• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: "Chúng ta không nên đưa những người của cơ quan khác vào HĐND"

Thời sự 10/06/2019 14:40

(Tổ Quốc) - "Đã là người đứng đầu cơ quan hành pháp mà thống nhất quản lý để thông suốt thì quyền lực của Thủ tướng phải tăng. Ví như khi Thủ tướng chỉ đạo mà "anh" không thực hiện thì Thủ tướng phải kỷ luật "anh" chứ không thể lấy lý do là người do cấp uỷ quản lý", Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nói.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Chúng ta không nên đưa những người của cơ quan khác vào HĐND  - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Ảnh: Hà Giang

Sáng 10/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc về nội dung này:

-Thưa ông, tại buổi thảo luận sáng nay, một số ý kiến cho rằng, không nên bớt một vị trí chỉ vì muốn giảm được bao nhiêu tiền ngân sách. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình?

+ Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Tôi không đồng tình với cách cơ học là giảm người để giảm tiền. Vấn đề chúng ta đang đặt ra là biên chế làm sao để không được phình thêm bộ máy, thêm biên chế "ăn hại". Chúng ta chống câu chuyện "ăn không ngồi rồi" chứ không bác bỏ, không loại những chức vụ, vị trí mà người ta phải thực sự làm việc, người ta đang phải vì dân. Và ở vị trí đó mới có thể lo được cho dân.

Việc tăng hay giảm một số cấp phó phải phụ thuộc vào điều kiện của công việc, vị trí việc làm, chức vụ họ đảm nhiệm. Nếu thấy rằng việc phải có cấp phó thì dứt khoát phải có cấp phó. Ví như một đơn vị quản lý đơn giản, chức năng nhiệm vụ quản lý không phức tạp thì phải giảm. Nhưng với đơn vị mà địa bàn phức tạp, đi lại khó khăn như miền núi thì đừng tính con số của họ. Bởi có khi cấp phó không đi xuống tận địa bàn dân cư được thì phải có cấp phó đi thay để triển khai các vấn đề...

Như vậy, việc tăng 5000 biên chế cấp xã không phải là lớn nhưng ở cấp huyện, chúng ta có thể giảm đi 1 cấp phó cũng được. Theo quan điểm của tôi, cấp xã là cấp khớp nối giữa cấp nhỏ nhất và cấp tỉnh và cấp tỉnh là cấp khớp nối giữa Trung ương và hệ thống địa phương...Chúng ta có thể giảm cấp huyện nhưng phải đủ cho cấp xã đủ sức hoạt động.

Ngoài ra, tôi thấy có trường hợp này chúng ta cần thiết phải xem xét. Đó là các giám đốc sở, chủ tịch UBND có tham gia vào đại biểu HĐND không? Chánh án, Viện trưởng Viện Kiểm sát có tham gia vào không?

Tôi thấy không cần thiết. Cái này phải xem xét. Từ Hiến pháp đã quy định rồi. Chúng ta không nên đưa những người của cơ quan khác vào HĐND vì đây là cơ quan quyền lực. "Anh" mà ngồi vào thì hoá ra "anh vừa đá bóng, vừa thổi còi". Như vậy sẽ làm mất chất lượng vì sẽ xảy ra tình trạng lợi ích nhóm hơn là thực hiện chung lợi ích của đất nước, của nhân.

-Có ý kiến cho rằng, dự thảo mới của Luật vẫn chưa đề cập đến trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan các cấp của nhà nước. Quan điểm của ông về vấn đề này?

+ Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Tôi cho rằng đây chỉ là một vấn đề. Trong Luật Tổ chức Chính phủ, tôi đã có đề xuất từ kỳ họp thứ 5. Ý tưởng đợt này mới đưa vào một chút đó là tăng quyền cho Thủ tướng như đình chỉ chức vụ của Chủ tịch UBND nếu trong quá trình điều hành có vi phạm...

Tôi cho rằng, chuyện này không đơn giản. Đã là người đứng đầu cơ quan hành pháp mà thống nhất quản lý để thông suốt thì quyền lực của Thủ tướng phải tăng.

Tôi lấy ví dụ: Khi Thủ tướng Chỉ đạo mà "anh" không thực hiện thì Thủ tướng phải kỷ luật "anh" chứ!. Thủ tướng phải chịu trách nhiệm trước Ban Bí thư, Bộ Chính trị về vấn đề xử lý cán bộ của mình, chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Hiến pháp.

-Quan điểm của ông về việc đề nghị sửa đổi luật cần quy định theo hướng cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác?

+ Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Việc "hạ cánh" rồi không có nghĩa là hết trách nhiệm, nhưng xử lý trách nhiệm như thế nào lại là một vấn đề. Bây giờ người ta "hạ cánh" rồi mà lại cách chức mà người ta đã mất, không còn giữ nữa thì không có giá trị. 

Nếu người đó vi phạm mà dẫn đến trách nhiệm về Đảng thì có thể khai trừ Đảng. Nếu vi phạm pháp luật đến nỗi phải xử lý về mặt hành chính, xử phạt hành chính bằng tiền...Hoặc phạm luật hình sự thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Như vậy, xử lý thế nào mới quan trọng và phải làm chặt chẽ vấn đề này.

-Xin cảm ơn ông!

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ