• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cuộc chiến năng lượng ở Trung Á ngày một khốc liệt

Thế giới 20/09/2010 11:14

(Toquoc)- Mỹ, Trung Quốc, Nga hay EU sẽ giành được ảnh hưởng ở “căn cứ năng lượng thế kỷ 21”?

(Toquoc)- Được mệnh danh là “căn cứ năng lượng của thế kỷ 21” với trữ lượng dầu lửa, khí đốt vô cùng dồi dào, Trung Á chính là “vùng đệm” trong bàn cờ chiến lược của các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Trong những năm gần đây, khi nhu tiêu thụ dầu mỏ của thế giới tăng mạnh, đặc biệt trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ thì Trung Á ngày càng thu hút sự có mặt và cạnh tranh gay gắt của các nước lớn. Giới phân tích cho rằng, ai giành được quyền kiểm soát nguồn dầu mỏ tại đây, người đó sẽ đứng vững ở Trung Đông, Trung Á cũng như các khu vực khác trên thế giới.

Chiến lược của Nga

Trung Á luôn được coi là “sân nhà”, là hậu phương để thúc đẩy “gấu Nga” phát triển. Moscow cho rằng, điều quan trọng nhất trong chiến lược của nước này tại Trung Á là bảo đảm vị trí khai thác, vận chuyển dầu mỏ, khí đốt tại Trung Á, đồng thời ngăn chặn không cho bất cứ một cường quốc nào giành được vị trí chiến lược tại đây. Việc Mỹ và Trung Quốc thâm nhập ảnh hưởng vào Trung Á và từng bước chiếm thị phần năng lượng của Nga chắc chắn vấp phải phản ứng của Moscow, không chỉ về mặt ngoại giao mà còn có thể là thái độ cứng rắn trong giải quyết các vấn đề quốc tế.


Sơ đồ hệ thống đường ống dẫn khí đốt South Stream cung cấp năng lượng cho châu Âu

Hiện tại Nga đang triển khai một số dự án trọng điểm như “Dòng chảy phương Bắc” và “Dòng chảy phương Nam” tại Trung Á để đảm bảo vận chuyển khí đốt cung cấp cho châu Âu. Dự án “Dòng chảy phía Nam” - do Tập đoàn Gazprom làm chủ đầu tư - theo dự kiến sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2015 với vốn đầu tư trên 20 tỷ euro (Gazprom chiếm 8,6 tỷ euro) để vận chuyển khí từ Trung Á và Nga đến các nước Nam Âu bằng đường ống đặt ngầm dưới Biển Đen với công suất 63 tỷ m3/năm. 

Mỹ: chiến lược Đại Trung Đông

Washington xác định Trung Á là một mắt xích quan trọng trong việc thực hiện chiến lược “Đại Trung Đông” nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên chiến lược và thực hiện ý đồ bá chủ thế giới. Với việc đưa Trung Á vào tầm kiểm soát, Mỹ còn nhằm mục đích cắt đứt mối liên hệ trực tiếp giữa Trung Quốc với khu vực giàu dầu mỏ này nhằm ngăn chặn Trung Quốc phát triển thực lực về phía Tây. Đây cũng là một mục tiêu quan trọng trong chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Trung Quốc.

Tại Trung Á, Mỹ thực hiện chiến lược đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và khuyến khích các công ty dầu mỏ của mình tiến hành đầu tư và khai thác tại khu vực này nhằm kiềm chế, ngăn chặn ảnh hưởng của Nga, Trung Quốc hay bất kỳ tham vọng của nước nào khác. Nhánh đường ống “Baku-Tbilisi-Ceyhan” do Mỹ chỉ đạo xây dựng, đi vào hoạt động từ tháng 6/2006 đã giúp số khí đốt do Turkmenistan sản xuất không cần phải đi qua Nga mà vẫn có thể vận chuyển sang phương Tây, từ đó làm giảm “tiếng nói” của Nga đối với việc xuất khẩu năng lượng của các quốc gia Trung Á.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Mỹ đã phạm phải sai lầm khi đánh giá thấp về vai trò và năng lực cạnh tranh của Trung Quốc tại Trung Á. Mỹ cho rằng, các nước Trung Á sẽ quan ngại khi hợp tác với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc và thích hợp tác với Nga và phương Tây hơn. Sai lầm hơn nữa khi Mỹ tin rằng Nga sẽ coi việc Trung Quốc xâm nhập khu vực này là một mối đe dọa đối với lợi ích chiến lược của Nga. Moscow sẽ có biện pháp kiềm chế Bắc Kinh, và điều này sẽ gián tiếp có lợi cho Mỹ. Chính vì vậy, các hành động của Mỹ thường tìm cách làm giảm sức ảnh hưởng và sự hiện diện của Nga trong không gian hậu Xô Viết. Mỹ đã ủng hộ cho dự án xuyên Caspia bỏ qua lãnh thổ Nga, thậm chí, một số chuyên gia Mỹ trong khu vực còn gợi ý rằng Trung Quốc có thể là một đồng minh tiềm tàng của Mỹ trong việc cô lập Nga.

Tuy nhiên, khi đường ống dẫn khí từ Turkmenistan tới khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc qua Uzbekizstan và Kazakhstan (với công suất 40 tỷ m³/năm) được khánh thành thì Mỹ chợt nhận ra rằng không hề dễ đối phó với Trung Quốc tại Trung Á vì Trung Quốc đã có mặt tại khu vực này trong thời gian quá dài. Ngay từ năm 1997, Kazakhstan và Trung Quốc đã đồng ý xây dựng đường ống dẫn dầu thô dài 3.000 km và sau đó nâng sản lượng lên gấp đôi là 20 triệu tấn/năm. Lợi dụng khủng hoảng tài chính làm suy giảm sức mạnh kinh tế của Nga và sự lơ là của Mỹ, Trung Quốc đã ký được một loạt các thỏa thuận thương mại với nhiều nước Trung Á. Năm 2006, Trung Quốc mua cổ phần của công ty dầu Kazakh trị giá 2 tỷ USD ở mỏ dầu Karazhanba (có trữ lượng hơn 340 triệu thùng) và đồng ý mua 30 tỷ m3 khí của Turkmenistan (sau đó tăng lên 40 tỷ m3). Tháng 4/2009, Trung Quốc đồng ý cho Kazakhstan vay 10 tỷ USD trong một thoả thuận “đổi tín dụng lấy dầu mỏ” và cũng đồng ý để công ty quốc doanh KazMunaiGas của Kazakhstan mua công ty sản xuất dầu MangistauMunaiGas với giá 3,3 tỷ USD. Năm 2009, Trung Quốc đồng ý cấp khoản vay 3 tỷ USD cho công ty quốc doanh khí đốt lớn nhất Trung Á, South Iolotan, với trữ lượng từ 4.000 tỉ đến 14.000 tỷ m3 khí. Giới phân tích cho rằng, đến khi Mỹ “bừng tỉnh” nhận ra chiến lược năng lượng của Trung Á thì chiến lược đó đã đi vào vận hành “trơn tru”.

Trung Quốc chiếm thế thượng phong

Tháng 2/2008, Trung Quốc bắt đầu xây dựng hệ thống đường ống Tây-Đông tại Trung Á làm cơ sở để Trung Quốc triển khai tuyến đường ống khí đốt Trung Quốc - Trung Á (đi qua các nước Kazakstan, Kirzistan, Tazikstan, Turmekistan và Uzbekistan). Hệ thống tuyến đường ống này được đánh giá cao về ý nghĩa địa chính trị và chiến lược với vai trò đảm bảo an ninh năng lượng cho Trung Quốc. Để chuẩn bị cho đường ống này, Trung Quốc đã có những bước đi cụ thể để thâm nhập vào thị trường Trung Á, như ký kết một loạt các hiệp định mua khí đốt với các nước với điều kiện khí đốt phải được vận chuyển qua tuyến đường ống Trung Quốc - Trung Á. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng ký các hiệp định xây dựng đường ống dẫn khí (quá cảnh qua mỗi nước) với Turmekistan, Kazaksta và Turmenistan.


Cùng với việc lắp đặt và xây dựng đường ống, Trung Quốc cũng tích cực tham gia vào các dự án thăm dò và khai thác khí tại tả ngạn sông Amy Ddarri và Đông Turmenistan. Ngoài các dự án trên, các tập đoàn dầu khí của Trung Quốc cũng không ngừng củng cố và tăng cường sự hiện diện của mình tại các nước Trung Á bằng cách thành lập các công ty liên doanh hoặc mua cổ phần của các Tập đoàn dầu khí nước sở tại.

Về phần mình, các nước Trung Á cho rằng, việc Trung Quốc đầu tư vào khu vực không chỉ có lợi về tăng cường và đảm bảo về năng lượng mà còn giúp họ mở rộng thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực khác. Việc Trung Quốc xây dựng đường ống Trung Quốc - Trung Á sẽ giúp phá vỡ thế độc quyền của Nga trong việc sở hữu các nguồn dầu khí (thông qua Gazprom) tại đây. Đường ống này có thể làm thay đổi cơ bản nền tảng việc xuất khẩu dầu khí tại khu vực này, buộc Gazprom phải trả giá cao hơn (trước năm 2009, Nga thường mua khí của Trung Á với giá rẻ và bán với giá cao hơn gấp nhiều lần cho các nước châu Âu thông qua đường ống của Nga).          

Dự án Nabuco

Trung Á có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với EU trong việc thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng vào Nga, và thực hiện đa dạng hóa kênh cung ứng năng lượng. EU dự định trong khoảng thời gian từ 2007-2013 sẽ cung cấp khoản viện trợ 750 triệu euro cho các nước Trung Á, một phần trong đó sẽ dùng vào dự án hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cho nguồn năng lượng và vận chuyển Trung Á. Theo kế hoạch, đường ống mới này sẽ vòng qua Nga, đưa nguồn khí đốt của Trung Á và các nước Trung Đông sang châu Âu trung chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 3/2010, EU bắt đầu tích cực thảo luận dự án này với Turkmenistan.

Để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, các nước châu Âu đưa ra dự án Nabuco. Dự án này có vốn đầu tư 7,9 tỷ euro, với đường ống trải dài 3.300km từ Trung Á và khu vực biển Caxpi vòng qua lãnh thổ Nga, qua Gruzia, Azerbaizan, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Hungaria, Rumania đến Áo với công xuất 31 tỷ m3/năm. Tuy nhiên, theo các phân tích, cơ hội của EU trong việc giành được nguồn cung khí của Turkmenistan thông qua dự án đường ống Nabucco được Mỹ hậu thuẫn đã gần như bằng không. Như vậy nguồn khí của Nga sẽ vẫn là nguồn cung chính cho năng lượng châu Âu trong tương lai gần. Việc châu Âu tiếp tục phụ thuộc vào năng lượng của Nga sẽ là một “con bài mặc cả” để Nga củng cố quan hệ với các nước này. Hơn nữa, Nga có thể thoải mái xây dựng đường ống đầy tham vọng “Dòng chảy phương Bắc” và “Dòng chảy Phương Nam” tới châu Âu mà không phải lo cạnh tranh với đường ống xuyên Caspia do Mỹ hậu thuẫn như kiểu Nabucco.

Cuộc tranh giành ảnh hưởng và cuộc chiến năng lượng tại Trung Á vẫn đang diễn ra và sẽ càng khốc liệt hơn trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi các nền kinh tế bắt đầu hồi phục và phát triển./.

Trường Sơn

NỔI BẬT TRANG CHỦ