• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Có một nơi mà cả làng năm nào cũng “chạy cô hồn”

Thời sự 12/08/2018 06:31

(Tổ Quốc) - Đúng ngày mồng 1 tháng “cô hồn”, chúng tìm về nơi được mệnh danh là “đại công xưởng”  của vàng mã, thôn Đạo Tú, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Thời điểm này, cả làng vàng mã đang tất bật “chạy cô hồn” khắp đường làng, ngõ xóm đều rực lên muôn hồng, ngàn tía của vàng mã, những chiếc ô tô tải, xe máy nườm nượp ra vào đường làng chất đầy mũ áo, ngựa xe, cờ quạt….

Đồ hàng mã được "trưng bày" ngay trước cổng UBND xã Song Hồ

Ở Đạo Tú, nhà nào cũng làm nghề vàng mã hay còn được nhiều người gọi vui là nghề phục vụ cõi âm. Trăm nhà, trăm cửa hàng. Từ người già cho đến trẻ nhỏ, ai cũng có thể thành thợ với đôi bàn tay khéo léo. Bất cứ nơi nào trong làng cũng có thể dễ dàng  bắt gặp hình ảnh những người thợ ngồi cần mẫn cắt, dán, ghép, tỉ mỉ từng mẩu giấy, sơn sơn quét quét, xung quanh la liệt hàng , màu, nan tre, hồ dán ô tô đến ngựa, voi, cung điện được bày biện khắp nơi…

Từ người già, cho đến trẻ nhỏ, đều có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất

Các cụ bà tranh đang ngồi xếp, bó thân cây đay để làm khung ô ngũ sắc, gậy rồng...

Làm mã ở Đạo Tú  bây giờ cũng đã khác xưa nhiều. Trước họ chỉ làm thủ công, đóng từng cọc tiền vàng; người, ngựa giấy... dán khung xong vẽ bằng tay nên năng suất sản phẩm không cao.

Ngày nay, nhiều hộ gia đình trong làng đã mạnh dạn đầu tư sản xuất quy mô, bỏ chàng trăm triệu đồng sắm máy in theo kiểu công nghiệp, máy cắt, khuôn mẫu, xây nhà xưởng, nên sản phẩm làm ra vừa nhanh lại vừa đẹp. Không ít gia đình ở Đạo Tú có nhà xưởng, nhà kho với diện tích từ 300m2 đến 700m2, mỗi ngày làm ra hàng nghìn sản phẩm vàng mã cung ứng cho khắp các thị trường trong nam, ngoài bắc.

Phơi mũ quan

Nhập mô tả ảnh

Trên trục đường chính ở Đạo Tú không chỉ có những hộ kinh doanh mà có cả những cơ sở vừa sản xuất, vừa kinh doanh, vừa là kho chứa hàng. Vào những ngày này, xe ô tô tải, xe máy, nối đuôi nhau vào làng “ăn hàng”, có khi tới tận 11, 12h đêm vẫn còn xe đóng hàng để kịp chuyển đi các nơi.

Những ngày này, lượng xe tải từ các tỉnh thành đổ về đây ăn hàng liên tục từ sáng đến tối, có khi đêm vẫn đóng hàng.

Theo chia sẻ của các hộ làm nghề trong làng, năm nay, mặt hàng vàng mã có tiêu thụ ít hơn năm ngoái một chút. Khách không đặt ồ ạt nhiều như trước, nhưng lại yêu cầu cao về mẫu mã, chất lượng. Do đó, giá thành sản phẩm cũng được nâng lên, phần nào giúp cho người làng nghề có thêm dư dả, khấm khá.

Ở Đạo Tú, dễ dàng bắt gặp những biển quảng cáo độc đáo, có một không hai như thế này

Nếu chỉ nhìn qua nhiều người không phân biệt được đây là hàng mã hay hàng thật

Để chuẩn bị kịp hàng cung ứng cho thị trường vào dịp tháng cô hồn (Tháng 7), thì ngay từ đầu tháng 5, các nhà làm hàng trong làng đã phải bắt tay vào nhập nguyên liệu và sản xuất dần. Đầu tháng 6 âm là đơn đặt hàng các nơi bắt đầu chuyển về. Còn những ngày này (bắt đầu vào tháng 7 âm) thì chỉ có cố chạy đua để trả hết đơn hàng. Tất cả làm sao phải xong trước ngày 12, chậm lắm là 13 tháng 7 âm.

Làng Đạo Tú nhìn từ phía đê sông Đuống

Hỏi người Đạo Tú về thu nhập từ việc làm tiền giả, vàng mã…thì ai cũng cười  nói chẳng được bao nhiêu, cũng vất vả và bận như con mọn. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào số lượng những ngôi nhà cao tầng, khang trang đang hiện hữu là có thế cảm nhận được sự “ấm êm” mà nghề phục vụ cõi âm đang mang lại cho người làng.

 

Vi Phong thực hiện

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ