• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát tác động của việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Thời sự 23/11/2023 10:28

(Tổ Quốc) - Đại biểu Quốc hội cho rằng cần nghiên cứu đánh giá kỹ tác động và làm rõ các lợi ích chi phí khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với một số nhóm đối tượng; tránh phát sinh các phản ứng tiêu cực.

Sáng 23/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Rà soát các tác động việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho hay, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã mở rộng 5 đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đại biểu cho rằng, việc mở rộng này thể hiện định hướng từng bước mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, cũng cần đánh giá tác động đến các chi phí phát sinh, đồng thời cần có chế tài xử phạt nghiêm minh để tránh tình trạng chậm và trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Đại biểu phân tích, việc bổ sung các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thể hiện sự định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng sẽ làm phát sinh thêm chi phí của cả người lao động và người sử dụng lao động. Do đó cần nghiên cứu đánh giá kỹ tác động và làm rõ các lợi ích chi phí khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của các nhóm đối tượng này; tránh phát sinh các phản ứng tiêu cực.

Đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát các tác động việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc - Ảnh 1.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên

Bên cạnh đó, theo báo cáo đánh giá tác động chính sách trong sách trong dự án luật, có gần 2 triệu hộ đăng ký kinh doanh, khoảng 270.000 người hoạt động không chuyên trách ở thôn tổ dân phố, chưa kể ba nhóm đối tượng còn lại chưa có thống kê cụ thể. Thực tiễn vừa qua cho thấy, tình trạng trốn, nợ đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng dễ quản lý và dễ xử lý và xử lý hơn vẫn chưa được giải quyết triệt để. Do đó nếu mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như dự thảo luật cần phải có chế tài quy định kiểm soát và thực hiện nghiêm xử lý xử phạt nghiêm minh, để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định…

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng, bảo hiểm xã hội là chính sách rất nhân văn của Đảng, Nhà nước ta nhằm mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và quyền lợi cho người lao động…

Để tiếp tục hoàn thiện nội dung dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Thanh Hương bày tỏ quan tâm đến đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đại biểu thống nhất với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng như Chính phủ đã đề xuất, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu, nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết 28.

Đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát các tác động việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

"Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là nhiều người trong số nhóm đối tượng dự kiến được mở rộng như nhóm người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, nhóm người làm việc không trọn thời gian, nhóm người quản lý, điều hành hợp tác xã đều là những người có thu nhập thấp. Chính vì vậy, đề nghị cần tiếp tục rà soát và đánh giá kỹ hơn các tác động của các chính sách liên quan về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội một lần, xác định rõ chủ thể sử dụng lao động và việc bảo đảm kinh phí để đóng bảo hiểm xã hội… để qua đó các chính sách thực sự khả thi và thuận tiện cho quá trình tổ chức triển khai thực hiện.", đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương nêu ý kiến.

Bổ sung thêm quy định về nguyên tắc công khai, minh bạch Quỹ BHXH

Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng, về khoản 4 Điều 6 dự thảo Luật quy định về nguyên tắc Quỹ BHXH, dự thảo chưa quy định rõ cơ chế để Quỹ được công khai, minh bạch và trách nhiệm của cơ quan BHXH trong khi Luật hiện hành Quỹ BHXH chủ yếu từ nguồn thu nộp của người sử dụng lao động và người lao động. Hai đối tượng này nắm bắt rất ít thông tin về nguồn Quỹ. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định về nguyên tắc công khai, minh bạch Quỹ BHXH ngay trong luật này.

Về căn cứ đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện quy định tại Điều 30, địa biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị Ban soạn thảo bổ sung hệ số chênh lệch bảo lưu làm căn cứ đóng BHXH để đảm bảo quyền lợi cho người lao động sau này. Vì hiện nay có những trường hợp đang công tác trong ngành lực lượng vũ trang và một số nghề nghiệp khác sau khi nghỉ hưu chuyển sang ngành dân sự, nếu không có quy định cụ thể thì trong luật sẽ không có hệ số chênh lệch để bảo lưu, ảnh hưởng đến quyền lợi các trường hợp này.

Đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát các tác động việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Liên quan đến vấn đề dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau quy định tại Điều 43 của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị dự thảo không nên quy định cụm từ "tối đa" mà theo đó quy định số lượng ngày nghỉ cụ thể là 10 ngày, 7 ngày hoặc 5 ngày, đồng thời cũng nên bỏ quy định: "người sử dụng lao động, Ban chấp hành công đoàn cơ sở có thẩm quyền quyết định số ngày nghỉ dưỡng". Tương tự vấn đề này, đại biểu cho rằng, cũng nên áp dụng luôn cho đối với lao động nữ khi nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản.

Về BHXH một lần quy định tại Điều 70, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị Ban soạn thảo chọn phương án 2 được quy định trong dự thảo Luật này. Tuy nhiên, sau khi Luật Bảo hiểm và xã hội sửa đổi có hiệu lực, đề nghị Chính phủ cần có các nhóm giải pháp đồng bộ để hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt, đồng thời có lộ trình áp dụng phù hợp để thực hiện phương án BHXH một lần.

Xuân Trường - Thê Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ