• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cuộc đối đầu nửa nóng, nửa lạnh Mỹ-Trung

Thế giới 22/07/2019 11:15

(Tổ Quốc)- Mỹ có một số đòn điểm huyệt Trung Quốc cực hiểm.

Một năm trôi qua từ khi Mỹ phát động cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc. Thực tế cho thấy, nó là một cuộc chiến tổng lực kinh tế, quân sự, nhân quyền, và Mỹ muốn đưa vào đây cả nội dung đấu tranh hệ tư tưởng. Trung Quốc đã thực hiện một số biện pháp trả đũa. Thế giới bỗng chốc chứng kiến một cuộc đối đầu hoàn toàn mới lạ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tại sao?

Về thương mại, xung đột bắt đầu vào tháng 6/2018, khi Mỹ áp đặt mức thuế 25% đối với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Các hành động trả đũa lẫn nhau khiến kim ngạch xuất khẩu của nước này sang nước kia giảm gần 20 tỷ USD. Theo báo Nikkei Asia Review, sau một năm, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gây thiệt hại 20 tỷ USD cho xuất khẩu của hai nước. Các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc đang phải tái cơ cấu chuỗi cung ứng, tạo ra những thay đổi lớn trong bức tranh thương mại toàn cầu.

Lý do đầu tiên là việc Tổng thống Trump thực hiện lời cam kết với cử tri chấm dứt tình trạng thương mại bất bình đẳng, cũng như thâm hụt rất lớn về thương mại mà Trung Quốc gây ra cho Mỹ, tuyên bố rằng Trung Quốc đã trục lợi quá nhiều từ sự mở cửa nền kinh tế của Mỹ.

Nếu chỉ vì các lý do ấy thì có lẽ cũng không khó giải quyết, với việc Trung Quốc tỏ ra sẵn sàng nhượng bộ, cam kết tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ. Nhưng chính quyền Mỹ đã đòi hỏi Trung Quốc mở cửa thị trường và cải cách cơ cấu kinh tế ở mức độ mà Bắc Kinh khó lòng chấp nhận. Mỹ muốn có những quá trình không thể đảo ngược, chứ không chỉ là những hứa hẹn, mà theo nhiều quan chức của chính quyền Trump, Trung Quốc đã có quá nhiều hứa hẹn suông.

Sinh viên TQ tại Mỹ

Sinh viên Trung Quốc không còn được hoan nghênh tại Mỹ, không được học những ngành công nghệ cao.

Chính quyền Trump đang đứng trước hai lựa chọn khó khăn và gây mâu thuẫn: Một mặt làm sao kiềm chế Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh chiến lược; mặt khác đạt được nhượng bộ từ phía Bắc Kinh để cắt giảm thâm hụt thương mại và thâm nhập thị trường Trung Quốc. Điều này đã tạo ra một cuộc đối đầu nửa nóng nửa lạnh. Ở lĩnh vực công nghệ cao, những biện pháp Mỹ đưa ra đã có tính cấm vận của một cuộc "chiến tranh lạnh 2.0". Đây là một đòn điểm huyệt cực hiểm của Mỹ.

Mỹ đã vận dụng các con bài họ có, trước tiên là Đài Loan với một loạt động thái đầy tính khiêu khích, như ban hành Đạo luật du lịch Đài Loan, khai trương Viện Mỹ tại Đài Loan (là Đại sứ quán Mỹ trên thực tế), gia tăng bán "vũ khí phòng thủ" hiện đại... Với Biển Đông, tăng tần suất tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOPS), tiến hành tập trận, vận động đồng minh tăng cường hiện diện ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Trong tháng 5 vừa qua, một ủy ban hỗn hợp Quốc hội Mỹ tung ra một dự thảo luật trừng phạt Trung Quốc vì những hành vi ở Biển Đông và biển Hoa Đông, đáp trả việc Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa.

Trung Quốc cũng không phải là "quả hồng mềm". Những biện pháp trả đũa của Bắc Kinh gây thiệt hại cho doanh nghiệp Mỹ, trước hết là nhà nông. Bắc Kinh đã ngăn chặn khá thành công nỗ lực tập hợp lực lượng quốc tế của Mỹ. Mỹ đã không thể thành công như từng làm với Nhật Bản trong cạnh tranh thương mại những năm 1990, vì ngày nay, Trung Quốc là một thị trường khổng lồ 1,3 tỷ dân mà nhiều nền kinh tế vẫn ít nhiều lệ thuộc.

Đặc tính của ông Trump làm cho dự báo quan hệ Mỹ-Trung trở nên khó lường. Đồng thời, cuộc vận động bầu cử tổng thống ở Mỹ khởi động sớm làm cho vấn đề Trung Quốc trở nên cấp tiến. Quan hệ thương mại với Trung Quốc nằm trong các hồ sơ mà ông Trump phải thực hiện trong mùa tuyển cử này. Nhưng sự thỏa hiệp sớm muộn cũng sẽ diễn ra.

Nền kinh tế Trung Quốc trải qua cơn "đau đẻ"

Con thuyền Trung Quốc đang băng băng lướt sóng về phía trước với những mục tiêu hoành tráng mà Đại hội 19 ĐCS Trung Quốc 2017 đề ra, đột nhiên hụt gió.

Dưới tác động của rủi ro bên ngoài, nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua những biến động tương đối lớn, khi chuyển sang tăng trưởng nội sinh, tạo áp lực suy giảm đối với ba trụ cột lớn (tiêu dùng, đầu tư vào ngành sản xuất, đầu tư vào bất động sản). Động lực cũ suy giảm quá nhanh trong khi động lực mới chưa thể phát huy tác dụng.

Dù sao, Trung Quốc đã không thể dẫn dắt cuộc chơi với Mỹ như cũ. Tháng 4 vừa rồi, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc đã thừa nhận đã không đánh giá đúng sự chuyển đổi chính sách của Mỹ và chưa xử lý tốt cuộc xung đột thương mại với Mỹ.

Còn người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, Mike Pompeo, tại hội nghị của Hội đồng Bắc Cực tháng 5 vừa rồi, đã kêu gọi không để Trung Quốc biến Bắc Cực thành "Biển Đông mới". Đó dường như cũng là lời tự kiểm điểm về sự nhẹ dạ cả tin của chính quyền Mỹ đã để Trung Quốc dễ dàng xây dựng 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa trong giai đoạn 2013-2016, để rồi bây giờ phải đôn đáo đối phó./.


Nguyễn Ngọc Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ