• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Công nghiệp văn hóa: Thị trường điện ảnh Việt Nam – Bước phát triển ngoạn mục

Văn hoá 30/07/2019 16:17

(Tổ quốc)- Thị trường điện ảnh – đây là một khái niệm mới mẻ đối với những người làm điện ảnh Việt Nam. Bởi đặc thù là một nền điện ảnh ra đời trong chiến tranh, từng bước trưởng thành trong những năm bao cấp, hàng chục năm liền điện ảnh không có khái niệm là một thị trường, mà được coi là một ngành nghệ thuật quan trọng với nhiều bộ phim từng ghi dấu ấn tại các Liên hoan phim quốc tế.

Khi đất nước chuyển sang thời kinh tế thị trường cũng là lúc điện ảnh bắt đầu làm quen với khái niệm thị trường. Và từng bước một, thị trường điện ảnh Việt Nam đã được tạo dựng cùng sự chung sức của các nhà phát hành phim nước ngoài. Cho đến nay, Việt Nam đã có những bộ phim lập kỷ lục về doanh thu, có thể cạnh tranh được với cả những “bom tấn” đến từ Hollywood. Vậy thị trường điện ảnh Việt Nam có những đặc thù gì?

Điện ảnh - không chỉ là hàng hóa

Khi mới ra đời, mỗi bộ phim Việt Nam được coi là một tác phẩm nghệ thuật. Nó ẩn chứa những giá trị tinh thần to lớn, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh đất nước đnag có chiến tranh. Điện ảnh là nguồn cổ vũ, động viên và cũng chính là những tác phẩm nghệ thuật ẩn chứa giá trị tinh thần có ảnh hưởng rất to lớn đến đời sống văn hóa, xã hội.

Đất nước bước vào thời bình, những bộ phim cũng vẫn được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhân dân. Điện ảnh khi ấy vẫn được coi là vũ khí trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Tuy không đặt nặng mục đích doanh thu nhưng bắt đầu có những bộ phim Việt Nam tạo lập được kỷ lục đầu tiên về doanh thu và suất chiếu. Đạo diễn – NSND Hải Ninh lúc sinh thời từng nhớ lại, bộ phim Mối tình đầu do ông đạo diễn đã từng thu hút rất đông khán giả ở khắp hai miền đất nước, tạo thành một “cơn sốt”.  

Công nghiệp văn hóa: Thị trường điện ảnh Việt Nam – Bước phát triển ngoạn mục  - Ảnh 1.

Những năm 80 của thế kỷ XX có thể coi là những năm “bao cấp” của điện ảnh. Khi ấy, điện ảnh cách mạng Việt Nam không có khái niệm thị trường điện ảnh. Sản xuất, phát hành phim và chiếu bóng là một hệ thống khép kín, được nhà nước bao cấp hoàn toàn. Hàng năm, Nhà nước sẽ phân bổ tỷ lệ phim sản xuất theo định hướng tư tưởng và kế hoạch chung. “Đầu ra” của phim được công ty Fafilm Việt Nam tổ chức phát hành qua hệ thống hàng trăm rạp chiếu phim trên cả nước và đặc biệt là các đội chiếu bóng lưu động đưa phim tới nông thôn miền núi, vùng sâu vùng xa. Không chỉ phát hành phim trong nước sản xuất, Fafilm Việt Nam cũng là đơn vị độc quyền xuất nhập khẩu phim. Sự điều tiết của guồng máy này đã tạo nên một môi trường điện ảnh khá thụ động. Nhà nước vừa là nhà sản xuất, lại cũng là nhà phát hành của phim. Các nhà làm phim chỉ cần thực hiện bộ phim của mình mà không cần bận tâm đến chuyện, liệu bộ phim có thu hút được khán giả hay không.

Cuộc đổi thay khốc liệt

Thị trường điện ảnh Việt Nam được hình thành từ thời kỳ đổi mới của đất nước. Bắt đầu từ những đổi thay về kinh tế, khi đất nước bước vào thời kinh tế thị trường, điện ảnh cũng bắt đầu bước vào một cuộc đổi thay khốc liệt. Cả nền điện ảnh vốn chỉ quen được Nhà nước cấp tiền làm phim, phân chỉ tiêu về từng hãng sản xuất phim. Các nhà làm phim vốn chỉ quen làm phim để thỏa mãn các tiêu chí nghệ thuật nay bỗng chốc phải làm quen với cơ chế thị trường. Điện ảnh Việt Nam bước vào một cuộc đổi thay khốc liệt cùng với thời kỳ đổi mới của đất nước.

Do những khó khăn chung về kinh tế của đất nước, kinh phí dành cho sản xuất phim  cũng bị cắt giảm. Cùng lúc đó là sự đổ bộ của cơn lốc phim video từ nước ngoài về khiến cho khán giả được tiếp cận với nhiều nền điện ảnh, cũng từ đó thị hiếu của họ được nâng cao. Phim Việt Nam bị sụt giảm mạnh về số lượng. Cũng từ đây bắt đầu xuất hiện các nhà sản xuất tư nhân góp vốn cùng các hãng phim nhà nước làm phim. Bắt đầu từ đây, các nhà làm phim không chỉ là nghệ sĩ đơn thuần mà bắt đầu phải làm quen với việc tính toán sao cho phim phải thu hồi được vốn. Cũng từ đây, rộ lên những tranh cãi không hồi kết giữa các nhà sản xuất cũng như các nghệ sĩ về phim nghệ thuật và phim thương mại.

Ở những năm đầu của điện ảnh thị trường, các bộ phim được làm vội vã, chạy theo trào lưu với mục đích kiếm tiền, bởi vậy mà sau thời hoàng kim chóng vánh, những bộ phim được gọi là “mì ăn liền” cũng nhanh chóng “chết yểu”. Thị trường điện ảnh cũng rơi vào bế tắc bởi mới ở dạng tự phát. Nó như một phép thử của các nhà sản xuất và các nghệ sĩ, vốn vẫn chưa quen với việc tính toán lỗ lãi với một bộ phim. Trong khi đó, các nhà phát hành cũng chính là các rạp chiếu với trang thiết bị cũ kỹ và không hề có kinh nghiệm trong việc phát hành phim theo đúng quy luật của thị trường. Từ những cú vấp đầu tiên này, những người làm điện ảnh Việt Nam đã nhận ra một điều cốt tử: điện ảnh muốn phát triển, không thể đứng ngoài thị trường!

Thay đổi để tồn tại

Khi nền kinh tế đất nước vận hành theo cơ chế thị trường, các nhà làm điện ảnh Việt Nam dần hiểu ra rằng, muốn tồn tại được, phim phải có khán giả. Việc nghiên cứu và tạo dựng thị trường được đặt ra như là một yếu tố sống còn trong sự phát triển của điện ảnh. Lúc này, yêu cầu phát triển và hội nhập với thế giới cũng được đặt ra. Cần phải hiểu các quy luật của thị trường cũng như những đặc trưng riêng của thị trường điện ảnh – đó là những điều kiện để điện ảnh Việt Nam hội nhập và phát triển.        

Luật Điện ảnh với hạt nhân là “Chiến lược phát triển điện ảnh” và “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã đặt nền tảng rất quan trọng trong sự phát triển của điện ảnh Việt Nam. Xác định rõ mục tiêu, với một cơ chế mở, thông thoáng, đây cũng chính là tiền đề tạo dựng nên thị trường điện ảnh, từ đó tạo động lực để điện ảnh VN hội nhập và phát triển.

Việt Nam cam kết mở cửa thị trường, chấp nhận cạnh tranh khi không giới hạn định mức phim nước ngoài nhập vào Việt Nam. Bắt đầu từ đây, đã có các nhà sản xuất và phát hành phim nước ngoài tham gia vào thị trường điện ảnh Việt Nam. Các hãng phim tư nhân ra đời ngày càng nhiều, phim của họ ngày càng chiếm số lượng áp đảo mỗi năm. Đặc biệt, các công ty phát hành phim lớn như Megastar (nay là CGV), Galaxy, Lotte Cinema… chiếm thị phần lớn trong việc phát hành phim ở thị trường VN và ngày càng lớn mạnh.  

(Còn nữa)


Hồng Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ