• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Công tác gia đình đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương

Văn hoá 23/01/2020 09:19

(Tổ Quốc) - Theo Vụ gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), năm 2019, công tác gia đình đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo kế hoạch đề ra, góp phần đạt được các mục tiêu chính của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Nhiều hoạt động về gia đình đã được triển khai

Năm 2019, công tác gia đình tiếp tục được xác định là "Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình", gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Thực hiện chủ đề công tác năm và theo hướng dẫn của Bộ, các tỉnh, thành đã chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch công tác gia đình năm 2019 phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Trong đó, tập trung vào việc thực hiện những nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng được giao như: tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; tập huấn nghiệp vụ công tác gia đình; duy trì các mô hình, câu lạc bộ về gia đình; thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và các văn bản, chương trình, đề án đã được phê duyệt; tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân các ngày lễ về gia đình như Ngày 20/3, 28/6, tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình với nội dung và hình thức phong phú, thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo người dân.

Công tác gia đình đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương - Ảnh 1.

Hội thảo Vai trò, trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em đã diễn ra trong năm 2019 thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và những ý kiến đóng góp thiết thực - Ảnh: Việt Hùng

Đáng chú ý, năm 2019, lĩnh vực gia đình đã tổ chức thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Bên cạnh 12 tỉnh/ thành được Bộ lựa chọn thí điểm, nhiều tỉnh/thành cũng đã chủ động thực hiện thí điểm theo hướng dẫn của Bộ từ nguồn ngân sách địa phương.

Cùng với đó, Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chỉ thị về "Đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình", xây dựng dự thảo Đề án "Xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình". Việc phối hợp liên ngành đã được quan tâm, chú trọng hơn và đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện công tác gia đình các cấp. Đồng thời, cơ quản quản lý nhà nước về gia đình từ Trung ương tới địa phương cũng đã tham gia tích cực, hiệu quả trong việc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ về bình đẳng giới, người cao tuổi và trẻ em của ngành.

Đối với các địa phương, Vụ đã hướng dẫn tổ chức các hoạt động nhân Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2019. Các địa phương đã tổ chức lồng ghép với các hoạt động kỷ niệm nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 tạo thành chuỗi các sự kiện, huy động được sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo người dân.

Các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình được duy trì và phát huy vai trò trong việc phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở. Tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Dù còn nhiều khó khăn, hạn chế, đặc biệt về nguồn lực nhưng công tác gia đình đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo kế hoạch đề ra, góp phần đạt được các mục tiêu chính của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tổ chức thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

Một điểm mới trong công tác gia đình năm 2019 là tổ chức thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Vụ đã xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thẩm định Tài liệu hướng dẫn thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Tài liệu đã được gửi tới 63 tỉnh, thành trên cả nước bao gồm 500 bản in, 125 bản USB và 12.000 tờ gấp; Triển khai thí điểm Bộ tiêu chí tại 24 địa bàn cấp xã của 12 tỉnh/thành đại diện cho 6 vùng văn hóa trên cả nước, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Thừa Thiên-Huế, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắc, TP. Hồ Chí Minh, An Giang.

Công tác gia đình đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương - Ảnh 3.

Điểm mới trong công tác gia đình năm 2019 là tổ chức thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

Các địa phương đã tổ chức thành công Lễ phát động, hướng dẫn 7.200 hộ gia đình đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí, thực hiện phát thanh tuyên truyền trên đài phát thanh địa phương ước khoảng 2.400 lượt, tuyên truyền trực quan cổ động và tổ chức sinh hoạt cộng đồng với khoảng 90 cuộc theo 4 nhóm chuyên đề: Ứng xử vợ chồng; Ứng xử của cha mẹ, ông bà với con, cháu; Ứng xử của con, cháu với cha mẹ, ông bà; Ứng xử của anh, chị, em trong gia đình. Xây dựng chuyên trang Ứng xử trong gia đình tuyên truyền trên một số báo và tạp chí

Kết quả thực hiện thí điểm năm 2019 là cơ sở quan trọng để tiếp tục thực hiện thí điểm trong năm 2020 và trình cấp thẩm quyền triển khai Bộ tiêu chí trên toàn quốc.

Tiếp tục tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống và phòng, chống bạo lực gia đình

Quá trình hội nhập quốc tế, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều thuận lợi, tiến bộ vượt bậc nhưng cũng đặt ra những rủi ro, thách thức lớn đến đời sống của các gia đình; sự biến đổi cấu trúc gia đình, tình trạng thất nghiệp, tệ nạn xã hội, sự lỏng lẻo của các mối quan hệ trong gia đình, quan hệ ứng xử trong gia đình bị coi nhẹ... gây khó khăn cho công cuộc xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.

Trước những thực tế đầy thách thức đó, năm 2020, ngoài việc triển khai các nhiệm vụ thường niên, Vụ Gia đình đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm như: Tổng kết các văn bản về công tác gia đình: 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020 và các Đề án, Chương trình thuộc Chiến lược; Nghị quyết số 81/NQ-CP; Chương trình giáo dục đời sống gia đình; Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình giai đoạn 2010-2020.

Năm 2019, công tác gia đình đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương- Ảnh minh họa/Nam Nguyễn, hanoi.gov.vn

Cùng với đó, Vụ tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về "Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình" và các nhiệm vụ mới được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời triển khai nghiên cứu, Xây dựng các văn bản, Đề án về công tác gia đình trong giai đoạn mới; Tiếp tục thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Về công tác tuyên truyền, Vụ sẽ chú trọng tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổng hợp thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định tại Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL. Vận hành trang thông tin điện tử về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

"Phòng, chống xâm hại trẻ em chính là để bảo vệ trẻ em, bảo vệ tương lai của mỗi gia đình, của đất nước. Điều này cần có sự tham gia, vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó, gia đình có vị trí vô cùng quan trọng, mà trước hết là những người cha, người mẹ phải luôn đồng hành cùng con, giáo dục, trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị xâm hại" - Bà Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình tại Hội thảo Vai trò, trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em.


Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ