• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội đề xuất người bệnh được bồi thường nếu xảy ra sai sót về chuyên môn

Thời sự 13/06/2022 10:30

(Tổ Quốc) - Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 3, sáng nay (ngày 13/6), Quốc hội đã tiến hành thảo luận hội trường về Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi).

Bác sĩ chuyên môn cao ngày càng nhiều không hẳn tỷ lệ thuận với y đức được nâng lên

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) cho rằng, vấn đề y đức trong thời gian qua chỉ được điều chỉnh thông qua quy định riêng của Bộ Y tế. Đây là vấn đề hết sức quan trọng cần phải dành riêng một chương trong dự thảo luật lần này.

Đại biểu Quốc hội: Còn không ít y, bác sĩ ngày càng rời xa tôn chỉ "lương y như từ mẫu" - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình). Ảnh: Quốc hội.

Theo đại biểu Trần Quang Minh, y học nước nhà ngày càng tiến bộ, đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao ngày càng nhiều, tuy nhiên không hẳn là tỷ lệ thuận với y đức được nâng lên. Bên cạnh một bộ phận cán bộ y tế, tận tâm với nghề, thể hiện tinh thần hy sinh, gắn bó, ứng xử hài hòa tận tình chăm sóc người bệnh, nhất là xông pha trong tuyến đầu chống dịch như thời gian vừa qua, thì cũng còn không ít y, bác sĩ ngày càng rời xa mục đích cao cả và tôn chỉ như lời Bác Hồ dạy lương y như từ mẫu…

Vì vậy, vị đại biểu này cho rằng, bên cạnh quy định quyền được học tập nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn, thì dự thảo luật cũng cần bổ sung quyền được học tập, trau dồi, rèn luyện về y đức. Đại biểu này cho biết, 12 nội dung, tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế phải được xem xét để đưa vào dự thảo luật lần này, kèm với đó là một số nội dung cơ bản về quy tắc ứng xử.

Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Văn Cường (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, nội dung về đánh giá năng lực người hành nghề là một trong những điểm mới nhất của dự thảo luật lần này. Đây là "kỳ sát hạch" không có tính cạnh tranh nhưng cần đảm bảo chất lượng, tránh hình thức, tránh quá tải cho Hội đồng Y khoa quốc gia và các cơ sở y tế.

Đại biểu này đề nghị, lộ trình đánh giá năng lực người hành nghề trước năm 2035 chỉ nên tập trung vào 3 chức danh gồm bác sĩ, điều dưỡng và hộ sinh, vì ba chức danh này chiếm khoảng 80% tổng số nhân lực trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và đáp ứng hầu hết nhu cầu khám, chữa bệnh cơ bản của người dân. Bên cạnh đó, cần quy định rõ Hội đồng y khoa quốc gia có trách nhiệm xây dựng chương trình ngân hàng câu hỏi liên quan đến cập nhật kiến thức y khoa. Các tài liệu này được cập nhật, công bố công khai và truy cập miễn phí.

Bổ sung các cơ chế kiểm soát nhằm chống lợi ích nhóm

Cho ý kiến vào Điều 90 của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng dự án luật chưa tiếp thu đầy đủ ý kiến Kết luận ngày 25/4/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Kết luận nêu rõ là phải nghiên cứu để quy định cụ thể vấn đề xã hội hóa trong lĩnh vực khám, chữa bệnh ngay vào trong dự án luật này.

Đại biểu Quốc hội: Còn không ít y, bác sĩ ngày càng rời xa tôn chỉ "lương y như từ mẫu" - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn). Ảnh: Quốc hội.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, nguồn lực trong xã hội còn rất lớn. Do đó, nếu như Quốc hội, Chính phủ ban hành những quy định thật cụ thể, đầy đủ, rõ ràng về xã hội hóa; liên doanh, liên kết sẽ giúp cho các bệnh viện có hệ thống trang thiết bị hiện đại và sẽ mang lại lợi ích cho bệnh nhân và mang lại lợi ích cho nền Y tế nước nhà.

Vị đại biểu này đưa ra 3 kiến nghị đó là: Cần quy định cụ thể vào trong dự án Luật này những nguyên tắc, yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; Bổ sung các cơ chế kiểm soát nhằm chống sự biến tướng, lợi ích nhóm; Bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hóa, liên doanh, liên kết ở những địa phương, những vùng mà điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn.

Cùng góp ý về vấn đề này, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho rằng, các điều khoản cụ thể của dự thảo luật lần này chưa thể chế được đầy đủ chủ trương xã hội hóa dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Cụ thể, Điều 90 dự thảo luật quy định về xã hội hóa còn chung chung, chưa bảo đảm sự bình đẳng giữa cơ sở ngoài công lập và công lập, chưa cụ thể chính sách khuyến khích sự tham gia của khu vực ngoài công lập, chưa có phân tách vùng thuận lợi, vùng khó khăn để khuyến khích đầu tư vào vùng khó khăn. Theo đó, đề nghị ban soạn thảo cần rà soát lại quy định này nhằm bảo đảm đồng bộ, minh bạch.

Đề xuất người bệnh được bồi thường nếu xảy ra sai sót về chuyên môn

Đề cập đến vấn đề quyền và nghĩa vụ của người bệnh, đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) đề nghị bổ sung thêm một quyền của người bệnh đó là quyền được bồi thường thiệt hại nếu xảy ra sai sót về chuyên môn.

Đại biểu Quốc hội: Còn không ít y, bác sĩ ngày càng rời xa tôn chỉ "lương y như từ mẫu" - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn). Ảnh: Quốc hội.

"Việc này cần được luật hóa để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ sở y tế và người hành nghề. Đồng thời đảm bảo được đầy đủ quyền của người bệnh", đại biểu đoàn Bắc Kạn nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến quyền lợi của người bệnh, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) dẫn bài viết được một tờ báo đăng tải ngày 3/6 cho biết trong một đơn thuốc kê tại một bệnh viện ở Hà Nội, bệnh nhân đã phải chi 4,8 triệu đồng cho thực phẩm chức năng, trong khi chỉ phải chi 400 nghìn đồng thuốc điều trị. Bài báo này cũng đưa tin đơn thuốc tại bệnh viện này thường xuyên đắt đỏ như vậy nên nhiều bệnh nhân phải bỏ viện ra về.

Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, một trong những lý do cơ bản dẫn đến tình trạng này là do chúng ta chưa nhìn nhận đầy đủ về mối quan hệ pháp lý giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Trong mối quan hệ này, người bệnh luôn ở vào thế yếu, phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và đạo đức của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Đại biểu Quốc hội: Còn không ít y, bác sĩ ngày càng rời xa tôn chỉ "lương y như từ mẫu" - Ảnh 4.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An). Ảnh: Quốc hội.

Do vậy, đại biểu kiến nghị dự thảo luật cần bổ sung các quy định về trách nhiệm của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh dưới 3 góc độ. Một là trách nhiệm trong việc khám chữa bệnh; Hai là trách nhiệm bảo mật thông tin người bệnh; Ba là về trách nhiệm tránh xung đột lợi ích.

Trước hết, về trách nhiệm trong việc khám chữa bệnh, cần quy định người hành nghề bắt buộc phải thông tin cho bệnh nhân về những ưu, nhược điểm, rủi ro, tác dụng phụ…của phương pháp chữa bệnh, giải thích về những phương pháp chữa bệnh khác nếu có.

Thứ hai, về trách nhiệm bảo mật thông tin người bệnh, cần quy định rõ thẩm quyền truy cập và sử dụng thông tin của hệ thống này để đảm bảo thông tin bảo mật cá nhân của người bệnh.

Thứ ba, về trách nhiệm tránh xung đột lợi ích, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng vẫn chưa được dự thảo quan tâm đúng mức để giúp hạn chế những đơn thuốc đắt đỏ như đã nêu ở trên.

"Theo pháp luật nhiều nước, người hành nghề khám, chữa bệnh phải công khai những mối quan hệ lợi ích của mình với các tổ chức cá nhân có liên quan đến công tác khám, chữa bệnh như công ty dược phẩm; đơn vị thực hiện các dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán; các cơ sở nghiên cứu y học…Qua đó, họ được giám sát trong quá trình hành nghề" - vị đại biểu này nêu dẫn chứng.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu một lần nữa đề nghị ban soạn thảo cần tiếp tục đầu tư để hoàn thiện các nội dung của dự án luật, đặc biệt là các quyền và lợi ích của người bệnh, làm rõ hơn bóng dáng của người bệnh trong dự thảo luật./.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ