• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đa phần trẻ em cảm nhận tiêu cực về phân biệt đối xử

Giáo dục 08/11/2018 07:02

(Tổ Quốc) - Đó là một thực tế được nêu ra tại buổi đối thoại chính sách về "Bảo đảm quyền được bảo vệ của trẻ em khỏi các hình thức phân biệt đối xử" do Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH), Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững đã phối hợp tổ chức chiều ngày 07/11.

Buổi đối thoại chính sách đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các đại diện đến từ Cục Trẻ em, Tổng đài Quốc gia bảo vệ Trẻ em 111, Vụ Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, Vụ Tư pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam và đặc biệt là sự có mặt của các em học sinh, sinh viên- những đối tượng chịu ảnh hưởng nhất từ sự phân biệt đối xử.

Với mục đích nâng cao nhận thức cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo, cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ emtrẻ em… về quyền được bảo vệ khỏi các hình thức phân biệt đối xử của trẻ em, cuộc đối thoại còn hướng tới việc đề xuất và trao đổi về các sáng kiến, giải pháp xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và thúc đẩy việc thực thi hiệu quả các chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền trẻ em. Đây cũng là cơ hội để trẻ em, các tổ chức xã hội và các cơ quan thông tin đại chúng đối phát huy vai trò truyền thông và giáo dục cộng đồng trong việc thúc đẩy và giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về quyền trẻ em.

Đa phần trẻ em cảm nhận tiêu cực về phân biệt đối xử - Ảnh 1.

Phân biệt đối xử thường xảy ra ở các môi trường: gia đình, nhà trường và ngoài xã hội

Theo bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc MSD, "Nghiên cứu về nhận thức của trẻ em về sự phân biệt đối xử tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh" chỉ ra rằng "Môi trường thiếu tin cậy, chia sẻ và hỗ trợ trẻ ở cả trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội theo mô tả của trẻ chính là những yếu tố tác động tiêu cực đến tình hình phân biệt đối xử với trẻ. Đó cũng là lý do mà trẻ hầu hết lựa chọn việc im lặng, không làm gì cả khi bị phân biệt đối xử".

Trên thực tế, cha mẹ, thầy cô, cộng đồng vẫn thường vô tình thực hiện các hành vi phân biệt đối xử trẻ, đặc biệt là về giới tính, tình trạng khuyết tật, năng lực, hoàn cảnh gia đình… họ thường so sánh trẻ này với trẻ khác với mong muốn trẻ sẽ noi theo những tấm gương đó, hoặc vì tự ái, mà cố gắng hoàn thiện bản thân cho "bằng bạn bằng bè", "bằng chị bằng em" mà không biết rằng đó cũng là một hành vi phân biệt đối xử về đặc điểm cá nhân hoặc năng lực trẻ. Việc này không mang lại hiệu quả về mặt giáo dục và khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương, tạo ra tâm lý bực tức, giận dỗi, thậm chí là thù ghét cả người so sánh mình lẫn người được lấy ra làm hình mẫu để so sánh với mình. Đấy là chưa kể đến việc phân biệt về hoàn cảnh gia đình diễn ra khá phổ biến ở trường học và trong xã hội.

Đa phần trẻ em cảm nhận tiêu cực về phân biệt đối xử - Ảnh 2.

Tham gia trao đổi tại buổi đối thoại có đại diện nhiều cơ quan chức năng và các cá nhân quan tâm cũng đặt nhiều câu hỏi với chủ đề trao đổi

Việt Nam đã xây dựng một khung pháp lý hoàn thiện và toàn diện để thực thi các quyền của trẻ em, trong đó có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức và bằng các văn bản luật.

Chia sẻ những chính sách, pháp luật bảo đảm quyền được bảo vệ của trẻ em khỏi các hình thức phân biệt đối xử, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết: Quyền được bảo vệ của trẻ em khỏi các hình thức phân biệt đối xử đã được ghi nhận trong Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em. Điều 16, Điều 26 và Điều 37, Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng cho thấy rõ rằng bình đẳng và không phân biệt đối xử là một trong những nguyên tắc cơ bản, quan trọng của pháp luật Việt Nam. Luật Trẻ em năm 2016 (Khoản 8, Điều 6) nghiêm cấm hành vi "Kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em"… Cục Trẻ em rất mong muốn được phối hợp với các cơ quan nhà nước, nhà trường, các tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông để truyền thông, giáo dục cộng đồng tốt hơn nữa trong việc thực hiện và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức phân biệt đối xử.

Tiến hành nghiên cứu đối với một nhóm các trẻ em sinh năm từ 2000-2004 tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, cho thấy, phân biệt đối xử mang lại cảm xúc và hành vi tiêu cực không mong muốn, không có lợi cho sự phát triển của trẻ, và đa số trẻ thường phản ứng lại là không nói chuyện với ai, im lặng, thu mình và tự tách mình ra khỏi tập thể và nếu có tâm sự thì sẽ tìm đến bạn bè để chia sẻ. Một số trẻ em thì cho rằng phân biệt đối xử là sự thiên vị, đối xử không công bằng và không giống nhau giữa người này với người kia. Sự phân biệt đối xử thường xuất hiện nhiều nhất ở trong gia đình và trường học của các em với những mối quan hệ giữa cha, mẹ với con cái, giữa anh chị em trong gia đình, thầy cô giáo với học sinh, giữa các học sinh với nhau… mà nguyên nhân là do sự khác biệt về đặc điểm cá nhân như điều kiện kinh tế của gia đình, sức khỏe, xuất thân, giới tính, năng lực học tập…

Trên cơ sở nghiên cứu này, một trong những khuyến nghị được đưa ra với những người nghiên cứu, lập chính sách, những nhà làm luật, những người hoạt động xã hội và nhà nghiên cứu cần phải sử dụng góc nhìn, nhận thức, ngôn ngữ và mối quan tâm của trẻ đối với những vấn đề có liên quan tới trẻ, từ đó đề ra những giải pháp phù hợp với trẻ nhằm giải quyết tận gốc những vấn đề của trẻ.

Quỳnh Nga

NỔI BẬT TRANG CHỦ