(Tổ Quốc)- Hội thảo “Công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh thực trạng và giải pháp” đã diễn ra sáng 18/7 tại Hà Nội.
Đây là hội thảo do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức. Hội thảo có sự tham dự của đại diện Cục Bản quyền tác giả, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, Trung tâm thẩm định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam, lãnh đạo và đông đảo họa sĩ, nhiếp ảnh gia, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhà nghiên cứu mỹ thuật, nhiếp ảnh.
Trao đổi tại hội thảo, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: Giám định tác phẩm mỹ thuật; tác phẩm nhiếp ảnh ở Việt Nam là công việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm, chưa có máy móc trang thiết bị kỹ thuật.
Hội thảo Công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh thực trạng và giải pháp diễn ra sáng 18/7 tại Hà Nội
Đời sống mỹ thuật, thị trường mỹ thuật trong nước đã bắt đầu phát triển, giao lưu, trao đổi, các hoạt động mua bán kinh doanh tác phẩm mỹ thuật ở trong nước và nước ngoài ngày càng phát triển. Nhu cầu giám định tác phẩm của các nhà sưu tập, các bảo tàng, người chơi tranh, mua tranh, ảnh, người kinh doanh, mua bán tác phẩm mỹ thuật – nhiếp ảnh là nhu cầu có thật và đang diễn ra hàng ngày. Mặc dù hiện nay, môi trường hoạt động của công tác giám định còn rất e dè, thiếu tin tưởng luôn thường trực trong tâm thức của nhiều người…
Công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh đang đứng trước 3 khó khăn lớn. Đó là thiếu các điều luật quy định về hoạt động giám định tác phẩm, nghệ thuật. Nếu có thì cũng rất sơ sài, chung chung, khó áp dụng. Tâm lý nghi ngờ, không ai chịu ai, ai cũng cho mình là giỏi, hiểu biết và không muốn công nhận khả năng của người khác, không công nhận “trọng tài” đang là suy nghĩ đè nặng trong nhiều người.
Để làm các kiểm tra kỹ thuật, hiện nay phải hoàn toàn nhờ vào con người và máy móc của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an. Đây là những trở ngại rất lớn, không thể khắc phục một sớm một chiều. Hội thảo là dịp để ban tổ chức lắng nghe các ý kiến đóng góp xây dựng, kinh nghiệm, hiểu biết, trải nghiệm đề giúp cho Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức hoạt động giám định tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của đời sống mỹ thuật.
Toàn cảnh Hội thảo
Tuy nhiên, cũng theo ông Thành, ở các nước có thị trường mỹ thuật, tức là có mua bán, kinh doanh tác phẩm mỹ thuật , nhiếp ảnh thì đều có các tổ chức, cá nhân làm công tác giám định tác phẩm, cấp giấy chứng nhận giám định tác phẩm để tác phẩm đó tham gia và hoạt động mua, bán đấu giá. Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới mà công giám định tác phẩm mỹ thuật lại do cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện.
Trên thế giới, lĩnh vực giám định tác phẩm mỹ thuật đều là các đơn vị tổ chức phi chính phủ hoặc tư nhân. Không có nước nào mà công tác giám định tác phẩm lại do cơ quan Nhà nước thực hiện. Vì vậy, ông Thành thiết tha kêu gọi các tổ chức, cá nhân hãy nhiệt tình và mạnh dạn thành lập, tổ chức hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật để Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sớm rút ra khỏi hoạt động này.
Tại Hội thảo, các tham luận và các ý kiến đóng góp của các họa sĩ, nhà sưu tập, giám tuyển... tại Hội thảo cũng bày tỏ mong muốn trong việc thúc đẩy sự phát triển của công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh ở Việt Nam./.