• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội Phạm Quang Thanh: Mục tiêu mà Nghị quyết 08 đặt ra là khả thi

Du lịch 03/03/2017 08:19

(Tổ Quốc)- Đại biểu Quốc hội Phạm Quang Thanh – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội nhận định, nếu thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp và không có những rủi ro khách quan tác động như thiên tai, dịch bệnh… thì việc ngành Du lịch đạt các mục tiêu mà Nghị quyết 08 đề ra là khả thi.

Du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử

-Ngày 16/1, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Là đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Du lịch, ông kỳ vọng Nghị quyết này sẽ đem đến những thay đổi như thế nào đối với ngành du lịch?

Nghị quyết số 08-NQ/TW do Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là một Nghị quyết có ý nghĩa lịch sử đối với sự nghiệp phát triển du lịch, chứng minh tầm quan trọng của ngành du lịch trong khả năng đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Nghị quyết thể hiện quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất của Đảng ta nhằm phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Đại biểu Quốc hội Phạm Quang Thanh

Nghị quyết đã đặt ra những mục tiêu cụ thể cho ngành Du lịch cho từng giai đoạn; chỉ ra những tiềm năng, thế mạnh và cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế yếu kém cần khắc phục của ngành du lịch; từ đó đề ra 8 nhóm giải pháp cốt lõi, đồng bộ, tạo sự thống nhất trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển du lịch.

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp này sẽ giúp cho ngành du lịch Việt Nam phát triển toàn diện từ tư duy nhận thức, thể chế chính sách, hạ tầng và cơ sở vật chất, xúc tiến quảng bá, nhân lực…, thực sự thu hút du khách trong và ngoài nước. Với những giải pháp cụ thể và thiết thực, ngay sau khi Nghị quyết số 08-NQ/TW công bố đã tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội và được cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch  đón nhận tích cực. Có thể nói, ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử để có những bước phát triển đột phá, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của mình.

- Nghị quyết 08 đề ra 8 giải pháp để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ông quan tâm đến giải pháp nào nhất và thiết thực nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp du lịch?

8 nhóm giải pháp được nêu trong Nghị quyết 08-NQ/TW là những giải pháp cốt lõi và đồng bộ để giúp ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.Tuy nhiên có lẽ giải pháp căn bản nhất chính là “Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch”. Đây cũng chính là nội dung được nhấn mạnh, đặt lên đầu tiên trong Nghị quyết số 92/NQ-CP năm 2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.

Để du lịch phát triển mạnh mẽ thì phải huy động được tối đa các nguồn lực của xã hội. Muốn như vậy thì từ các cấp chính quyền cho đến người dân, doanh nghiệp phải thực sự có nhận thức đúng đắn về phát triển du lịch, thực sự nhìn nhận du lịch là cơ hội, thế mạnh của nước ta, từ đó mới có ý thức tập trung đầu tư cho du lịch, đồng thời xây dựng, bảo vệ hình ảnh, môi trường, uy tín, thương hiệu của du lịch Việt Nam. Du lịch là “cảm xúc”, để chạm đến trái tim của du khách không chỉ là cảnh quan thiên nhiên đẹp, nền văn hóa đặc sắc, dịch vụ hoàn hảo mà còn là an ninh an toàn, sự thân thiện, mến khách của người dân địa phương.

Còn riêng đối với cộng đồng doanh nghiệp du lịch thì rất cần các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư; một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, thuận lợi; các doanh nghiệp được hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, đổi mới, sáng tạo; các hành vi cạnh tranh không lành mạnh được phát hiện sớm và xử lý nghiêm.

"Nếu thực hiện quyết liệt, đồng bộ, các mục tiêu là khả thi"

- Theo Nghị quyết này, mục tiêu đề ra đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD. Năm 2030, ngành Du lịch  thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Vậy theo ông, mục tiêu này có nằm trong tầm tay của du lịch Việt Nam? Trong bối cảnh hiện nay, ngành Du lịch cần phải giải quyết những vấn đề gì trước mắt để từng bước hiện thực hóa những mục tiêu mà Nghị quyết 08 đặt ra?

Chủ quan đánh giá, nếu chúng ta thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp Nghị quyết đưa ra và trong điều kiện không có những rủi ro khách quan tác động như thiên tai, dịch bệnh… thì việc đạt các mục tiêu trên là khả thi.

Theo tôi, trước mắt cần tập trung vào các giải pháp có tác động nhanh, tức thời sau: Thứ nhất, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Cụ thể: Tăng ngân sách cho quảng bá, xúc tiến du lịch. Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các điểm đến trong khu vực và thế giới, chúng ta không thể trong chờ vào “hữu xạ tự nhiên hương” mà Việt Nam cần phải quảng bá mạnh mẽ để hình ảnh đất nước ngày càng được rộng rãi du khách biết tới. Chúng ta cũng cần nhận thức rằng, chi cho quảng bá, xúc tiến là khoản đầu tư cho du lịch và ngân sách nhà nước sẽ thu hồi lại được nếu chúng ta thực hiện có hiệu quả thông qua lượng du khách ngày càng tăng.

Trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, cần phải tập trung, tránh dàn trải trên cơ sở xác định rõ các kênh quảng bá phù hợp, các đối tượng du khách phù hợp và nội dung quảng bá cũng phải được đầu tư kỹ lưỡng, có điểm nhấn, chạm được vào cảm xúc của du khách quốc tế.

Ngoài ra, cần thành lập các văn phòng xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm để thuận lợi tiếp cận với du khách, đưa thông tin về Việt Nam nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng đến du khách quốc tế tại các thị trường đó.

Bên cạnh đó, chúng ta cần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch thông qua việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng cơ sở vật chất phục vụ du lịch như các cơ sở lưu trú, các điểm du lịch, phương tiện vận chuyển, cơ sở hạ tầng, phát triển các điểm mua sắm, cũng như các chính sách nhằm bảo đảm an ninh toàn cho du khách, tạo sự thoải mái tiện nghi cho khách.

- Theo ông, cần phải làm gì để đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, từng bước đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?

Chúng ta cần có biện pháp tuyên truyền, phổ biến mạnh mẽ, rộng khắp về chủ trương, nội dung của Nghị quyết để quán triệt và thực hiện. Ngoài ra, cần sớm thể chế hóa các chủ trương thành các chính sách và giải pháp đồng bộ, nhất quán. Để làm được điều đó, mỗi bộ, ngành, địa phương, mỗi doanh nghiệp, cá nhân phải thực sự nghiêm túc thực hiện phần việc của mình trong từng nhóm giải pháp được nêu trong Nghị quyết, hiện thực hóa bằng các chương trình, kế hoạch thực hiện và định kỳ đánh giá, rút kinh nghiệm để điều chỉnh các chương trình kể hoạch để đảm bảo tính khả thi./.

-Xin cảm ơn ông!

 Bà Đinh Nguyệt Ánh – Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietrantour: Kỳ vọng Nghị quyết đem lại diện mạo mới cho ngành du lịch                                                                                                                                       

Dưới góc độ doanh nghiệp, Vietrantour kỳ vọng khi Nghị quyết được triển khai toàn diện, triệt để sẽ mang lại diện mạo mới cho ngành du lịch. Chúng tôi quan tâm đến 3 giải pháp chính liên quan trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh du lịch, gồm: Thứ nhất, liên quan đến giải pháp “Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch”, Vietrantour cho rằng các cấp, các ngành từ TW đến địa phương phải thay đổi nhận thức đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thể hiện bằng sự tăng trưởng GDP từ nguồn thu du lịch.                                                                                      

Đối với trung ương, đề xuất các cơ quan quản lý rà soát một cách hệ thống toàn bộ các văn bản, chính sách đang là rào cản phát triển du lịch, đơn giản hóa mọi thủ tục cấp phép, tiến tới quá trình cấp phép điện tử. Cho phép phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau như: Caravan, thủy phi cơ, trực thăng,...                                                                                          

Đối với địa phương: Nghiên cứu tìm tòi tính khả thi của các kế hoạch phát triển kinh tế thông qua du lịch. Khảo sát, tìm tòi ra các nơi có tiềm năng khai thác, kêu gọi đầu tư với các chính sách phù hợp, học tập các mô hình phát triển du lịch thành công giữa nhà nước và doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp đầu tư dự án du lịch lớn: Tư duy và định hướng kinh doanh du lịch với bảo vệ môi trường thiên nhiên một cách tối đa nhất.                                                                                                             

Đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch: Cần đổi mới nhận thức và tư duy du lịch là chỉ đón khách 1 lần, bằng cách phục vụ để khách quay trở lại nhiều hơn một.                                                                                          

Thứ hai, liên quan đến giải pháp “Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch”, Vietrantour cho rằng cần phải đồng bộ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn và giảm tối đa thời gian vận chuyển. Ví dụ như điểm đến Hạ Long nổi tiếng đến nay vẫn chưa có đường cao tốc chạy thẳng từ Hà Nội đến Hạ Long.

                                                                                                            

Tăng cao số buồng khách sạn, đủ cả số lượng và chất lượng phục vụ khách. Điểm du lịch thu hút đông du khách mấy năm trở lại đây như Ninh Bình thiếu cơ sở lưu trú trầm trọng, chỉ có 2 khách sạn 4 sao với số lượng phòng ít, hệ thống khách sạn 3 sao ít, lại không đạt chất lượng…Đồng bộ hệ thống biển báo du lịch, dễ nhìn, dễ tìm để khách dễ dàng lựa chọn và tham quan. Ví dụ đơn giản như ở Úc toàn bộ các biển báo màu nâu, có ký tự và mã tự, treo vào vị trí dễ nhìn thấy và nhận biết.                                                                                                             

Thứ ba, liên quan đến giải pháp “Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch”: Quảng bá du lịch không chỉ cần có nguồn kinh phí mà còn cần cả phương pháp khả thi nhất phù hợp với điều kiện ngân sách. Xúc tiến quảng bá du lịch chính là hoạt động giới thiệu tiềm năng của mỗi loại hình du lịch, cần nhấn mạnh chúng ta có gì để thu hút khách tới, ví dụ: quảng bá tới khách Trung quốc thì phải đưa ra sản phẩm du lịch nghỉ biển, vui chơi quanh đó. Không nên mang cả ẩm thực, và cả văn hóa lịch sử để quảng bá.

Lâm Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ