• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

CPTPP: Bước nhảy vọt cho hàng hóa “Made in Việt Nam”

Thời sự 05/11/2018 16:12

(Tổ Quốc) - Sáng nay (5/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

CPTPP: Bước nhảy vọt cho hàng hóa “Made in Việt Nam” - Ảnh 1.

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội): Thách thức lớn đối với hàng hóa Việt Nam đó là quy tắc xuất xứ hàng hoá. (Nguồn: quochoi.vn)

Mở đầu phiên thảo luận, ĐB Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) cho rằng, việc thông qua Hiệp định CPTPP sẽ có nhiều cơ hội quý mang lại cho đất nước.

Theo ĐB Vũ Tiến Lộc, CPTPP sẽ mang lại cơ hội mở rộng thương mại đầu tư với 3 thị trường mới đầy tiềm năng ở Trung Mỹ và cơ hội thâm nhập sâu sắc hơn các thị trường còn lại. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, cơ hội có thêm việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân và cũng là cơ hội để đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế...

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, xung đột và chiến tranh thương mại leo thang thì cơ hội này càng quý giá.

"Việc thực hiện CPTTP có nhu cầu rất cao về tiêu chuẩn lao động, môi trường, phòng chống tham nhũng… dù đòi hỏi nhiều nỗ lực và chi phí tuân thủ nhưng sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người lao động, cho xã hội, uy tín và thương hiệu của hàng hóa "Made in Việt Nam", ĐB Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Cũng theo ĐB Vũ Tiến Lộc, việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định CPTPP mang lại lợi ích chính trị quan trọng thể hiện bản lĩnh, tầm nhìn xa trông rộng của Đảng và Nhà nước ta vì lợi ích của đất nước, nhưng việc quan trọng hơn là phải xây dựng được cơ chế đảm bảo, nâng cao năng lực cả chính quyền và doanh nghiệp, để thực hiện thành công các cơ hội.

Theo đó, cùng với việc phê chuẩn, Quốc hội cần giao nhiệm vụ cho Chính phủ xây dựng và triển khai chương trình hành động bảo đảm thực thi Hiệp định CPTTP có hiệu quả.

Thảo luận về CPTPP, ĐB Đôn Tuấn Phong (đoàn An Giang) đánh giá CPTPP mang đến nhiều cơ hội hơn là thách thức tới Việt Nam. Những có hội đó bao gồm: thị trường lớn hơn, ưu đãi hơn, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam với 10 nước còn lại bổ sung nhiều hơn là cạnh tranh. Việc tham gia CPTPP cũng giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới chính sách, tăng cường hội nhập, phát triển, cũng giúp duy trì hòa bình.

ĐB Đôn Tuấn Phong cho biết thêm, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do song phương với 7/10 nước thành viên nhưng khả năng tạo việc làm không quá lớn. Chưa kể một số khu vực nhạy cảm như nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể bị ảnh hưởng.

Theo ĐB Hoàng Văn Cường, thách thức lớn đối với hàng hóa Việt Nam đó là quy tắc xuất xứ hàng hoá. Ngành dệt may được cho là ngành có lợi thế, nhưng trên thực tế nguyên liệu xuất xứ của Việt Nam lại không nằm trong khối này nên việc tính tiêu chí xuất xứ của nhiều sản phẩm dệt may không đủ điều kiện để tham gia vào khối. 

Vấn đề đặt ra là Việt Nam phải có lộ trình chủ động nguyên liệu trong nước; hoặc nhanh chóng chuyển từ nhập nguyên liệu từ các quốc gia khác sang nhập nguyên liệu từ các nước tham gia Hiệp định CPTPP để đủ điều kiện quy tắc xuất xứ. Đây là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội tốt để Việt Nam thu hút đối các nhà đầu tư để sản xuất nguyên liệu tạo ra các chuỗi giá trị trong sản xuất trong nước.

Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại đến những vấn đề mới đặt ra khi Việt Nam tham gia CPTPP, đặc biệt là vấn đề lao động. Theo nội dung hiệp định, người lao động có thể tham gia một tổ chức về lao động, không nhất thiết là tổ chức công đoàn trực thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, điều khoản về lao động trong CPTPP đòi hỏi thiết chế công đoàn từ lâu phải cạnh tranh, thu hút, kết nạp đoàn viên với các tổ chức khác. Cùng với đó, phải hoạt động thực chất, hiệu quả, khắc phục tính hành chính, tư duy bao cấp, đại diện chăm lo quyền và lợi ích chính đáng có người lao động…

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ