Không phải bất kỳ nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ nào cũng có khả năng tạo nên thế giới riêng trong các tác phẩm của mình. Ở Việt Nam, trong lĩnh vực mỹ thuật, Bùi Xuân Phái thường được nhắc tới như một trong những họa sĩ xuất sắc nhất của thế hệ họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương. Xem tranh phố cổ của Bùi Xuân Phái, người mộ điệu nhận ra ngay tác phẩm của “Vua phố cổ” bởi cái độc đáo trong phong cách vẽ của họa sĩ.
Không phải bất kỳ nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ nào cũng có khả năng tạo nên thế giới riêng trong các tác phẩm của mình. Ở Việt Nam, trong lĩnh vực mỹ thuật, Bùi Xuân Phái thường được nhắc tới như một trong những họa sĩ xuất sắc nhất của thế hệ họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương. Xem tranh phố cổ của Bùi Xuân Phái, người mộ điệu nhận ra ngay tác phẩm của “Vua phố cổ” bởi cái độc đáo trong phong cách vẽ của họa sĩ.
“Nếu mình khỏi, mình vẫn đi”. Thế nhưng...
Thấm thoát đã hơn 20 năm những con phố cổ ở Hà Nội vắng bóng của Bùi Xuân Phái, nhưng dường như trong lòng phố, trong lòng những người yêu phố cổ, yêu tranh, tên họa sĩ mỗi lần được nhắc đến vẫn thật trìu mến, thân thương.
Cuối những năm 1940, dù đã rất nổi tiếng, nhưng tranh của Bùi Xuân Phái chỉ bán được một số bức (mà là bán rẻ) cho các nhà sưu tầm, còn lại chủ yếu tặng bạn bè. Về sau, họa sĩ cũng kiếm sống được bằng nghề tay trái là minh họa cho Báo Văn nghệ, Báo Vui sống.... Nhưng đời sống của gia đình họa sĩ còn rất chật vật. Hai vợ chồng và 5 đứa con “trứng gà trứng vịt” chen chúc trong căn phòng rộng 22m2 mà phần nhiều diện tích được dùng làm “xưởng vẽ” và “phòng khách” để họa sĩ tiếp các bạn.
Theo những người thân trong gia đình kể lại, họa sĩ Bùi Xuân Phái là người khiêm tốn, giản dị, sống nho nhã, chừng mực và rất “ngơ ngác” trước cuộc sống cơm áo thường ngày. Mọi bươn chải để nuôi sống cả gia đình đều phải nhờ vào đôi bàn tay tảo tần của người vợ hiền-Nguyễn Thị Sính. Các họa sĩ, nhạc sĩ, các nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Nguyễn Bá Đạm; các nhà sưu tầm như: Dương Đức Minh, Bổng “Hàng Buồm”... hay đến nhà Bùi Xuân Phái chơi, vừa để đàm đạo chuyện hội họa, chuyện đời, vừa để xem Bùi Xuân Phái vẽ.
Sinh thời, họa sĩ Bùi Xuân Phái vẫn từng mơ ước là được đến thăm bảo tàng Louver (Paris, Pháp) - nơi lưu giữ tranh của những danh họa lớn trên thế giới - và đến thăm ngôi nhà họa sĩ Picasso từng ở. Nhưng phải đến khi nằm trên giường bệnh rồi, ông mới nhận được giấy mời đi Pháp. Ông vẫn lạc quan nói với vợ và bạn bè rằng: “Nếu mình khỏi, mình vẫn đi”. Thế nhưng, căn bệnh ung thư phổi đã quật ngã ông. Danh họa Bùi Xuân Phái trút hơi thở cuối cùng vào một đêm hè mưa giông ngập phố phường.
Có một “Thế giới Phái”
![]() |
![]() |
Phố cổ Hà Nội", sơn dầu của họa sĩ Bùi Xuân Phái.
Khai sinh chưa đầy một năm, nhưng “Thế giới Phái” - nhà lưu niệm các tác phẩm của danh họa Bùi Xuân Phái (87, phố Thuốc Bắc, Hà Nội) không chỉ là nơi gặp gỡ của họa sĩ, bạn bè và công chúng yêu tranh, mà còn là điểm đến thú vị đối với những du khách ở xa có dịp đến thăm Hà Nội. Người lưu giữ những hình ảnh của “Phố Phái” ấy, không ai khác chính là họa sĩ Bùi Thanh Phương - người con duy nhất của Bùi Xuân Phái theo nghiệp của cha.
Đến với “Thế giới Phái”, người xem như lạc vào mê cung “ngõ nhỏ, phố nhỏ” của Hà Nội. Ngõ vào căn nhà xưa kia của cố họa sĩ và lối lên các phòng tranh đều nhỏ. Nhưng trong những góc nhỏ ấy, mọi người sẽ thấy lại cuộc đời của một danh họa lớn: Bùi Xuân Phái. “Thật khó để thống kê hết trong cuộc đời của mình, cha tôi đã vẽ bao nhiêu bức tranh từ nhỏ đến lớn, song những gì được trưng bày tại đây, cũng đủ để vẽ lại thế giới của ông”, Bùi Thanh Phương cho biết.
Điều đáng quý là, tại “Thế giới Phái”, hiện còn lưu giữ được nhiều bức tranh đại đao (bức tranh lớn) của cố họa sĩ. Bùi Thanh Phương cũng đã tạo dựng lại phòng làm việc vốn rất đơn sơ của cha mình trước đây. Phòng vẽ nằm trên tầng 3, giản dị như chính con người của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Anh cho biết, hiện tại, có 6 gian nhà cổ dùng để triển lãm tranh của cha mình. Thời gian tới, “Thế giới Phái” sẽ mở cửa hằng ngày, gồm hai phòng tranh thông nhau, bên trên là xưởng vẽ, một phòng tranh của bạn bè, còn phòng ở tầng cao nhất (tại đây khách tham quan sẽ được ngắm phố phường Hà Nội từ trên cao), sẽ có một bàn uống trà và những cuốn sách viết về Bùi Xuân Phái, để khách có thể đọc và hiểu hơn về tác phẩm cũng như con người họa sĩ.
Người ta có thể đưa ra hàng loạt dẫn chứng rằng ông không phải là người đầu tiên vẽ phố, nhưng không ai có thể phủ nhận được rằng ông đã tạo nên một cách nhìn độc đáo về những ngôi nhà Hà Nội. Tranh của ông không thể trộn lẫn với những tranh phong cảnh khác vẽ phố Hà Nội. Ông vẽ bằng tưởng tượng, theo trí nhớ, tự bố cục. Ông không bao giờ vẽ thẳng từ thiên nhiên, trừ vài nét ký họa trong sổ tay mà ông gọi là “lấy tư liệu”...
Trong con mắt ông, Hà Nội đẹp ở những góc phố nhỏ bé xinh xinh với đường lượn quanh co trữ tình, những mảng tường liêu xiêu nhuốm màu thời gian, những ô cửa sổ và những mái nhà đan xen nhấp nhô. Ông vẽ và vẽ rất nhiều về phố cổ Hà Nội, vẽ như thuộc từ trong ký ức, truyền vào đó những nét bút tài hoa, những đường viền tình cảm, những gam màu tâm trạng của đời sống con người. Khi trầm ấm, buồn bã, khi đạm bạc, cô liêu. Có thể vì vậy mà người ta thường gọi “Phố Phái” là phố của ký ức, hoài niệm.
Bên cạnh các bức tranh vẽ về phố cổ Hà Nội, Bùi Xuân Phái còn là bậc thầy về vẽ chân dung. Ông vẽ rất nhiều chân dung bạn bè, gia đình, người thân và chân dung tự họa chính mình qua các thời kỳ. Bức nào cũng diễn đạt sâu sắc cá tính và ngoại hình của từng người mà không bao giờ lặp lại. Các bức tự họa của Bùi Xuân Phái đều rất đẹp, có sức biểu cảm đặc biệt, ở đó, luôn phảng phất một nỗi buồn, sự cô đơn và thân phận người nghệ sĩ.
Với nghệ thuật, Bùi Xuân Phái không khi nào tỏ ra dễ dãi, hay chiều theo sở thích của người khác. Một lần, có người đặt Bùi Xuân Phái vẽ chân dung ông ta. Ông nhà giàu này ngạc nhiên vì thấy Bùi Xuân Phái cứ khất lần không chịu vẽ ngay, sốt ruột quá bèn kêu lên: “Ông vẽ tôi đi mà nhận tiền chứ?”. Bùi Xuân Phái điềm tĩnh trả lời: “Nếu bức tranh đó vẽ ra chỉ dành cho một mình ông xem thôi, thì tôi có thể vẽ nó xong ngay bây giờ. Nhưng để tôi xem và những người khác xem thì lại là chuyện khác. Nghệ thuật không thể vội!”.
Nghệ thuật chèo cũng là mảng tranh cũng nổi tiếng của Bùi Xuân Phái. Năm 1960, Bùi Xuân Phái làm trang trí cho vở chèo “Sợi tơ vàng”. Ông phát hiện ra chèo từ đấy, tạo ra một thế giới riêng cho mình và cho chèo. Ông đã vẽ rất nhiều tranh về nghệ thuật chèo, lớn và nhỏ. Những bức tranh chèo của Bùi Xuân Phái chứa đựng cái thẩm mỹ dân gian hóm hỉnh của làng xã Việt Nam. Những hề say, hề gậy, những đào lệch, đào thương... được thể hiện sống động bằng ngôn ngữ hội họa. Tranh của ông thể hiện một cách tài tình chất bi - chất hài của sân khấu hề chèo, đồng thời chuyển tải được tinh thần và bản sắc văn hóa dân tộc qua thể loại này. Ở đó, người nông dân đồng bằng Bắc Bộ xuất hiện đầy chất thơ, sâu sắc và nhẹ nhõm. Khác hẳn với phố cổ, mảng tranh chèo khiến cho người xem nhận thấy một Bùi Xuân Phái trẻ trung, dí dỏm.
Ngoài các tranh về phố cổ, chèo, chân dung, Bùi Xuân Phái còn có những bức tranh đẹp về nhiều miền khác nhau của Tổ quốc: “Mỏ than”, “Xúc than vào lò”, “Phân xưởng nhuộm”, “Hòa bình”, “Cảng Đà Nẵng”, “Phố cổ Hội An”...
Nếu các nhà văn diễn tả những cảm nhận và kinh nghiệm sống của mình bằng ngôn từ, thì Bùi Xuân Phái lại từ những gợi ý phong phú đó mà diễn tả bằng hình ảnh qua chiêm nghiệm sống của chính mình. Do vậy, người ta nhìn thấy ở đây không chỉ
Họa sĩ Bùi Xuân Phái sinh năm 1920, mất năm 1988 tại Hà Nội. Nguyên quán: Làng Kim Hoàng, xã Vân Cảnh, Hà Đông, Hà Nội Tốt nghiệp khoa Hội họa Trường cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (khoá 1941 - 1946) Từng đoạt giải thưởng Mỹ thuật toàn quốc năm 1946 và 1980; giải thưởng đồ họa tại Leipzig (Cộng hòa dân chủ Đức) năm 1982; giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 1983, 1985, 1987... Là người có triển lãm cá nhân đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1984. Đây cũng là triển lãm duy nhất khi ông còn sống, với 108 bức tranh. Năm 1996, ông vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Một số triển lãm tranh cá nhân sau khi ông qua đời: Năm 1990, “Bùi Xuân Phái - Tác phẩm chưa trưng bày” tại thành phố Hồ Chí Minh, Năm 1992 “Phái không phố”, Năm 1993, “Chân dung”, Năm 1998, “Mầu thời gian” tại thành phố Hồ Chí Minh, “Kháng chiến và thân thể nữ” tại Hà Nội, Năm 2000 “Những chuyến đi thực tế” tại Hà Nội, Năm 2003, “Tâm tư nghệ thuật” tại thành phố Hồ Chí Minh... Ngày 31-8-2008, triển lãm “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” tại Hà Nội. |
một bản vẽ duy nhất, mà để có được một minh họa hoàn chỉnh, chính nghệ sĩ đã phải tìm tòi qua rất nhiều các phác thảo khác nhau. Chúng được sửa đi sửa lại, chồng màu, hoặc dán giấy thay thế, để có được bức họa ưng ý nhất. Thậm chí, ông còn phải thường xuyên đi thực tế để lấy tư liệu, để làm sao vẽ cho chuẩn xác các dáng vẻ sinh động cho những con người, những số phận khác nhau, cho những cốt truyện. Một điểm độc đáo khác là các phác hoạ này được vẽ ra trên giấy, trên những mảnh bìa, thậm chí trên bao thuốc lá. Chúng được vẽ ra hàng ngày, ngồi đâu ông cũng có thể vẽ. Những ký họa, minh họa đó được ông coi như một nguồn sống để nuôi dưỡng những tác phẩm. Đôi khi, với Bùi Xuân Phái, các minh họa còn được xem như một cuốn nhật ký bằng tranh của ông. Người ta vẫn có thể đọc được những dòng chữ rất xúc động của chính danh họa để lại trên bản phác thảo như: “Cả một buổi chiều chủ nhật, bỏ đi chơi để ngồi làm minh họa, 19-3-1978”.
Tranh vẽ về phố phường và cảnh sinh hoạt hàng ngày của Hà Nội là bộ phận đáng kể nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của ông. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng viết: “Bùi Xuân Phái vẫn là một họa sĩ gây ấn tượng nhất trong đời sống tình cảm của người Việt Nam. Đó là tình cảm về cố hương, cố nhân và đời sống thường nhật mà chúng ta hay lãng quên. Đối với Bùi Xuân Phái, vẽ cũng là hơi thở, cũng như nhu cầu ăn uống, cần liên tục và hàng ngày... Khó đếm chính xác số lượng tranh của Bùi Xuân Phái, cũng như khó đoán định tâm trạng ẩn nhẫn của họa sĩ qua từng bức tranh”. Họa sĩ Việt Hải nhận định: “Bùi Xuân Phái vẽ để sáng tỏ ba điều: Tôi là người tốt. Tôi là người yêu nước. Tôi là người có tài”.
Hơn 40 năm lao động nghệ thuật, Bùi Xuân Phái đã để lại hàng nghìn tác phẩm. Tranh của ông được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và nhiều nước trên thế giới... Ông dành cho Hà Nội tất cả tình yêu của mình. Những tranh phố của ông đủ dựng nên một thành phố thân thiết với những Hàng Khoai, Hàng Mắm, Hàng Chĩnh, Hàng Rươi, nhưng là một thành phố của ký ức. Đó là những mảng tường vôi lở, những mái ngói rêu phong, những ô cửa nhỏ đợi chờ, những đám mây trắng ngần, những cột điện đầu ngõ xiêu vẹo... Một bút pháp vừa thực vừa hư, gây ấn tượng sâu sắc. Nó làm người ta không ngờ những nơi bình dị mắt ta quen nhìn hàng ngày lại có thể đẹp một cách giản dị và mãnh liệt.
Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân viết: “Hà Nội rất hội họa ở những phố phường xưa. Và có thể nói công bằng, theo cách của nghệ thuật rằng, Bùi Xuân Phái đã phát hiện ra nó. Là người Hà Nội, hình như ông được sinh ra để gắn bó, để cảm hóa chúng ta về một thế giới thể hình và màu sắc của riêng đây. “Phố Phái” là phố của chung tất cả mọi người, ông chỉ là người đầu tiên phát hiện ra nó - người đầu tiên và sau ông, hình như vẫn chưa có ai, dù đã có rất nhiều họa sĩ say mê đi tìm vẻ đẹp nơi rêu phong phố cổ”. Thế nhưng, ở Hà Nội vẫn chưa có một con đường hay tên phố mang tên Bùi Xuân Phái!
Theo CPV