(Tổ Quốc) - Trong phiên thảo luận về dự toán phân bổ ngân sách nhà nước diễn ra ngày 29/10 tại hội trường Quốc hội, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đưa ra những so sánh về chi tiêu công hiện nay.
Những vấn đề mà các ĐBQH nêu ra khiến cho chúng ta không khỏi suy ngẫm.
Chi sự kiện, xây dựng trụ sở nhiều hơn thực hiện các chính sách dân sinh
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Mai Hoa - Đồng Tháp đặt ra vấn đề, tại sao những bất cập trong chi tiêu công đặt ra từ nhiều năm nay nhưng chậm được khắc phục và vẫn đang duy trì ở mức cao, gây ra thâm hụt ngân sách?
Cho rằng chúng ta đã sử dụng ngân sách một cách lãng phí do tư duy coi ngân sách là tiền "chùa", ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa cho hay, lãng phí do chi sai mục đích, chi để phục vụ bệnh thành tích hoặc bệnh hình thức chẳng hạn như tổ chức rất nhiều sự kiện, những lễ kỉ niệm, những lễ đón nhận danh hiệu một cách hoành tráng, rầm rộ, các hoạt động thăm hỏi thì rình rang và xây dựng các trụ sở nhiều hơn là thực hiện các chính sách dân sinh.
"Cách đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách hiện nay chúng tôi thấy đang có vấn đề. Lẽ ra hiệu quả đầu tư phải được đánh giá qua sản phẩm thu được từ tiền ngân sách như thế nào"- ĐB Hoa cho biết và dẫn chứng: một cuộc hội thảo được tổ chức hiện nay đang được đánh giá hiệu quả thông qua việc quy mô, số lượng đại biểu và thành phần tham dự như thế nào, kinh phí hội trường, kinh phí hỗ trợ cho việc đi lại, ăn nghỉ lớn. Trong khi theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa cần phải đánh giá thông qua sản phẩm được nghiệm thu của hội thảo đó như những bài tham luận có giá trị, là những kiến nghị, đề xuất quan trọng thông qua hội thảo.
Các ĐBQH đã thảo luận về đầu tư công và chi ngân sách nhà nước. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn
"Tôi đề nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết chống lãng phí và xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương trong quản lý ngân sách và đẩy nhanh tiến độ giao tự chủ gắn trách nhiệm giải trình, khoán chi gắn với cơ chế thanh tra, giám sát chặt chẽ"- ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa nói.
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành, đoàn Lạng Sơn cho hay, về chi chính sách, nhiều nội dung chi nhưng quy mô ngân sách hạn chế, ví dụ các nội dung chi cho lĩnh vực văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý năm 2018 chỉ có 4,2 tỷ đồng. Các nội dung liên quan đến giảm thiểu hôn nhân cận huyết, bình đẳng giới cũng rất quan trọng nhưng ngân sách cũng chỉ quy định khoảng 10 tỷ đồng…
Chi duy tu bảo trì kinh thành Huế trong 25 năm chỉ bằng 1 km đường sắt trên cao
Cùng quan điểm với ĐB Nguyễn Lâm Thành, lần này phát biểu tại hội trường Quốc hội một lần nữa ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng đoàn Hà Nội đã nêu lên hiện trạng về bảo trì kinh thành Huế.
Theo ĐB Nguyễn Quốc Hưng, ước tính kinh phí di dời hơn 4.200 hộ dân tại Huế sẽ cần khoảng 1.800 tỷ đồng từ năm 2019 đến 2022. Nếu không làm gấp áp lực sẽ càng lớn khi dân số tại đây ngày một tăng nhanh, dự kiến sẽ tăng lên 5.000-6.000 hộ trong vài năm tới.
Trong khi đó, mức độ đầu tư du tu bảo trì cho khu di tích rất hạn chế.
Một thống kê cho hay, trong 25 năm qua nguồn đầu tư cho bảo tồn mới chỉ đạt khoảng 1.600 tỷ, gồm 40% là ngân sách và 60% còn lại là kinh phí địa phương và nguồn hỗ trợ khác.
Có cử tri cho biết khoản đầu tư duy tu bảo trì di tích lịch sử này trong suốt 25 năm qua chỉ bằng 1 km đường sắt trên cao và chưa tới 1,5 km đường ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.
ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng
Thực tế, đầu tư cho công tác bảo tồn di tích du lịch mang lại hiểu quả rất lớn khi di tích kinh thành Huế đang mang lại cho tỉnh nhiều hiệu quả kinh tế.
Từ năm 1993, mới chỉ có khoảng 243.000 khách du lịch tới Huế thì con số này đã tăng lên hơn 3 triệu vào năm 2017, trong đó 1,8 triệu là khách quốc tế, riêng doanh thu từ vé thăm quan đã đạt trên 320 tỷ đồng năm 2017 và dự kiến sẽ đạt 370 tỷ vào năm 2018./.