• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cuộc sống nghèo đói cùng cực của hàng triệu người trẻ Ấn Độ vì Covid-19: Kỹ sư, thạc sỹ kinh doanh phải đi cuốc đất thuê kiếm sống

Chuyện kinh doanh 29/09/2020 11:05

(Tổ Quốc) - Cùng cực vì không thể tìm được cách mưu sinh trong đại dịch, thạc sỹ, kỹ sư Ấn Độ phải đi cuốc đất, đào mương, ngày kiếm 3,7 USD.

Vào một buổi chiều oi bức gần đây tại miền nam Ấn Độ, Earappa Bawge đang cuốc đất, đào mương trong trang phục là một chiếc áo sơ mi trắng. Chiếc áo đã bị dính chặt vào lưng bởi nó thấm đẫm mồ hôi. Mỗi một nhát cuốc gợi nhớ cho anh về việc tất cả những hy vọng trước đây về một cuộc sống tốt đẹp đã sụp đổ như thế nào.

Chỉ vài tháng trước, kỹ sư 27 tuổi này vẫn còn ngập trong những hồ sơ dự án, ngồi trong căn phòng điều hòa mát lạnh tại một nhà máy ở cách đây hàng trăm dặm. Công việc đó là cánh cửa giúp anh thoát khỏi sự nghèo đói của vùng nông thôn mà quê nhà anh đang sống. Suốt nhiều năm gia đình đã phải hy sinh rất nhiều để giúp anh hoàn thành việc học tập.

Hiện tại, anh phải quay trở lại quê nhà khi mà làn sóng kinh tế sụp đổ trên khắp Ấn Độ do ảnh hưởng của đại dịch. Để sinh tồn, Bawge bắt đầu phải đào đất theo một chương trình hỗ trợ việc làm công cộng của chính phủ. Bên cạnh anh là một cựu nhân viên ngân hàng, một thầy thuốc thú y và 3 sinh viên thạc sỹ kinh doanh. Cuối ngày, mỗi người nhận được 3,7 USD.

"Nếu không làm việc, chúng tôi sẽ không có gì ăn cả. Cái đói đánh bại mọi hy vọng".

Cuộc sống nghèo đói cùng cực của hàng triệu người trẻ Ấn Độ vì Covid-19: Kỹ sư, thạc sỹ kinh doanh phải đi cuốc đất thuê kiếm sống - Ảnh 1.

Khi nền kinh tế Ấn Độ phải trải qua một trong những cuộc phong tỏa khắc nghiệt nhất trên thế giới, chương trình tuyển dụng vùng nông thôn đã mở ra cuộc sống cho hàng triệu người thất nghiệp. Chương trình này của chính phủ nhắm tới việc bảo đảm 100 ngày làm việc không kỹ năng tại những vùng nông thôn nhắm tới việc chiến đấu với đói nghèo, giảm sự bất ổn về lương.

Chương trình này hiện trở thành chiếc phao cứu sinh cho hàng triệu người tốt nghiệp đại học cũng như cựu nhân viên văn phòng không còn lựa chọn nào khác để mưu sinh. Hơn 17 triệu người đã nộp đơn tham gia chương trình này từ tháng 4 cho tới giữa tháng 9. Gần 60 triệu hộ gia đình tham gia trong thời điểm đó – cao hơn cả tổng số của cả năm ngoái và là mức nhiều nhất trong lịch sử 14 năm của chương trình.

Nhu cầu rất lớn. Sản lượng kinh tế đầu ra của Ấn Độ đã giảm 24% trong 3 tháng tính tới tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, tồi tệ hơn bất kỳ nền kinh tế nào. Trong cuộc đại phong tỏa, hơn 120 triệu việc làm đã bị mất, hầu hết trong lĩnh vực lớn của cả nước. Nhiều công nhân đã quay trở lại làm việc với mức lương thấp hơn nhiều.

Những người làm công ăn lương cũng chịu ảnh hưởng tồi tệ. Một khảo sát bởi Trung tâm điều hành kinh tế Ấn Độ thấy rằng 21 triệu công việc được trả lương đã bị mất giai đoạn từ tháng 4 – 8. Nhóm chịu tác động lớn nhất là những công nhân có chất lượng như kỹ sư, giáo viên, kế toán.

Trong khi đó, vẫn chưa có dấu hiệu rằng đại dịch sắp kết thúc. Ấn Độ đã ghi nhận 5 triệu ca nhiễm, mức tăng mỗi ngày nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Họ được dự báo sẽ vượt Mỹ về số trường hợp nhiễm vào tháng tới nếu như xu hướng này tiếp tục.

Khi nền kinh tế suy giảm, một lượng ngày càng lớn người Ấn Độ phải quay sang chương trình hỗ trợ việc làm của chính phủ .

Số lượng người tham gia chương trình lao động chân tay có tên MGNREGA này cao đến mức vượt xa khả năng cung cấp công việc của các hội đồng địa phương. "Chúng tôi thực sự chỉ mong đợi mọi người đến đó khi không còn gì khác", Amit Basole, Nhà kinh tế học tại Đại học Azim Premji ở Bangalore, cho biết.

Bawge là một kỹ sư sống ở quận Bidar, một bang miền nam Karnataka. Hơn 11.000 người có bằng đại học và trên đại học đang làm việc dưới chương trình kể trên của Ấn Độ kể từ khi lệnh phong tỏa bắt đầu theo nhà chức trách địa phương. Họ đào đất, dọn hồ và trồng cây.

Có một sự gia tăng đột biến với nhu cầu làm việc trong lúc phong tỏa.

"Xu hướng này vẫn đang tiếp diễn. Thật buồn khi chúng tôi không thể cung cấp những công việc phù hợp với năng lực của họ", Gyanendra Kumar Gangwar – một quan chức trực thuộc chương trình nói.

Bawge là sinh viên tốt nghiệp đại học thế hệ thứ nhất thuộc một bộ lạc bản địa, một trong những nhóm thiệt thòi nhất ở Ấn Độ. Hoàn thành tấm bằng cử nhân đồng nghĩa với việc hy sinh số thu nhập đáng lẽ có thể nuôi sống gia đình 5 người của anh trong nhiều năm.

Khi cha mất vào năm ngoái và còn đang học, áp lực đè nặng lên vai Bawge để tìm ra một công việc tốt. Cuối năm ngoái, tương lai của anh dường như rất sáng sủa: Bawge tìm được công việc tại một công ty ở Bangalore - thủ phủ công nghệ Ấn Độ. Anh hy vọng sẽ làm lâu dài ở đây và thăng tiến lên những vị trí cấp cao hơn.

Sau đó, nhà máy phải đóng cửa vì lệnh phong tỏa. Việc quay trở lại làm công việc tay chân không phải là một quyết định dễ dàng. "Ban đầu tôi rất buồn vì cảm thấy sự hy sinh mà gia đình đã dành cho mình để đi học giờ tan thành mây khói".

Trong một con đường nhỏ khác ở cùng làng, ngồi bên hiên nhà là Atish Metre – một sinh viên quản trị doanh nghiệp 25 tuổi đang làm cùng Bawge. Tháng 2, anh đã tìm được việc làm nhân viên tư vấn gói vay cho một ngân hàng lớn nhất Ấn Độ ở Bangalore. Công việc giúp anh thu về 200 USD một tháng, đủ để vẫn có thể dành ra một khoản tiết kiệm nhỏ. Anh thích công việc này.

Sau khi lệnh phong tỏa được áp dụng cuối tháng 3, không một khách hàng nào muốn vay tiền nữa và anh không thể hoàn thành chỉ tiêu và buộc phải nghỉ việc. Anh quay về làng, dự tính ở nhà 1 tháng sau đó quay lại thành phố tìm công việc mới. Tuy nhiên, hiện giờ Metre đang lo lắng về việc các ca nhiễm ở Bangalore đang ngày một nhiều và vẫn không thể quay trở lại đó.

"Bạn bè tôi đã sốc khi biết tôi đang phải làm việc này. Họ nói mày học thạc sỹ và giờ như thế này hả".

Nhiều trường hợp tương tự cũng đang xảy ra ở đây. Trong một bang ở Telangana, Shankaraiah Karravula, một giáo viên có thâm niên 14 năm cũng buộc phải tham gia chương trình của chính phủ khi ngừng nhận được lương do trường học đóng cửa vào tháng 3.

"Tôi sẵn sàng làm mọi việc".

Ở bang phía tây Odisha, Rajendra Pradhan – một kỹ sư 24 tuổi gần đây cũng tham gia chương trình kể trên.

"Nó khiến tôi rất đau lòng nhưng gia đình phụ thuộc vào tôi. Tôi không thể ngồi không".

Khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ vào tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp đã được cải thiện, nhưng nền kinh tế vẫn vô cùng ảm đạm.

Cuộc sống nghèo đói cùng cực của hàng triệu người trẻ Ấn Độ vì Covid-19: Kỹ sư, thạc sỹ kinh doanh phải đi cuốc đất thuê kiếm sống - Ảnh 2.

Sudha Narayanan – một chuyên gia kinh tế tại Viện nghiên cứu và phát triển Indira Gandhi của Mumbai nói rằng cô dự đoán chương trình làm việc nông thôn vẫn là một hoạt động quan trọng trong 2 năm tới. "Đó là một lựa chọn thụt lùi nhưng không có bất kỳ dấu hiệu nào trong nền kinh tế chỉ ra rằng việc làm sẽ quay trở lại".

Cô nói rằng chính phủ cần khẩn cấp mở rộng quỹ của chương trình và tăng lượng việc làm bảo đảm hàng ngày.

Với Bawge – công việc này giúp gia đình anh vẫn có đồ ăn. Anh vẫn giữ hy vọng rằng nhà máy sẽ gọi anh quay trở lại. Họ đã mở cửa trở lại khi lệnh cấm được dỡ bỏ nhưng các quản lý nói rằng chưa đủ việc để gọi tất cả các công nhân quay trở lại.

"Cha tôi luôn muốn tôi học hành để có tương lai tốt hơn ông. Việc phong tỏa đã giết chết giấc mơ của chúng tôi", giọng Bawge nghẹn ngào.

Vân Đàm

NỔI BẬT TRANG CHỦ