• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cụ bà xin trả sổ hộ nghèo và 16 lãnh đạo lắp camera cho nhà riêng bằng công quỹ: Những sự đối lập nghẹn đắng

Thời sự 30/09/2019 13:45

(Tổ Quốc) - Trong khi một cụ bà 83 tuổi tự thấy mình đã thoát nghèo nên không ngần ngại 2 lần đề nghị chính quyền cho mình được thoát nghèo thì lại có những cán bộ được chi gần 1 tỷ lắp camera cho nhà riêng bằng nguồn ngân sách dự phòng của Đảng.

Câu chuyện bà cụ 83 tuổi ở Thanh Hóa đạp xe lên xã xin trả lại sổ hộ nghèo đã "gây sốt" cũng như nhận được sự quan tâm chú ý từ dư luận.

Sở dĩ dư luận quan tâm vì một bà cụ năm nay đã 83 tuổi, chồng mất, bao năm tần tảo nuôi đàn con 11 người thì giờ đây khi con cái đã ổn định, bản thân bà tự tăng gia được dẫu có hết nghèo thật mà lặng lẽ không trả lại hộ nghèo có lẽ cũng chả ai trách hoặc so bì để nâng lên hạ xuống. Chưa kể, nhiều năm nay trong dư luận vẫn râm ran chuyện "chạy", hoặc "đi lạc" vào hộ nghèo của những người không hề nghèo. Nhưng họ bất chấp dư luận và cả lòng tự trọng để được làm người nghèo chỉ vì những chính sách ưu đãi dành cho người nghèo khiến họ không thể cưỡng lại lòng tham bản thân. Rồi còn có cả chuyện người nghèo quen được hưởng chính sách ưu đãi lại không muốn tự mình vươn lên thoát nghèo, chỉ muốn dậm chân tại chỗ để "nghèo bền vững".

Cu ba1

Cụ bà 83 tuổi hai lần xin được "thoát nghèo". Ảnh: nld.com.vn

Do vậy một cụ bà ở cái tuổi ngoài 80 đã hai lần xin chính quyền được thoát nghèo khiến nhiều người phải ngẫm nghĩ và đáng trở thành bài học ý nghĩa. Rằng chúng ta trân trọng "một miếng khi đói bằng một gói khi no" trong lúc khó khăn, nghèo đói, nhưng không vì thế mà lợi dụng thứ sẵn có đó khi cảm thấy có thể tự lo được và dành cơ hội đó cho những người xứng đáng, cần thiết hơn. Cái gì không phải của mình thì hãy trả lại để lương tri được thanh thản và không hổ thẹn với bản thân cũng như cộng đồng.

Có ai đó cho rằng, giả sử cụ bà được chấp nhận thoát nghèo sẽ mất đi chính sách ưu đãi hộ nghèo nhưng vì cụ trên 80 tuổi nên vẫn được hưởng những ưu đãi của người cao tuổi như bảo hiểm khám chữa bệnh, trợ cấp hàng tháng… Do đó cuộc sống của cụ không bị đảo lộn. Nhưng rõ ràng đây là hai việc hoàn toàn khác nhau, không thể đánh đồng người nghèo với người cao tuổi và ngược lại. Và chỉ có người có lòng tự trọng mới kiên quyết trả lại "tấm thẻ" hộ nghèo như bà cụ.

Chưa biết bà có được thoát nghèo như nguyện vọng không nhưng cũng đáng để mừng cho bà vì tự bà cảm thấy cuộc sống của mình đã tốt hơn trước đây. Và đáng trân trọng hơn là bà muốn được người khác ghi nhận mình đã "thoát nghèo" bằng chính nỗ lực bản thân dù tuổi đã cao. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tuổi tác nào con người cũng hoàn toàn có thể tự mình nỗ lực vươn lên để thoát nghèo.

Camera1

Camera lắp đặt trước nhà của một cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng. Ảnh: Zing.vn

Một câu chuyện đối lập khác tưởng chừng không liên quan đến câu chuyện trên nhưng lại có sự liên tưởng sâu sắc gây nên bất bình trong dư luận là việc Sóc Trăng chi gần 1 tỷ lắp camera cho nhà riêng lãnh đạo bằng nguồn ngân sách dự phòng của Đảng.

Câu chuyện thứ nhất khiến chúng ta cảm kích và thấy hành động đáng trân trọng của bà khiến những người khỏe mạnh hơn, tuổi tác ít hơn phải suy ngẫm về câu chuyện thoát nghèo.

Còn câu chuyện thứ hai lại khiến chúng ta phải đặt một câu hỏi lớn, một thắc mắc lớn rằng tại sao những người được coi là lãnh đạo của một tỉnh lại có thể dùng công quỹ để lắp camera nhà riêng của mình? Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng vì nhà lãnh đạo cần được đảm bảo an ninh hơn những người dân bình thường hay vì đó là nơi cất giữ nhiều thứ "quý giá" hơn nên phải có camera?

Càng cảm kích cụ bà 83 tuổi bao nhiêu vì lòng tự trọng, yêu quý lao động thì dường như chúng ta càng nhận ra sự đối lập về sự "đặc quyền, đặc lợi" của một số cán bộ lãnh đạo – bộ phận được coi là đầy tớ của nhân dân bấy nhiêu.

Một người dân bình thường có thể sẵn sàng trả lại sổ hộ nghèo với chính sách ưu đãi cùng số tiền trợ cấp hàng tháng chỉ đủ để duy trì cuộc sống ở mức tối thiểu thì lại có nơi 16 cán bộ không mảy may từ chối khi tỉnh nhà đưa ra kế hoạch lắp đặt camera cho nhà riêng với kinh phí lên tới gần 1 tỷ đồng. 1 tỷ đồng chia ra cho 16 người có thể cũng không phải là con số quá lớn khiến nhiều người giật mình. Nhưng nếu thử quy ra sổ hộ nghèo thì có lẽ sẽ có hơn 16 gia đình được hưởng. Đáng chú ý hơn là cách hành xử của những người trong cuộc, người nhận được sự "đặc quyền" này. Họ không phản đối, không cảm thấy xấu hổ, không thấy vô lý khi dùng tiền quỹ để phục vụ lợi ích cá nhân. Phải chăng vì họ đang giữ cương vị lãnh đạo nên việc ưu ái này là dễ hiểu và là lẽ đương nhiên?. Mà đáng lẽ ra điều này phải ngược lại khi họ là lãnh đạo, phải cẩn trọng, làm gương khi sử dụng quỹ công.

Ai cũng hành động như bà cụ thì đáng mừng lắm thay.

Đảng viên nào cũng mang tiền công quỹ ra lắp camera nhà riêng như thông tin ở tỉnh Sóc Trăng thì buồn lắm thay.

Những sự thật đối lập khiến chúng ta không thể không so sánh và thấy nghẹn đắng!

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ