• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cục Báo chí kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Thực hiện: Đăng Nguyên | 19/07/2023

(Tổ Quốc) - Sáng 19/7, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (16/7/2003-16/7/2023) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến dự và trao Huân chương lao động hạng Nhì cho Cục Báo chí; Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí.

Cục Báo chí kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu dự Hội nghị

Hoàn thành sứ mệnh của "người gác cổng thông tin"

Phát biểu tại buổi Lễ, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí cho biết, năm 1997, Việt Nam chính thức hòa vào mạng Internet toàn cầu, mở ra một thời kỳ mới cho báo chí, truyền thông nước ta. Báo chí điện tử ra đời đòi hỏi công tác quản lý báo chí phải có sự thay đổi để theo kịp sự phát triển.

Giai đoạn này, Vụ Báo chí, Bộ Văn hóa – Thông tin (VHTT), cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trên toàn quốc, chỉ có 14 người với phương tiện làm việc và trang thiết bị kỹ thuật lạc hậu, nhưng quản lý 496 cơ quan báo chí; quản lý hệ thống phát thanh, truyền hình toàn quốc..

Trên cơ sở đề xuất của Vụ Báo chí, Bộ VHTT, ngày 16/7/2003, Bộ trưởng Bộ VHTT Phạm Quang Nghị đã ký quyết định số 22/2003/QĐ-VHTT thành lập Cục Báo chí. Ngày 27/7/2007, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) thành lập trên cơ sở Bộ Bưu Chính, Viễn thông và Cục Báo chí, Cục Xuất bản thuộc Bộ Văn hóa- Thông tin. Cục Báo chí lúc này chính thức thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cục trưởng Lưu Đình Phúc nhấn mạnh, trong suốt 20 năm xây dựng và trưởng thành, Cục Báo chí đã có những đóng góp quan trọng trọng công tác xây dựng thể chế, tạo đột phá cho sự phát triển và quản lý báo chí.

Quá trình phát triển, nhất là từ năm 2019 đến nay, việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về nội dung thông tin của Cục Báo chí đã góp phần quan trọng trong tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội; tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Việc tăng cường chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí giúp cho báo chí hoạt động đi vào nền nếp, mang tính chuyên nghiệp.

Cục Báo chí kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì - Ảnh 2.

Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Công tác quản lý báo chí còn được đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ để đo lường, đánh giá xu hướng thông tin, quản lý và điều tiết thông tin báo chí. Bên cạnh đó, mặc dù định hướng thông tin nhưng báo chí vẫn thổi vào đó nhiệt huyết để thực hiện tốt sứ mệnh báo chí cách mạng, phản ánh trung thực dòng chảy chính, nhân lên năng lượng tích cực; tăng cường tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; chủ động, tích cực đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc.

Cục Báo chí cũng không ngừng nỗ lực đổi mới công tác tổ chức thông tin cho báo chí; nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chính sách hỗ trợ kinh tế báo chí để báo chí có thêm nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Năm 2023, Cục Báo chí đã có thêm nhiệm vụ về truyền thông chính sách và hỗ trợ chuyển đổi số báo chí. Cục Báo chí được lãnh đạo Bộ TTTT giao chủ trì xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách. Trước đây, truyền thông chính sách được coi là việc của báo chí, nhưng nay với nhận thức mới, truyền thông chính sách là việc của các cấp chính quyền.

Vì thế, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương phải bố trí cán bộ phụ trách công tác truyền thông chính sách; bố trí nguồn lực về con người, tài chính cho hoạt động này và phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; xây dựng bộ máy vận hành, định hướng thông tin, xử lý khủng hoảng truyền thông bài bản, chuyên nghiệp, lấy báo chí làm nòng cốt. Với quan điểm mới này, báo chí đã có sự hỗ trợ quan trọng hơn từ phía chính quyền trong công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị.

Cục Báo chí kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương lao động hạng Nhì cho Cục Báo chí

Cục trưởng Cục Báo chí khẳng định, trong suốt chặng đường vừa qua, các thế hệ làm công tác quản lý báo chí đã liên tục kế thừa quá khứ và mở ra tương lai để tạo thành một dòng chảy liên tục. Truyền thống, văn hóa của Cục Báo chí được bồi đắp, kết tinh từ xương máu và sự cống hiến của lớp lớp cha anh đi trước. Để từ đó, mỗi thế hệ đều để lại những dấu ấn quan trọng, giữ gìn sự đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, hỗ trợ nhau trong công tác và cuộc sống; đều có được sức mạnh, nghị lực, đi qua mọi thác ghềnh, khó khăn, hoàn thành sứ mệnh của "người gác cổng thông tin", đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp quản lý nhà nước về báo chí.

Tự hào về chặng đường 20 năm của một đơn vị non trẻ, nhưng có một quá khứ hào hùng, thế hệ cán bộ Cục Báo chí hôm nay tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tin tưởng của nhân dân, với sức mạnh được kết tinh từ truyền thống quý báu của lớp lớp cha anh đi trước, Cục Báo chí đã, đang và sẽ vượt qua mọi thách thức, khó khăn, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đổi mới sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Báo chí phải bắt kịp với sự phát triển của công nghệ số

Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thẳng thắn nhìn nhận, nền báo chí cách mạng Việt Nam thời gian qua nặng về quản lý, nhẹ về phát triển. Phát triển cũng là cách để quản lý tốt hơn, có phát triển thì mới có thêm nguồn lực để quản lý. Nhưng nếu quản lý không đi đôi với phát triển, nền báo chí sẽ bị thị trường hóa, tư nhân hóa, tự diễn biến, tự chuyển hóa.

"Quản lý nhà nước về báo chí cách mạng là làm cho báo chí cách mạng phát triển, đáp ứng yêu cầu mới của đất nước; đảm bảo cho những người làm báo chí cách mạng có thể sống lành mạnh. Các cơ quan báo chí được đầu tư về cơ sở vật chất, công nghệ để không tụt hậu với các doanh nghiệp làm truyền thông trên thị trường", Bộ trưởng Bộ TTTT nêu rõ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, quy hoạch báo chí đã cơ bản xong phần sắp xếp. Trong giai đoạn tiếp theo, báo phải tiếp tục ra báo, tạp chí phải ra tạp chí; phải tập trung nguồn lực để phát triển. Đặc biệt, báo chí phải bắt kịp với sự phát triển của công nghệ số, tránh tụt hậu. Mặc dù báo chí đang tập trung vào chuyển đổi số nhưng tốc độ phải tăng lên.

Cục Báo chí kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị.

Từ nay đến năm 2025, các cơ quan báo chí vẫn cần tập trung hiện đại hóa nền tảng công nghệ. Để chuyển đổi số báo chí đạt các mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu phải chuyển đổi số cơ quan quản lý nhà nước về báo chí theo hướng đưa các hoạt động của Cục Báo chí lên môi trường số, kết nối online với các cơ quan báo chí để quản lý; có công cụ hiện đại để đánh giá chất lượng tin, bài của các cơ quan báo chí; xem các đơn vị này có hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích hay không; đánh giá được xu hướng chính trị của các cơ quan báo chí.

Cục Báo chí kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì - Ảnh 5.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, chuyển đổi số một cơ quan báo chí là trong cơ quan, tất cả mọi người phải có tư duy số, kỹ năng số, cách làm số. Do đó, việc đào tạo, trang bị các kỹ năng số cho phóng viên, người làm báo là rất quan trọng. Cục Báo chí phải đảm nhận trách nhiệm đào tạo kỹ năng số cho tất cả phóng viên, người làm báo. Song song với đó, đào tạo về truyền thông chính sách cũng là vấn đề phải được Cục Báo chí tập trung thực hiện.

Cục Báo chí kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì - Ảnh 6.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí.

Bên cạnh đó, quản lý báo chí cách mạng Việt Nam phải đi từ sự quản lý của cơ quản chủ quản đối với các cơ quan báo chí. Các quy định về quản lý của cơ quan chủ quản báo chí đối với cơ quan báo chí đã được ghi rõ trong Luật Báo chí. Tuy nhiên, một số cơ quan đã buông lỏng vấn đề này và sắp tới, phải nghiêm túc chấn chỉnh. Quản lý tốt để tạo ra môi trường báo chí lành mạnh; tạo ra cơ chế, chính sách mới phù hợp, hỗ trợ nền báo chí cách mạng Việt Nam theo kịp sự phát triển. Người làm báo làm nghề được, phụng sự được và sống được.

NỔI BẬT TRANG CHỦ