• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đà Nẵng bảo đảm các điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện

Văn hoá 18/09/2023 10:54

(Tổ Quốc) - Nhiều năm qua, TP. Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách đặc thù dành cho trẻ em nhằm góp phần tạo môi trường xã hội lành mạnh, bình đẳng, bảo đảm các điều kiện để các em phát triển toàn diện.

Toàn TP. Đà Nẵng hiện có hơn 299.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 25,5% dân số; trong đó, hơn 3.100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 1,06% số trẻ em; hơn 11.500 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (trẻ em sống trong gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em sống trong gia đình có vấn đề xã hội…).

"Mẹ đỡ đầu" của trẻ mồ côi

Thực hiện chương trình "Mẹ đỡ đầu" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, các cấp Hội Phụ nữ TP. Đà Nẵng đã nhận đỡ đầu hàng trăm trẻ em trong giai đoạn 2022-2026. Mức hỗ trợ tối thiểu 500.000 đồng/tháng/em, cùng sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương của cộng đồng giúp các em có thêm động lực để vượt qua khó khăn.  

Bà Trần Thị Thu Hiền - Chi hội phó Chi hội Phụ nữ Bách Khoa, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) - là một trong những người hưởng ứng tích cực chương trình "Mẹ đỡ đầu". Bà nhận đỡ đầu một học sinh lớp 10 Trường THPT Liên Chiểu (quận Liên Chiểu), mồ côi cha từ nhỏ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Thu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 57, phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) cùng chi hội nhận đỡ đầu một học sinh lớp 10 Trường THPT Hoàng Hoa Thám, mồ côi mẹ, cha làm thợ xây, thu nhập không ổn định. Để bảo đảm kinh phí đỡ đầu, ngoài tiền có được từ hoạt động thu gom rác thải tại nguồn của chi hội, bà Thu góp thêm tiền cá nhân dù cuộc sống của bà và gia đình khá chật vật.

Trong khi đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) xây dựng các mô hình "Nuôi heo đất", "Rau an toàn cho hộ gia đình, "Cây nấm nhân ái" để gây quỹ giúp đỡ trẻ em mồ côi. Chi hội đang nhận đỡ đầu một em mồ côi mẹ, sống cùng cha, bà nội và hai em nhỏ.

Với sự vận động của các chi hội phụ nữ, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP. Đà Nẵng cũng chung tay chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, điển hình là bà Phạm Thị Xuân Thủy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Tiến Thắng đã vận động công ty nhận đỡ đầu 10 trẻ mồ côi trên địa bàn huyện Hòa Vang.

Bằng nhiều hình thức khác nhau, Hội phụ nữ các cấp ở TP. Đà Nẵng đã và đang trở thành "cầu nối", "điểm tựa" sưởi ấm, tiếp sức cho những phận đời mồ côi, với mong muốn các em tiếp tục học tập, trở thành những công dân có ích cho xã hội, đúng tinh thần Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới".

Ngoài ra, thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng về tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật, các cấp hội phụ nữ của thành phố đã hỗ trợ 135.104 lượt hộ gia đình, 18.224 lượt học sinh có nguy cơ bỏ học, học sinh bỏ học và thanh-thiếu niên hư, vi phạm pháp luật, nghiện ma túy với kinh phí 74,5 tỷ đồng.

Khuyến khích trẻ em tham gia các vấn đề về trẻ em

Trong những năm qua, TP. Đà Nẵng đã ban hành, triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, giáo dục trẻ em, nhất là tạo điều kiện để trẻ tham gia các vấn đề về trẻ em.

Có thể kể đến Chương trình hành động vì trẻ em; Chương trình bảo vệ trẻ em; Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; Kế hoạch thực hiện phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; Đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng; Kế hoạch hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ tại cộng đồng…

Đến nay, tất cả các phường/xã, quận/huyện trên địa bàn Đà Nẵng đã thành lập tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em; trong đó có Nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp phường/xã.

UBND TP. Đà Nẵng cũng đã ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác trẻ em; theo đó, chỉ đạo, phân công và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, hội, đoàn thể và các địa phương thực hiện công tác trẻ em; cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi, giải trí, thể thao, thông tin và thực hiện quyền tham gia của trẻ em; phòng ngừa, xử lý, hỗ trợ can thiệp đối với các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em.

Đặc biệt, các cấp, ngành, địa phương ở Đà Nẵng đã triển khai nhiều mô hình nhằm tạo cơ hội để trẻ em thực hiện quyền tham gia các vấn đề về trẻ em như: Câu lạc bộ "Phóng viên nhỏ", Câu lạc bộ quyền trẻ em trong các liên đội và tại địa bàn dân cư, đội tuyên truyền măng non tại các liên đội; tổ chức các cuộc thi, hội thảo, giao lưu, đặc biệt là các diễn đàn, đối thoại giữa thiếu nhi với lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương với chủ đề "Điều em muốn nói"...

Tại diễn đàn đối thoại của lãnh đạo thành phố với trẻ em do HĐND và UBND TP. Đà Nẵng tổ chức hồi cuối tháng 5/2023, có 26/160 em thiếu nhi tiêu biểu tham gia diễn đàn đã trình bày các ý kiến, nguyện vọng, mong muốn về những vấn đề có liên quan thiết thực đến đời sống hằng ngày của các em, chẳng hạn đề nghị lực lượng chức năng có biện pháp ngăn chặn mạnh mẽ, quyết liệt hơn tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, đua xe, đánh nhau; tăng cường kiểm soát thông tin tiêu cực, bạo lực trên không gian mạng; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, hạn chế bạo lực học đường…

Các ý kiến nói trên đã được lãnh đạo Đà Nẵng ghi nhận. Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Bà Thi nhấn mạnh: Đối với những việc chưa làm được, hoặc những đề xuất, ý tưởng mới, giao các ngành chức năng nghiên cứu, báo cáo, đề xuất các giải pháp thực hiện; nhất là quan tâm tạo điều kiện trong các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh cho trẻ em gắn với rèn luyện kỹ năng. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em trên địa bàn thành phố đã được lồng ghép vào Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2021-2030.

H.An

Tổ chức cho hơn 43.000 lượt trẻ em tham gia các hoạt động trải nghiệm

Trong giai đoạn 2012-2022, các cấp, các ngành, các đơn vị trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã tổ chức hơn 55.000 hoạt động trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống, bảo tàng, nhà văn hóa, các không gian sáng tạo nghiên cứu khoa học với hơn 430.000 lượt thiếu nhi tham gia.

Thành đoàn - Hội đồng đội TP. Đà Nẵng đặc biệt quan tâm việc tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống và tư vấn tâm lý học đường, giáo dục thiếu nhi xây dựng thói quen tâm lý lành mạnh, hướng dẫn các phương pháp xử lý tình huống khẩn cấp, kỹ năng giao tiếp, tiếp nhận thông tin và chia sẻ cảm xúc thông qua các hoạt động tham vấn tâm lý…


* Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ