• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuyện nữ hoàng Áo không soi gương vì mặt rỗ và những mũi tiêm thanh toán căn bệnh truyền nhiễm đáng sợ

Sức khỏe 06/07/2020 19:52

(Tổ Quốc) - Năm 1767 khi bệnh đậu mùa đe dọa triều đại Habsburg, nữ hoàng Maria Theresia đứng trước sự lựa chọn: có nên cho các con tiêm chủng hay không?

Nữ hoàng trở thành người đi tiên phong về tiêm chủng.

Cái ôm khiến nữ hoàng suýt mất mạng

Đó là một cái ôm mà suýt nữa làm cho nữ hoàng Maria Theresia của Áo bị mất mạng. 

Tháng 5/1767 bà đã ôm cô con dâu Josepha bị bênh đậu mùa rất nặng và sau cái ôm này cô bị nhốt trong phòng cách li. Sự tiếp xúc ngắn ngủi này cũng đủ làm cho nữ hoàng bị lây bệnh đậu mùa. Triều đình Viên vô cùng lo lắng – vì một phần ba những người bị lây nhiễm bệnh này thường không qua khỏi. 

Ngày 1/6, hoàng hậu đòi làm các bí tích của cái chết. Nhưng như có phép lạ, bà đã khỏi bệnh.

Maria Theresia, khi đó 50 tuổi, và bà cũng biết về nguy cơ khi ôm người bệnh. Thời đó bệnh đậu mùa là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đáng sợ nhất, nó còn đáng sợ hơn cả bệnh dịch hạch. Sự lây lan bệnh cũng tương tự như Covid-19 ngày nay: đầu tiên ho nhẹ, sau đó là sốt, rùng mình, run rẩy, co cứng, đau đầu , đau khớp và buồn nôn. Sau ít ngày các vết đỏ như hạt đậu nổi lên, sau đó những hạt này mưng mủ, cuối cùng đóng vẩy và để lại những vết sẹo - nếu như bệnh nhân qua khỏi.

Trẻ con, người lớn mắc bệnh đều có thể bị chết, những người sống sót thì bị các di chứng nặng nề như mù, điếc hoặc người đầy sẹo, dị dạng. Sau khi bình phục Maria Theresia không cho treo gương trong hoàng cung ở Viên, để bà không phải chứng kiến những vết sẹo trên khuôn mặt mình.

Những người thoát chết bệnh như bà suốt đời miễn dịch với căn bệnh này - như Mozart, Beethoven, Goethe hay nhà vua Pháp Ludwig XIV. Vô vàn người khác không may mắn, trong đó có cả các bậc đế vương.

Với các vương triều ở châu Âu thì bệnh đậu mùa luôn là một mối đe dọa lớn, vì những kẻ nối ngôi cũng bị chết do đó các triều đại có nguy cơ không có người thừa kế ngai vàng. Đây cũng là lý do vì sao các Hoàng gia châu Âu đóng góp đáng kể vào việc chống bệnh đậu mùa. Maria Theresia cũng là người đi tiên phong về "tiêm chủng" để duy trì triều đại Habsburg của bà.

Kẻ thù không đội trời chung của triều đình Habsburg

Bệnh đậu mùa đã nhiều lần phá vỡ chính sách dòng tộc của nữ hoàng Maria Theresia. Cô con dâu đầu của bà, Isabella von Parma chết năm 1762 vì lây nhiễm căn bệnh này – là phu nhân của con trai nữ hoàng Maria Theresia là Joseph hai người đáng ra sẽ cai quản vương triều. Sau đó người vợ thứ hai của Joseph cũng chết vì căn bệnh này .

Danh sách nạn nhân của bệnh đậu mùa thuộc hoàng tộc còn dài hơn nhiều. Bốn trong tổng số 16 người con của Maria Theresia đều bị chết vì bệnh dịch.

Chuyện nữ hoàng Áo không soi gương vì mặt rỗ và những mũi tiêm thanh toán căn bệnh truyền nhiễm đáng sợ - Ảnh 3.

Imagno/ ullstein bild

Khi có người trong vương triều bị bệnh dịch nữ hoàng làm mọi cách để cứu giúp. Bà kêu gọi thần dân cả nước cầu nguyện cho người bệnh. Ngoài ra bà rất tin tưởng ở người thầy thuốc trong hoàng cung, bác sỹ Geraldnvan Swieten, người Hà lan. Ông này cũng không biết làm gì hơn là trích huyết độc từ mạch máu.

Thời đó chưa có thuốc chữa, người bệnh đành cam chịu, cầu may. Bản thân bác sỹ Van Swieten cũng có một người con trai bị chết vì đậu mùa. Một thời gian dài ông tin rằng: không có cách gì hơn là chờ đợi.

Nhưng nữ hoàng không chịu bó tay để nhìn cảnh con đẻ, con dâu phải chết vì căn bệnh quái ác này. Bà tuyên bố chống dịch phải là việc của triều đình, bà từng nói, bệnh đậu mùa là tử thù của Triều đại Habsburg. Khi bà thoát khỏi bệnh dịch và khỏe mạnh trở laị bà đã tuyên chiến với đậu mùa.

Những kẻ chống đối tiêm chủng cũng có tuổi thọ như tiêm chủng

Cuộc tranh luận về tiêm chủng phòng bệnh đậu mùa diễn ra ở châu Âu đã có từ lâu, trước thời kỳ này. Ý tưởng dùng vật gây bệnh đã bị làm suy yếu cấy vào người bình thường tạo miễn dịch để người đó suốt đời không còn bị bệnh này xuất phát từ châu Á.

Hàng trăm năm trước người ta đã lấy dịch tiết ra từ người bị bệnh đậu mùa để cấy vào người khỏe mạnh. Năm 1718 bà Mary Wortley Montagu, vợ nhà ngoại giao người Anh ở Konstantinopel đã tìm hiều phương pháp này và đã thuyết phục các bác sỹ người Anh tiếp tục theo dõi phương pháp này.

Các quốc vương ở châu Âu đã nhanh chóng chú ý đến giải pháp mới mẻ này. Trong thư từ trao đổi giữa các vương triều người ta cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro. Nước Anh đi đầu trong lĩnh vực này. Hoàng thái tử Anh quốc, người sẽ kế nhiệm ngai vàng George II. Ngay từ năm 1722 đã cho các con tiêm chủng chống bệnh đậu mùa. Có lẽ Voltaire, đã đưa ý tưởng tiêm chủng này mà ông biết được trong thời kỳ lưu vong ở Anh năm 1728 giới thiệu với triều đình nước Phổ. Maria Theresia nhận được lời khuyên tiêm chủng cho con cháu từ người chị em họ là Antonia von Sachsen, bà này lại được vua Phổ Friedrich II. thuyết phục về phương pháp này.

Thời đó phương pháp miễn dịch này có tên là Variolation, theo tên la tinh của bệnh đậu mùa là Variolae. Người ta lấy dịch ở người bị bệnh đậu mùa cấy vào người khỏe hoặc cho người đó uống hoặc nuốt, qua đó làm cho hệ thống miễn dịch trong cơ thể người khỏe mạnh chuẩn bị đề phòng đậu mùa tấn công.

Tuy nhiên biện pháp tiêm chủng sống này đầy rủi ro: tỷ lệ tử vong ở người tiêm chủng là 2%. Trong khi đó nếu bùng phát dịch không kiểm soát thì tỷ lệ tử vong là 30%.

Tiêm chủng cho cả gia đình

Các bậc cha mẹ phải đối mặt với một quyết định đầy cam go. Hoặc để số phận định đoạt và có thể mất con vì bệnh đậu mùa. Hay chấp nhận rủi ro, khi để đứa con khỏe mạnh tiêm phòng - và sau đó suốt cả đời sẽ được bảo vệ. Nữ hoàng Maria Theresia cũng rất giao động khi lựa chọn giữa tiêm chủng và chấp nhận rủi ro, hay chấp nhận nguy cơ bị lây nhiễm.

Để quyết định của mình được chắc chắn bà đã viết thư trao đổi với họ hàng và liên hệ cả với chuyên gia về vấn đề này.

Năm 1768 bà gửi thư cho Daniel Sutton, người Anh, một người đi tiên phong về tiêm chủng. Bà mời ông đến Viêna, khi lời mời không được đáp ứng bà đã đề nghị các bác sỹ ở Vieena tự mình tiến hành thử nghiệm.

Thí nghiệm được tiến hành, theo thông lệ thời đó tại các trại trẻ mồ côi. Những đứa trẻ làm thí nghiệm tất nhiên không được hỏi ý kiến. Sau nhiều vòng thí nghiệm và khoảng 100 đứa trẻ không có vấn đề gì thì khi bác sỹ cung đình Van Swieten trình lên nữ hoàng, Maria Theresia đã tiếp tục bước tiếp theo là cho tiêm chủng bốn người con ruột của bà. Cả bốn không bị ngã bệnh.

Bà Hoàng cho xây dựng trạm tiêm chủng ở Viêna phục vụ bàn dân thiên hạ. Bà thuyết phục các con đã trưởng thành của mình và họ hàng thân thuộc tham gia tiêm chủng. Mọi chuyện tiến triển tốt đẹp, hoàng gia làm gương, đi đầu. Nữ hoàng Maria Theresia là người cởi mở, thông thoáng nhưng bà không ra lệnh tiêm chủng bắt buộc.

Chính quyền nhà nước và bệnh đậu mùa

Tin tức từ Viena lan truyền nhanh chóng qua mạng lưới của giới quý tộc khắp Châu Âu. Maria Theresia liên hệ chặt chẽ với các con đã kết hôn với giới hoàng tộc khắp châu Âu và bà nắm rõ, ai có tiêm phòng, ai không. Công chúa Marie-Antoinette, kết hôn với hoàng thái tử nước Pháp sau này lên ngôi vua .

Qua thư cô kể với mẹ đức lang quân của cô, Ludwig XVI. đã tiêm phòng - vị tiền nhiệm của Ludwig XV. từng chết vì đậu mùa. Sau này Ludwig XVI. không bị chết vì đậu mùa mà chết dưới máy chém của các nhà cách mạng Pháp.

Có thể nói tầng lớp quý tộc đã thúc đẩy ý tưởng tiêm chủng chống bệnh đậu mùa và hỗ trợ cho các nghiên cứu về vấn đề này – cũng nhằm mục đích duy trì sự tồn tại của vương triều. Tuy nhiên bàn dân thiên hạ không mấy lạc quan, tin tưởng vào biện pháp tiêm chủng với nhiều rủi ro này; vì thế các thầy thuốc ở Áo thậm chí đã nghĩ đến biện pháp trao huy chương cho gia đình nào tham gia tiêm chủng kể cả thưởng tiền.

Mãi đến năm 1796 bác sỹ người Anh Edward Jenner đã có một bước đi quan trọng từ Variolation sang Vakzination. Ông phát hiện ra rằng những người bị nhiễm bệnh đậu mùa ở bò, thể nhẹ, cũng miễn dịch với bệnh đậu mùa ở người. Ông tiếp tục nghiên cứu và cuối cùng tạo ra phương pháp "Vaccination" – theo tên con bò. Đây chính là phát minh về tiêm chủng.

Phương pháp này sau đó được áp dụng rộng rãi ở châu Âu và sau này được cả thế giới ứng dụng – với tốc độ và mức độ thành công khác nhau.

Những kẻ phản đối tiêm chủng vẫn không hài lòng ngay cả với phương pháp mới: một số người cho rằng về cơ bản đây là một sự báng bổ thánh thần, một sự táo tợn chống lại thiên cơ. Những người khác lại sợ sự pha trộn dịch của người với dịch của động vật sẽ làm cho con người bị uế tạp.

Với các chiến dịch được tổ chức rầm rộ cộng với việc ban hành pháp luật cuối cùng đa số dân chúng đã chịu tiêm chủng – từ đó nỗi kinh hoàng đối với bệnh đậu mùa tác oai tác quaí giảm dần. Năm 1807 Vương quốc Bayern (Bavaria) là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành luật tiêm chủng bắt buộc.

Từ đó một số quốc gia khác noi theo. Sau này bùng nổ cuộc chiến tranh Đức – Pháp cùng với nó là dịch đậu mùa 1870/71 làm 125.000 người bị chết, số người chết dịch cao gấp nhiều lần chết vì chiến tranh.

Năm 1874 hoàng đế Đức đã ban hành luật tiêm chủng. Tiêm chủng chống bệnh đậu mùa được tiếp tục phát triển, rủi ro vì tiêm chủng ngày càng hạn chế hơn. Lịch sử cuộc chiến chống bệnh đậu mùa là lịch sử của sự thành công. Năm 1979 WHO tuyên bố cả thế giới đã sạch bệnh đậu mùa.

Nguyễn Xuân Hoài

NỔI BẬT TRANG CHỦ