• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuyện ‘quả trứng- con gà’

Giáo dục 25/05/2009 08:09

(Toquoc)- Ngân sách và chất lượng giáo dục giống như chuyện ‘sở hữu nhà và hộ khẩu’, ‘quả trứng và con gà’…

(Toquoc)- Ngân sách và chất lượng giáo dục giống như chuyện ‘sở hữu nhà và hộ khẩu’, ‘quả trứng và con gà’…

Vì thế, không nên đặt vấn đề giữa đầu tư và chất lượng phải song hành với nhau.

180.000 đ/tháng chỉ gần bằng 15 cân gạo thường

Tăng học phí bậc ĐH là một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục 2009-2014 sắp được Chính phủ trình kỳ họp Quốc hội lần này.

Mức học phí tăng cũng đồng nghĩa với việc người học phải có sự lựa chọn kỹ càng hơn, trách nhiệm hơn và nghĩa vụ học tập cũng lớn hơn (Ành: S.Đào)

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng ĐH Xây dựng, ngân sách nhà nước ưu tiên cho giáo dục phần nhiều nhưng nhu cầu phát triển đòi hỏi lớn hơn nhiều kinh phí được cấp. Còn người dân lại luôn đòi hỏi một nền giáo dục chất lượng tốt. Vì vậy, giáo dục cần có sự tham gia của người dân và sự tham gia này cũng chính vì tương lai của thế hệ trẻ.

Ông Hùng cũng hy vọng, “mức học phí tăng cũng đồng nghĩa với việc người học phải có sự lựa chọn kỹ càng hơn, trách nhiệm hơn và nghĩa vụ học tập cũng lớn hơn. Điều đó có nghĩa họ phải học sao cho xứng với đồng tiền bát gạo mà gia đình đã đầu tư”.

“Ngay cả khi chưa tăng học phí, nhà nước vẫn ưu tiên đầu tư cho giáo dục, không nên đặt vấn đề giữa đầu tư và chất lượng phải song hành với nhau, như thế chả khác nào chuyện sở hữu nhà và hộ khẩu” – ông Hùng nói và cho rằng, “cứ tăng đầu tư đi đã”.

Dù sao, người dân đầu tư cho con em đi học, cũng là việc sẽ nhận được “hàng hoá” trong tương lai, vì thế họ cần phải biết được chất lượng “sản phẩm” ra sao?

Vì thế, khi tăng học phí thì đồng nghĩa cũng phải có cơ chế giám sát.

Theo các chuyên gia giáo dục ĐH, nhiều năm qua vật giá cứ tăng chỉ học phí là giữ nguyên như cũ và các trường ĐH phải gồng mình lên để tự đi bằng đôi chân của mình. Mức học phí hiện nay của sinh viên ĐH kỹ thuật như ĐH Xây dựng là 180.000 đồng/tháng bằng 15 kg gạo loại thường. Đây là bài toán khó cho các trường nếu chỉ dựa vào khoản tiền đầu tư hạn hẹp từ ngân sách nhà nước, học phí từ sinh viên.

Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương Hoàng Văn Châu còn cho rằng, nếu có tăng học phí bậc ĐH lên 225.000 đ/tháng cho năm học này thì vẫn còn là mức thấp. Với 15% ngân sách chi cho học bổng sinh viên, 15% chi miễn giảm học phí (nhiều trường khác là 20-35%) thì 70% ngân sách còn lại dành chi lương. Ví dụ với ĐH Ngoại thương, nếu tăng lên 225.000 đ/tháng thì chi lương cũng mới chỉ được khoảng 18 tỷ (thiếu 2 tỷ) và mức học phí mới phải là 290.000đ/tháng mới đủ tiền trả lương cho giảng viên.

Cũng chính cái khó này, nhiều trường đã phải tìm kiếm thêm tài chính bằng cách chuyển giao công nghệ mới, mở rộng hình thức hợp tác, thực hiện tư vấn hay các chương trình đào tạo ngắn hạn khác…

Sẽ đóng cửa cơ sở giáo dục kém chất lượng

Một nguyên nhân chủ yếu khiến Bộ GD&ĐT không đủ điều kiện đánh giá hiệu qủa đầu tư của Nhà nước cho giáo dục, theo Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân là do việc quản lý ngân sách giáo dục đang rất phân tán.

Hiện các địa phương quản lý 74% ngân sách nhà nước chi cho giáo dục hàng năm, các Bộ ngành khác 21% và Bộ GD&ĐT chỉ quản lý 5%. Các địa phương không có báo cáo về tình hình và hiệu quả sử dụng ngân sách giáo dục khiến cho bộ này cũng không đủ điều kiện đánh giá hiệu quả đầu tư của Nhà nước cho giáo dục trong toàn quốc.

Để xảy ra việc này, theo Bộ trưởng Nhân là do trách nhiệm của các cơ quan nhà nước địa phương không rõ ràng, người đứng đầu cơ quan giáo dục chưa quan tâm vì họ không bị chế tài gì nếu chương trình đó không hiệu qủa hay một chương trình làm sai thì cũng không ai bị làm sao. Không phải chịu trách nhiệm nên hiệu qủa sử dụng vốn không cao là điều dễ hiểu.

Vì thế, thời gian tới, Bộ trưởng Nhân cho rằng, HĐND, UBND cấp huyện, tỉnh phải trả lời được câu hỏi về hiệu quả ngân sách dành cho giáo dục.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các cấp quản lý nhà nước tổ chức bốn kiểm tra: kiểm tra việc chi cho giáo dục có đúng quy định về quy mô từ ngân sách không, kiểm tra về chi cho các địa bàn, chương trình có phù hợp nhu cầu không, kiểm tra việc thu và sử dụng học phí và kiểm tra việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương: kiên cố hoá, nhà công vụ, tin học hoá…

Các cơ sở cũng phải thực hiện ba công khai: công khai cam kết và thực tế chất lượng giáo dục, công khai nguồn lực của cơ sở đạo tạo và công khai tài chính. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để nhà nước và xã hội tham gia đánh giá chất lượng và tài chính của cơ sở giáo dục.

Bộ trưởng Nhân còn yêu cầu tất cả các trường học phải thực hiện đánh giá chất lượng theo chuẩn do Bộ GD&ĐT ban hành tự đánh giá, rồi được một tổ chức độc lập có thẩm quyền, được nhà nước cho phép kiểm định. Đây là căn cứ quan trọng để phụ huynh và người học chọn trường, tạo áp lực cạnh trang lành mạnh để các trường phát triển và để nhà nước kiểm tra quản lý các cơ sở giáo dục chất lượng kém kéo dài tiến tới đóng cửa./.

Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ