• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cuộc ‘cách mạng’ thay đổi thói quen ngàn đời của người Trung Quốc: Yêu thương nhau là phải có thêm một đôi đũa!

Thế giới 04/05/2020 13:21

(Tổ Quốc) - Chính quyền nhiều nơi đã khởi động các chiến dịch nhằm kêu gọi thay đổi thói quen ăn uống chung của người dân sau đại dịch.

Ngày 18/1, khoảng 40.000 gia đình ở khu Baibuting, Vũ Hán, đã tụ tập tại một bữa tiệc khổng lồ để ăn mừng Tết âm lịch. Hình ảnh về sự kiện này sau đó được đăng tải rầm rộ trên các phương tiện truyền thông địa phương, trong đó, người dân đeo những chiếc yếm ăn màu đỏ, liên tục dùng đũa đào bới và gắp hàng trăm món ăn trên bàn tiệc.

5 ngày sau, thành phố Vũ Hán bị phong tỏa trong nhiều tuần và có không ít trường hợp mắc SARS-CoV-2 đến từ khu vực trên. Giờ đây, bữa tiệc đó vẫn được nhắc lại như một ví dụ về sự tắc trách và chủ quan của quan chức địa phương trong việc phòng chống sự lây lan của virus corona.

Sau hậu quả của đợt bùng phát dịch, chính quyền nhiều nơi ở Trung Quốc đang thúc đẩy một cuộc cách mạng trên bàn ăn để thay đổi truyền thống và thói quen ăn uống lâu đời của người dân, tương tự như cách bữa tiệc tại Baibuting diễn ra, nơi mọi người vô tư dùng đũa gắp thức ăn chung.

Các nhà chức trách đã phát động chiến dịch để thuyết phục mọi người sử dụng gongkuai (đũa chung) hoặc gongshao (thìa chung) để gắp thức ăn từ mâm vào bát của mình rồi mới dùng đũa hoặc thìa riêng. Ngoài ra, họ còn khuyến khích việc phục vụ các phần ăn riêng biệt thay vì kiểu gia đình như trước.

Tuy nhiên, điều này không dễ thực hiện. Sau đại dịch SARS năm 2003, người ta cũng nảy ra sáng kiến tương tự nhưng nhanh chóng bị dập tắt. Nguyên nhân là vì ăn uống chung mâm vốn đã là một phần quan trọng trong đời sống xã hội Trung Quốc và là biểu hiện của sự thân tình. Tại Hàng Châu, một quan chức địa phương từng đề xuất chọn 11/11 làm "Ngày đũa nhân dân" vì ngày này tương đồng với hình ảnh hai đôi đũa.

Trên thực tế, đũa gắp chung phổ biến hơn ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan. Chỉ một số ít nhà hàng cao cấp ở Trung Quốc có loại đũa này và tất nhiên, chúng hiếm khi được sử dụng tại nhà. Hành động yêu cầu dùng đũa chung sẽ bị coi là mất lịch sự.

Theo quy tắc dùng đũa nhiều người được dạy từ nhỏ, chúng ta chỉ nên chạm vào thứ mà mình dự định sẽ ăn. Dù vậy, quan chức y tế Trung Quốc cho rằng việc này tạo cơ hội để vi trùng truyền qua nước bọt, từ đũa thìa riêng sang món ăn chung.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tin rằng chia sẻ bữa ăn là một cách lây truyền virus ở Trung Quốc, đặc biệt là trong các gia đình chiếm 85% các cụm lây nhiễm ở Quảng Đông và Tứ Xuyên.

Truyền thông Trung Quốc bắt đầu truyền bá khẩu hiệu: "Dùng riêng thức ăn không phải chia rẽ tình cảm".

Ở Bắc Kinh, các biển quảng cáo kêu gọi công dân tham gia chiến dịch với khẩu hiệu "Yêu thương nhau là phải thêm một đôi đũa". Theo đó, bắt đầu từ tháng 6, nhà hàng sẽ được yêu cầu dụng cụ ăn uống dùng chung và phục vụ phần ăn riêng biệt.

Chiếc dịch trên có vẻ như đang phát huy tác dụng khá tốt. Một người quản lý tại nhà máy sản xuất đũa ở Chiết Giang cho biết đơn đặt hàng đũa chung (dài hơn và có họa tiết khác biệt) của họ đã tăng tới 30%.

Tại Huajia Yiyuan, một chuỗi nhà hàng nổi tiếng với món vịt quay Bắc Kinh, mỗi chỗ ngồi đều có hai đôi đũa và hai chiếc thìa. Tại một nhà hàng lẩu có tiếng khác, tất cả các bàn đều đi kèm với một bộ dụng cụ ăn uống. Lan Luoshi, 20 tuổi, cho biết cô rất sẵn lòng sử dụng chúng khi đi ăn với bạn bè.

Thay đổi thói quen ở nhà và thế hệ người lớn tuổi dường như khó khăn hơn bởi họ coi đó là việc không cần thiết. Trong một cuộc thăm dò trực tuyến gần đây của Sina, một nửa trong số hơn 650 người được hỏi nói rằng họ sẽ không sử dụng đũa thìa chung tại nhà.

Ngoài ra, văn hóa ăn uống của người Trung Quốc cũng đang thay đổi theo cách khác: Nhiều nhà hàng đã giới hạn quy mô của bữa ăn tối ở hai người và đặt bàn cách nhau ít nhất 1 mét.

Shi, 50 tuổi, đầu bếp tại một cửa hàng mì trong một trung tâm thương mại cho biết vợ chồng ông hiếm khi mời bạn bè đến nhà. Khi làm việc, ông để ý rằng một nhóm đồng nghiệp cùng vào nhà hàng và tự động tách ra thành nhóm nhỏ hơn, dùng bữa ở bàn riêng biệt. Theo ông, nếu dịch bệnh có thể thay đổi việc mọi người đến nhà nhau chúc tụng vào dịp Tết Nguyên đán thì thói quen dùng đũa cũng như vậy.

Duni

NỔI BẬT TRANG CHỦ