• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Con đường “nghỉ hưu” gian nan của Nhật hoàng Akihito

Thế giới 11/08/2016 09:20

(Tổ Quốc) - Đây là thời điểm nhìn lại những công lao và đóng góp của Nhật hoàng Akihito đối với nước Nhật khi ông vừa đưa ra tín hiệu truyền ngôi.  

Ngày 8/8/2016, Nhật hoàng Akihito đã bày tỏ mong muốn thoái vị trong đoạn video dài gần 10 phút được công bố trước người dân Nhật Bản. Ông Akihito đã nói về các mối quan ngại như tuổi đã cao – hiện đã 82 tuổi và sức khỏe đang xấu đi – điều sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục nhiệm vụ là biểu tượng của Nhật Bản. Nhật hoàng cũng nhắc đến việc đất nước sẽ phải chịu một gánh nặng lớn khi phải để tang nhà vua trong quá trình chuẩn bị cho một vị hoàng đế khác của nước Nhật lên ngôi.

Mặc dù không nói rõ về việc thoái vị nhưng Nhật hoàng Akihito đã đưa ra thông điệp rõ ràng về việc muốn truyền ngôi cho Thái tử.

Theo tác giả Yuki Tatsumi của The Diplomat, nỗ lực truyền ngôi hiện nay của Nhật hoàng là điều dễ hiểu đối với những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông trong suốt 27 năm trị vì.

Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko rất gần gũi với người dân. (Nguồn: AP)

Hoàng đế quốc dân

Nhật hoàng Akihito đã làm hết sức mình để trở thành một vị “hoàng đế quốc dân”. Nhật Bản là một đất nước phải hứng chịu nhiều thiên tai và thảm họa. Qua trận động đất Hanshin-Awaj năm 1995, ba thảm họa động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân năm 2011 và gần đây nhất là trận động đất lớn ở Kumamoto tháng 5/2016 có thể thấy rằng, bất cứ khi nào Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi thiên tai lớn, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đều cố gắng để an ủi người dân bị ảnh hưởng bởi thảm kịch hay chia sẻ nỗi đau của họ theo cách riêng của mình. Năm 2011, khi nhiều nơi tại Tokyo mất điện sau động đất, Nhật hoàng đã ra lệnh tắt điện tại cung điện của mình để có thể san sẻ sự khó khăn với người dân.

Bên cạnh đó, ngay từ khi còn ở vị trí Thái tử, ông Akihito đã thể hiện lòng bác ái qua nhiều hành động khác nhau. Nhiều vị vua trước, kể cả cha của ông Akihito là Nhật hoàng Showa (Hirohito) đều chọn Hoàng hậu là những người thuộc tầng lớp cao và thân cận với hoàng gia.

Tuy nhiên, ông Akihito đã cưới Hoàng hậu Michiko – một “thường dân” - người mà ông đã gặp tại một giải đấu quần vợt. Với sự hỗ trợ Hoàng hậu Michiko, ông đã thách thức truyền thống và chung sống cùng 3 người con dưới một mái nhà. Từ khi ông Akihito lên ngôi, gia đình hoàng gia Nhật Bản đã trở nên rất khác biệt so với thời đại của cha ông và hiện nhận được nhiều sự yêu quý và tôn trọng của người dân.

Một điều quan trọng khác là Nhật hoàng Akihito luôn cố gắng thể hiện cam kết của ông và gia đình hoàng gia đối với hòa bình – điều mà Hiến pháp Nhật Bản thời hậu thế chiến II luôn chú trọng. Thông qua các hành động của mình, Nhật hoàng Akihito muốn người Nhật Bản không được quên đi quá khứ đau thương trong chiến tranh. Ông đã đưa ra bốn "ngày tưởng niệm" gồm: ngày 23/6 – trận đánh tại Okinawa kết thúc, ngày 6/8 – bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima, ngày 9/8 – bom nguyên tử được thả xuống Nagasaki và ngày 15/8 – ngày nước Nhật đầu hàng vô điều kiện.

Ông Akihito và Hoàng hậu Michiko cũng đã đến thăm nhiều thành phố nước ngoài nơi quân đội Nhật tham gia vào những trận đánh ác liệt và luôn dành thời gian tưởng niệm các nạn nhân. Trong suốt thời gian trị vì cho đến nay, Nhật hoàng Akihito đã trở thành biểu tượng cho sự đoàn kết của đất nước và luôn hướng tới tinh thần hòa bình của nước Nhật.

Con đường “nghỉ hưu” gian nan

Phần lớn người dân Nhật Bản đều cho rằng nên để Nhật hoàng Akihito được nghỉ ngơi. Trong các cuộc thăm dò dư luận được tiến hành bởi một số phương tiện truyền thông Nhật Bản trong tuần qua, tỉ lệ người dân ủng hộ ông Akihito truyền ngôi nếu ông mong muốn đều chiếm tỉ lệ áp đảo.

Tuy nhiên, con đường để Hoàng đế Akihito rút lui là một quá trình lâu dài và phức tạp. Luật Hoàng gia Nhật Bản (koushitsu tenpan), quy định mọi nội dung trong cuộc sống của gia đình Hoàng gia được xây dựng dựa trên tiền lệ đã có từ thời Minh Trị Duy Tân rằng, sự thay đổi của các triều đại chỉ xảy ra khi vị Nhật hoàng đương nhiệm qua đời.

Như vậy, không có khuôn khổ pháp lý nào xác định tình trạng của "cựu hoàng". Do đó, nếu cho phép ông Akihito được nghỉ ngơi, Nhật Bản không chỉ phải sửa đổi luật Hoàng gia mà còn có thể phải điều chỉnh cả Hiến pháp.

Trong những tháng tới, một cuộc tranh luận dữ dội – điều tương tự như khi Đức Giáo Hoàng Benedict XVI tuyên bố ý định nghỉ hưu vào năm 2013, có thể sẽ diễn ra tại Nhật Bản. Thay đổi sẽ được thực hiện ở tất cả mọi khía cạnh cần thiết để cho phép Nhật hoàng Akihito truyền ngôi. Đặc biệt, việc bảo vệ “cựu Hoàng” trước các âm mưu lợi dụng vì mục đích chính trị là vô cùng quan trong vì gia đình Hoàng gia Nhật với vai trò là biểu tượng của đất nước không được nắm quyền lực chính trị.

Dù kết quả của các cuộc tranh luận này ra sao, có một điều dễ thấy rằng cách điều chỉnh hướng đi của vấn đề nhạy cảm trên có thể trở thành một trong những nội dung tiềm tàng nhiều hệ lụy nhất đối với Thủ tướng Shinzo Abe.

Minh Hoa (Theo The Diplomat)

NỔI BẬT TRANG CHỦ