• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đà Nẵng mạnh tay vì thương hiệu DIFC

Du lịch 22/03/2012 23:47

(Toquoc)-Ngoài những biện pháp mạnh tay kiểm soát chặt chẽ các hoạt động kinh doanh du lịch thì Đà Nẵng còn tuyên truyền nâng cao ý thức của các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhằm giữ uy tín cho thương hiệu DIFC.

(Toquoc)-Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Festival pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC) nhưng vé máy bay chiều Hà Nội – Đà Nẵng thời điểm cận ngày 28/4 đã bán hết cách đây 3 tuần.

Hiện vé đi Đà Nẵng từ ngày 25 đến 30/4 tại Vietnam Airlines đã xuất hết. Khách muốn vào Đà Nẵng thời điểm hiện tại chỉ có thể chọn các hãng bay khác hoặc đi bằng tàu hoả, ô tô. Tuy nhiên, nếu đặt tour qua các hãng lữ hành thì du khách vẫn có cơ hội đi máy bay. Các doanh nghiệp này luôn giữ một số lượng ghế nhất định phục vụ khách lẻ và khách đặt tour cận ngày. Một số hãng lữ hành lớn tại Hà Nội như Vietravel, Saigontourist, Vietran Tour, Hanoitourist… vẫn chưa đóng tour này.

Đà Nẵng quyết tâm kiểm soát chặt hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch nhằm tạo nên một hình ảnh đẹp về Đà Nẵng và giữ uy tín cho thương hiệu DIFC. (Ảnh minh họa: Internet)

Tuy nhiên, thị trường buồng phòng lưu trú và địa điểm xem bắn pháo hoa tại Đà Nẵng đang sốt lên từng ngày.

Thông tin từ Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết hiện các khách sạn, nhà nghỉ tại trung tâm thành phố hầu hết đều đã kín phòng. Lác đác có cơ sở còn phòng đơn xong không đáng kể.

Mức giá của các buồng phòng lưu trú tại nhà nghỉ tăng tối đa đến 100%, trong khi đó các khách sạn từ 2-5 sao đều tăng khoảng 30-50%.

Khảo sát tại khách sạn Hương Lan (TP Đà Nẵng), mức giá phòng đơn đã tăng từ 300.000 đồng – 600.000 đồng áp dụng với 3 ngày 28, 29, 30/4. Tại khách sạn Phương Đông, giá phòng đơn tăng từ 600.000 đồng lên 800.000 đồng áp dụng trong 5 ngày từ 28/4-2/5. Tại khách sạn Green Plaza, giá phòng standard cũng tăng từ 1.600.000 đồng lên 2.050.000 đồng trong 5 ngày festival.

Các khách sạn cũng có nhiều chiêu riêng để lách quy định không được tăng giá quá 30% của thành phố.

Một nhân vật kinh doanh lữ hành tại Đà Nẵng cho hay: Thông thường, khách đoàn với số lượng đông luôn được khách sạn ưu đãi. Tuy nhiên với dịp Festival Pháo hoa, các khách sạn luôn dành riêng từ 30-40% số lượng phòng để bán cho khách lẻ. Với đối tượng khách này, giá cả chủ yếu được thoả thuận bằng miệng mà không qua hợp đồng hay hoá đơn nên rất dễ hét giá gấp đôi, gấp ba mà không bị cơ quan chức năng xử lý. Số phòng còn lại đã được lữ hành booking trước cũng phải chịu mức tăng từ 20-30% tuỳ theo thương lượng.

Sở VHTTDL cũng cho biết hiện có hiện tượng một số cá nhân và công ty lữ hành mua lại phòng của một số khách sạn dịp thi pháo hoa cách đây nhiều tháng, sau đó bán lại cho các hãng lữ hành khác, bán trọn gói trong tour cho du khách hoặc bán cho khách lẻ với giá cao hơn nhiều so với giá gốc.

Mặc dù Sở VHTTDL đã đề nghị các khách sạn phải làm hợp đồng rõ ràng về giá cả, ràng buộc trách nhiệm giữa người bán và người mua khi bán phòng cho khách hàng, song cũng khó kiểm soát được nếu như phía khách hàng không có phản hồi.

Ông Nguyễn Xuân Bình – Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng cho biết: “Vấn đề đau đầu nữa của Đà Nẵng là bán địa điểm xem bán pháo hoa trên các sân thượng, ban công nhà cao tầng với giá cao. Đây là việc làm tự phát xuất phát từ nhu cầu cao của du khách, do sự thoả thuận giữa hai bên, không phải là một loại dịch vụ ổn định để niêm yết giá, không có hoá đơn hay hợp đồng, do đó không thể kiểm soát và xử lý”.

Ông Xuân Bình cũng cho biết: hiện nay ngoài những biện pháp mạnh tay kiểm soát chặt chẽ các hoạt động kinh doanh du lịch thì Đà Nẵng còn dùng phương pháp “mềm” là tuyên truyền nâng cao ý thức của các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhằm chung tay tạo nên một hình ảnh đẹp về Đà Nẵng và giữ uy tín cho thương hiệu DIFC.

Một số UBND phường đã tổ chức cuộc gặp gỡ với người dân và các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại địa bàn để thông báo các quy định của thành phố, đồng thời vận động người dân mở rộng hình thức lưu trú homestay “đón khách vào nhà”, vận động các cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm túc quy định về giá cả dịch vụ vì lợi ích kinh doanh lâu dài.

“Đoàn công tác cũng tổ chức tuyên truyền tại các khu nhà dân cao tầng xung quanh khu vực trình diễn pháo hoa để thuyết phục các hộ gia đình cho thuê địa điểm ngắm pháo hoa với mức giá phù hợp để khách sẽ quay lại lần sau, không nên “chặt chém” dù nhiều du khách sẵn sàng bỏ tiền triệu để có một điểm view” – ông Xuân Bình cho biết.

Sở VHTTDL khẳng định hiện Thanh tra Sở đang tích cực các hoạt động kiểm tra các cơ sở lưu trú trên địa bàn và xử lý nặng hành vi đầu cơ, “găm” phòng, mua bán phòng với giá gấp nhiều lần giá niêm yết.

Thành phố Đà Nẵng cũng đang kiểm tra giá bán thật mà các khách sạn trong thành phố bán cho du khách và các công ty du lịch. Các cơ sở vi phạm sẽ bị phạt, bị công bố công khai tên trên các phương tiện thông tin đại chúng và thậm chí có thể bị rút phép hoạt động. Hiện thành phố đang hợp tác với các công ty du lịch để có thông tin xác thực nhằm xử lý mạnh tay các trường hợp cố ý vi phạm.

Bên cạnh đó Đà Nẵng cũng khuyến khích du khách và người dân phản ánh tới cơ quan chức năng về giá cả dịch vụ trong thời gian diễn ra DIFC 2012 qua đường dây nóng.

Phòng lữ hành Sở VHTTDL Đà Nẵng cho hay: mức khách dự kiến Đà Nẵng sẽ đón trong dịp DIFC 2012 vào khoảng 300.000 lượt người. 

 Khánh Hải



 



NỔI BẬT TRANG CHỦ