• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cuộc chiến tranh lạnh 2.0 về công nghệ đã được Mỹ phát động (Kỳ 2)

Thế giới 03/07/2019 08:28

(Tiếp theo)- Ngành công nghiệp chip của Trung Quốc tụt hậu 5-6 năm so với các đối thủ. Đó là điểm yếu chí mạng của Trung Quốc.

Những chính sách của Tổng thống Donald Trump có thể đẩy Trung Quốc rơi sâu vào sự cô lập không có cạnh tranh bằng cách phong tỏa đường tiếp cận của các công ty Trung Quốc với công nghệ Mỹ.

Theo tiền lệ Huawei, Mỹ có thể từ chối cung cấp các công nghệ tiên tiến khác cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Huawei dự tính những trở ngại do phía Mỹ gây ra sẽ gây thiệt hại 30 tỷ USD đối với doanh thu trong 2 năm tới. Tuy vậy, Trung Quốc chính là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến, làm phức tạp thêm đòn tấn công của Mỹ. Họ hiện là nước sử dụng nhiều người máy công nghiệp nhất. Họ mua 1/3 số người máy được sản xuất trên toàn cầu và sản xuất ra số người máy tương đương. Các doanh nghiệp Trung Quốc hiện nắm giữ 1/3 hồ sơ đăng ký cấp bằng sáng chế đối với các công nghệ 5G, tức là hơn gấp đôi tỷ lệ của Mỹ. Chỉ riêng Huawei đã nắm giữ số bằng sáng chế 5G nhiều hơn tổng số bằng sáng chế mà các doanh nghiệp Mỹ nắm giữ. Các công ty Mỹ chiếm một nửa tổng số doanh nghiệp về trí tuệ nhân tạo, và Trung Quốc chiếm 1/3. Công ty công nghệ Foxconn của Đài Loan hiện đang lên kế hoạch cho một dự án sản xuất vi mạch trị giá 9 tỷ USD ở Trung Quốc, tăng cường nguồn cung thiết bị bán dẫn trong nước. Mặc dù vậy, các nhà phân tích ở Bắc Kinh vẫn không tự tin rằng Trung Quốc có thể dễ dàng thay thế các sản phẩm công nghệ tiên tiến mà Mỹ có thể từ chối cung cấp cho các doanh nghiệp Trung Quốc.

Cuộc chiến tranh lạnh 2.0 về công nghệ đã được Mỹ phát động (Kỳ 2) - Ảnh 1.

Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tháng 5/2019 tiếp tục tụt giảm dưới tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Ngành công nghiệp chip của Trung Quốc vẫn phát triển ì ạch và đang tụt hậu 5-6 năm so với các đối thủ. Đó là điểm yếu chí mạng của Trung Quốc.

Trong khi đang khơi mào cuộc chiến công nghệ 5G với Trung Quốc, Mỹ lại tích cực đẩy mạnh hợp tác với phía Đài Loan. Các công ty công nghệ cao của Mỹ như Google, Qualcomm, IBM.... đều mở rộng hoạt động đầu tư, nghiên cứu và phát triển tại Đài Loan. Đài Loan vẫn là hòn đảo có nền khoa học công nghệ tân tiến, có cơ sở công nghệ bán dẫn hàng đầu thế giới. Bà Thái Anh Văn thậm chí còn tuyên bố, Mỹ và Đài Loan phải hợp tác với nhau để ngăn chặn Trung Quốc thống trị công nghệ 5G.

Sẽ phải mất một thời gian để những gián đoạn trong các chuỗi cung ứng trở nên rõ rệt, và nhiều thời gian hơn nữa để những hậu quả của tình trạng kiềm chế công nghệ xuất hiện trong những sản phẩm bị thay đổi và những công nghệ mới.

Hành động của Mỹ chống lại Huawei chắc chắn đã bổ sung một khía cạnh không chắc chắn hoàn toàn mới cho các cuộc đàm phán thương mại. Nó làm dấy lên sự ngờ vực của Trung Quốc đối với các quan chức trong Nhà Trắng và bộ máy an ninh quốc gia Mỹ, những người muốn tách rời nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, làm tiền đề cho việc cô lập Trung Quốc với các thị trường khác và gây tổn hại tới sức mạnh kinh tế của nước này. Một nhà phân tích ở Bắc Kinh cho rằng Mỹ đã quyết định "để kiềm chế Trung Quốc, phải bắt đầu từ mạng 5G".

Huawei khó có thể tự phát triển hệ điều hành

Gần đây, Huawei cho biết đã sẵn sàng sử dụng hệ điều hành tự phát triển để thay thế Android của Google và Windows của Microsoft. Nhưng các lãnh đạo ở Huawei đủ thông minh để hiểu rằng việc chuyển sang một hệ điều hành tự phát triển sẽ cắt các dòng smartphone của họ khỏi hệ sinh thái phần mềm chủ đạo trên thế giới và điều đó sẽ hạn chế người dùng tiếp cận những dịch vụ phổ biến như Google Search, Google Maps hay YouTube... Kinh nghiệm của NOKIA cho thấy, việc tự phát triển hệ điều hành đã làm cho nó mất vị trí hàng đầu trong thị trường điện thoại di động.

Trung Quốc đủ sức tạo ra một số tập đoàn công nghệ hàng đầu trên toàn cầu vì họ không thiếu những công ty triển vọng và có tiềm lực lớn. Tuy nhiên, điều đó khác xa với việc Trung Quốc trở thành mối đe dọa có thể đánh bại Mỹ trong "chiến tranh công nghệ". Dường như các công ty Trung Quốc còn không có khả năng thách thức công nghệ Mỹ, chưa nói đến việc vượt mặt các đối thủ Mỹ dù nhà nước Trung Quốc sẵn sàng chi tiền trợ cấp.

Con đường tốt nhất mà Trung Quốc có thể đi theo là tiếp bước Nhật Bản và Hàn Quốc để tạo ra một vài công ty có khả năng thiết lập sự hiện diện trên toàn cầu, qua đó trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh công nghệ thế giới. Song nếu Trung Quốc hành động như vậy, kịch bản này giống với một cuộc cạnh tranh theo kiểu tư bản hơn là một cuộc "Chiến tranh Lạnh công nghệ" với Mỹ.

Giới phân tích cho rằng để thắng trong cuộc chiến, Trung Quốc cần phải trở thành một cường quốc sáng tạo với các tập đoàn quốc gia sẵn sàng thách thức Intel, Apple hay Google để chiếm lĩnh những đỉnh cao quyền thế trong thế giới công nghệ. Nhưng để phát triển đến mức trở thành một mối đe dọa như vậy, các tập đoàn công nghệ Trung Quốc cần phải vượt qua những rào cản rất lớn./.


Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ