nền công nghiệp điện ảnh, trở thành sự kiện hấp dân trong đời sống nghệ thuật trong nước và quốc tế thì cần thực hiện nhiều giải pháp.

Chuyên nghiệp trong tổ chức

Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) vừa tổ chức Hội nghị- Hội thảo "Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Liên hoan Phim Việt Nam" vào tháng 7 vừa qua tại TP Hồ Chí Minh (16/7) và Hà Nội (29/7).

Các ý kiến tại Hội thảo thống nhất, trải qua 21 lần tổ chức thành công, Liên hoan Phim Việt Nam đã trở thành sự kiện điện ảnh mang tầm quốc gia được nghệ sỹ, những người làm công tác điện ảnh và khán giả khắp mọi miền mong đợi qua mỗi kỳ Liên hoan Phim. Trước nhu cầu và xu hướng phát triển của điện ảnh trong thời kỳ hội nhập quốc tế đã đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi cần phải có thương hiệu mang tầm quốc gia của Liên hoan Phim Việt Nam được xây dựng một cách bài bản, khoa học và mang tính chuyên nghiệp cao, đồng thời đáp ứng được yêu cầu thời kỳ mới của đất nước; để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh; quảng bá, giới thiệu Liên hoan Phim Việt Nam trở thành thương hiệu quốc gia có uy tín, chất lượng hấp dẫn trong đời sống nghệ thuật ở trong nước và quốc tế.

Chuyên nghiệp hóa, quốc tế hóa để nâng tầm thương hiệu Liên hoan Phim Việt Nam - Ảnh 1.

Tăng thêm giải thưởng, quốc tế hóa đội ngũ giám khảo... là những giải pháp được đưa ra để xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam

Theo đánh giá từ các chuyên gia, trong khoảng 5 năm trở lại đây, điện ảnh Việt Nam đã tiệm cận được với quy mô của một ngành công nghiệp văn hóa. Điều đó thể hiện qua số lượng phim sản xuất và phát hành tăng mạnh, nhiều dự án phim được xã hội hóa, dòng phim do doanh nghiệp, cá nhân đầu tư đạt giá trị kinh tế - xã hội đáng ghi nhận. Tính đến tháng 12/2019, cả nước có 204 cụm rạp với 1.050 phòng chiếu phim, ước tính doanh thu thương mại đạt hơn 4.000 tỷ đồng, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra trong chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Các nhà nghiên cứu điện ảnh cho rằng, để nâng cao chất lượng các kỳ Liên hoan Phim Việt Nam cần được tổ chức một cách chuyên nghiệp và bài bản hơn. Theo đó, cần tổ chức cố định kỳ ở 1-2 tỉnh, những địa phương này có nhiều điểm du lịch nổi tiếng, có thể phối hợp quảng bá du lịch, điện ảnh. Việc tổ chức chuyên nghiệp sẽ đem đến một sự chuyên nghiệp cho Liên hoan Phim Việt Nam.

"Các liên hoan phim lớn của thế giới như Liên hoan phim Berlin, Liên hoan phim Busan, Liên hoan phim Toronto, Liên hoan phim Cannes... thường gắn với các địa danh nổi tiếng, mang đậm dấu ấn văn hóa và Liên hoan Phim Việt Nam cũng có thể tạo dấu ấn với một địa danh cụ thể"- Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thanh Hường, Trưởng phòng Văn hóa, Văn phòng UNESCO Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm của các liên hoan phim quốc tế: Các liên hoan phim quốc tế luôn gắn với các thành phố văn hóa. Chính quyền thành phố cam kết một chính sách lâu dài để hỗ trợ liên tục cho các liên hoan phim.

Hầu hết các thành phố này đều có mối liên hệ với nhau trong các chương trình hoạt động chung và liên tục trong năm như: xóa mù điện ảnh, tổ chức cuộc thi dành cho các ứng dụng cho điện thoại thông minh để tìm hiểu các di sản điện ảnh; giải thưởng phim ngắn 48h, 72h, dự án giới thiệu, quảng bá và đào tạo, sản xuất phim... để công chúng có thể dễ dàng tiếp cận với điện ảnh.

"Khi chọn lựa các thành phố để tổ chức liên hoan phim thì chúng ta cần khuyến khích, hỗ trợ cho họ. Nếu Việt Nam có thể xác định được một nhóm 2, 3 hoặc 5 thành phố đủ điều kiện trong việc phát triển điện ảnh thì tại sao chúng ta không tạo ra mối quan hệ đối tác với Cục Điện ảnh?

Làm sao để họ không ở trong thế bị động, không biết năm nay mình có được chọn để tổ chức liên hoan phim không? 10 năm nữa mình có được chọn không? Nếu có một mạng lưới khoảng 3-5 thành phố thì mạng lưới ấy sẽ góp phần xây dựng thương hiệu, với những điểm nhấn, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam một cách chủ động"- bà Hường nói.

Chuyên nghiệp hóa, quốc tế hóa để nâng tầm thương hiệu Liên hoan Phim Việt Nam - Ảnh 2.

LHP Việt Nam đã là một thương hiệu, nhưng để nâng cao thương hiệu này, cần có thêm nhiều giải pháp được thực hiện (ảnh minh họa Minh Khánh)

Tăng cường quảng bá, nâng cao chất lượng LHP

Theo nhiều đại biểu tham dự Hội thảo, để nâng cao thương hiệu Liên hoan Phim, việc cốt yếu là nâng cao chất lượng liên hoan. Trong đó, cần nâng cao chất lượng giải thưởng, chất lượng các phim tham gia Liên hoan, quốc tế hóa Ban giám khảo...

Muốn có một liên hoan phim chất lượng, trước hết phải tập hợp được nhiều bộ phim hay, thu hút sự tham gia của đông đảo đội ngũ làm phim. Đạo diễn Lương Đình Dũng, tác giả của bộ phim "Cha cõng con" từng dành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế cho biết: "Nếu coi Liên hoan Phim Việt Nam là cơ hội quảng bá thì nên có ban giám khảo là người nước ngoài tham gia chấm giải. Nếu không thương hiệu Liên hoan Phim sẽ khó được lan tỏa".

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho rằng sự quảng bá của Liên hoan phim chưa đủ mạnh, dù chúng ta đang ở thời kỳ 4.0 thì công tác truyền thông của Liên hoan phim vẫn không khác nhiều so với cách đây vài thập kỷ mà ở thời điểm đó, sự kiện Liên hoan phim lại không bị che lấp bởi hàng chục, hàng trăm những sự kiện khác được quảng bá rầm rộ như ở thời điểm này. Nó cũng giống như một bộ phim chỉ được quảng bá trước khi chiếu vài tuần sẽ khó có thể có doanh thu tốt như một bộ phim được đầu tư khâu truyền thông bài bản từ khi bắt đầu hình thành dự án, tổ chức casting, làm tiền kỳ... Chúng ta có một lịch sử phát triển Liên hoan phim đã nửa thế kỷ. Trong 21 kỳ Liên hoan phim đó, có rất nhiều bộ phim đã tham gia, đã đoạt giải.

"Nếu chúng ta có những kênh quảng bá riêng, có những nhóm làm nội dung riêng để đưa những bộ phim cả cũ, cả mới tới khán giả theo những hình thức mới mẻ nhất, (ví dụ như tạo những clip ngắn là những trường đoạn đặc sắc của các phim...) thì chưa nói đến thương hiệu, cái tên Liên hoan Phim Việt Nam sẽ dần dần trở nên thân quen với tất cả người dân Việt Nam. Chúng ta cũng có thể mở thêm những giải bình chọn của khán giả cho các bộ phim, các diễn viên nổi tiếng. Bởi chính lượng fan của họ cũng là kênh quảng bá vô cùng chất lượng cho Liên hoan Phim"- Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ nêu ý kiến.

Các ý kiến thảo luận trong Hội nghị - Hội thảo sẽ được Cục Điện ảnh tổng hợp tiếp thu đưa vào Đề án và phục vụ công tác xây dựng thương hiệu quốc gia Liên hoan Phim Việt Nam./

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ