• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đa dạng trong truyền thông về quy tắc ứng xử của người Hà Nội

Văn hoá 19/11/2023 10:47

(Tổ Quốc) - Để lan tỏa những giá trị bộ quy tắc ứng xử của người Hà Nội, các đơn vị, địa phương đã có nhiều sáng tạo, đa dạng trong truyền thông.

Ngày 10/3/2017, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số1665/QĐ-UBND về việc ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Như chúng ta đã biết, Quy tắc ứng xử gồm 4 chương, 14 điều được áp dụng cho các tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống tại Hà Nội và cả những người đến công tác, tham quan, học tập trên địa bàn thành phố.

Đa dạng trong truyền thông về quy tắc ứng xử của người Hà Nội - Ảnh 1.

Bộ quy tắc đã định hướng rõ những việc nên làm và không nên làm tại những điểm công cộng

Quy tắc ứng xử gồm có hai phần chính: Những quy tắc ứng xử chung và những quy tắc ứng xử tại các địa điểm công cộng cụ thể, gồm: vỉa hè, lòng đường; vườn hoa, quảng trường, tượng đài, công viên; cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn; nhà ga, bến xe ô tô, bến tàu, thuyền, sân bay; khi tham gia giao thông; khu vui chơi, giải trí, điểm tham quan du lịch.

Bộ quy tắc đã định hướng rõ những việc nên làm và không nên làm tại những điểm công cộng. Cụ thể như những việc nên làm là: Tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật; nội quy, quy tắc nơi công cộng; tôn trọng không gian chung của cộng đồng; ứng xử lịch thiệp, thân thiện, nhã nhặn, đúng mực; trang phục lịch sự, phù hợp hoàn cảnh, chuẩn mực xã hội; quan tâm, nhường nhịn, giúp đỡ người khuyết tật, người già, phụ nữ có thai, trẻ em; đấu tranh bảo vệ lẽ phải, người yếu thế, phê phán hành vi sai trái; tôn trọng, bảo vệ cảnh quan môi trường.

Việc không nên làm là: Vi phạm nội quy, quy tắc nơi công cộng; nói to, gây ồn ào; kích động, đe dọa, sử dụng bạo lực; nói tục, chửi bậy, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; hút thuốc, khạc nhổ, phóng uế tùy tiện; xả rác, chất thải không đúng nơi quy định; tự tiện sử dụng không gian, công trình công cộng vào mục đích cá nhân không đúng quy định; thả rông súc vật nuôi nguy hiểm…

Bộ Quy tắc ra đời với mục tiêu từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, góp phần gìn giữ và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.

Gần 7 năm kiên trì, bền bỉ đi vào đời sống, Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội đã trở thành thông điệp thân thuộc; đích đến cho việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh ở Thủ đô. Tại nhiều địa phương, những cách làm hay, mô hình sáng tạo đã và đang tiếp tục được thực hành, lan tỏa đưa quy tắc ứng xử thấm sâu vào đời sống cộng đồng.

Những mô hình đó có thể kể đến như: Quận Cầu Giấy ra mắt mô hình "Phụ nữ tham gia xây dựng chợ văn minh thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng" cuối tháng 10 vừa qua, nhằm bồi dưỡng ý thức xây dựng văn hóa ứng xử, cũng như tạo diện mạo mới hấp dẫn và văn minh hơn cho khu chợ truyền thống tại địa phương. Trước đó, không ít mô hình đã trở thành kiểu mẫu, niềm tự hào nhiều năm của Cầu Giấy trong bồi đắp văn hóa ứng xử, tiêu biểu như mô hình "Cầu thang văn hóa", "Thư viện gia đình", "Nhóm hộ gia đình tự quản"…

Tương tự, quận Hoàng Mai chọn lồng ghép tuyên truyền nội dung các quy tắc ứng xử thông qua đa dạng mô hình, hoạt động sáng tạo nơi cơ sở. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Võ Xuân Trọng cho biết: "Trong năm 2023, rất nhiều hội thi, hội diễn, phong trào thi đua gắn với triển khai quy tắc ứng xử đã được thực hiện, như: Hội thi "Nét đẹp công sở", liên hoan "Phụ nữ Hoàng Mai ứng xử thanh lịch, văn minh", liên hoan "Văn hóa người cao tuổi", cuộc thi "Ngõ phố sáng, xanh, sạch, đẹp"; phong trào xây dựng tuyến phố văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường… Trước đó, việc lồng ghép nội dung quy tắc ứng xử vào hương ước, quy ước hay tiêu chí đánh giá tổ dân phố văn hóa cũng đã được hoàn thành".

Đa dạng trong truyền thông về quy tắc ứng xử của người Hà Nội - Ảnh 2.

Mô hình xây dựng trường học thân thiện, nói lời hay, làm việc tốt, cảnh quan đẹp

Tại quận Hà Đông, công tác tuyên truyền được quận thực hiện bài bản, tổ chức nhiều hội nghị tọa đàm, phát nhiều tờ rơi, niêm yết trên 248 di tích của quận. Quận quan tâm triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình như: Mô hình cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng; mô hình bộ phận "một cửa", "một cửa liên thông" giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp; mô hình xây dựng trường học thân thiện, nói lời hay, làm việc tốt, cảnh quan đẹp.

Quận Bắc Từ Liêm triển khai hiệu quả các mô hình Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động: Tổ chức lễ phát động; xây dựng tiêu chí nhận diện các mô hình và thang bảng điểm đánh giá hằng tháng mô hình "Bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp"; "Cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng", hồ sơ chấm điểm đánh giá được lưu tại đơn vị.

Hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền lưu động về Quy tắc ứng xử cũng được đẩy mạnh trên hệ thống pano, màn hình LED của thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã; trên các phương tiện giao thông công cộng, tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, tổ chức đoàn xe tuyên truyền quy tắc ứng xử, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh nhân dịp các sự kiện phục vụ nhiệm vụ chính trị của trung ương, thành phố. Sở Văn hóa và Thể thao cũng tiếp tục tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền khác như: Tổ chức các hội thảo, tọa đàm, tổ chức giao lưu, gặp gỡ các mô hình tiêu biểu, phát động cuộc thi vẽ tranh tuyên truyền cổ động; biên soạn, in ấn các ấn phẩm tuyên truyền quy tắc ứng xử...

Sau gần 7 năm ra đời, có thể thấy, hệ thống quy tắc ứng xử đang ngày càng trở nên thân thuộc với các cấp chính quyền, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân trong việc căn chỉnh văn hóa ứng xử, xây dựng cộng đồng ngày một văn minh, hiện đại, giàu bản sắc. Từ thành phố tới cơ sở, hàng trăm cách làm hay, mô hình điểm đã và đang được triển khai, nhân rộng nhằm hiện thực hóa hai quy tắc ứng xử. Đáng nói, dù nhiều mô hình có nội dung tương tự, song việc triển khai không bị dập khuôn mà có sáng tạo cho phù hợp với điều kiện, đặc trưng, tính chất địa bàn, dân cư sinh sống, từ đó lan tỏa giá trị cốt lõi là xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Trong thời gian tới, ngành văn hóa Hà Nội cần tiếp tục triển khai, phổ biến đến các quận, huyện, thị xã sâu rộng hơn nữa các bộ Quy tắc ứng xử đến từng đối tượng, cơ quan, đơn vị, hội đoàn thể và các cá nhân nhằm tạo chuyển biến trong ý thức xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, thanh lịch. Các đơn vị, tổ chức cần chọn và nhân rộng những mô hình hay để lan tỏa, góp phân xây dựng nếp sống văn hóa Hà Nội./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ