• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại tướng Tô Lâm: Sau dịch COVID-19 tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng đột biến

Thời sự 02/07/2020 20:02

(Tổ Quốc) - Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm đã kiến nghị Chính phủ cần tập trung vào đấu tranh chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã tăng mạnh sau dịch.

Chiều 2/7, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã thông tin khái quát về tình hình an ninh trật tự trong 6 tháng vừa qua.

Theo đó, về tình hình an ninh trật tự trong 6 tháng đầu năm 2020 an ninh chính trị, an ninh quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia được bảo đảm; an ninh quốc gia ở biên giới, vùng sâu, vùng xa đều được bảo đảm tốt; các thành phố lớn, vùng chiến lược, các vùng kinh tế trọng điểm được duy trì tốt.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, một trong những nguyên nhân là do đã hoàn thành việc triển khai 100% Công an chính quy xuống xã, tổng số 8.592 xã đều đã hoàn thành.

Vừa qua, hơn 90% đại hội cấp xã đã hoàn thành thì các Trưởng Công an xã đều được cấp ủy địa phương và nhân dân tín nhiệm.

"Việc triển khai Công an xuống xã có chuyển biến rất tốt về công tác bảo đảm ANTT. Chẳng hạn, dịch COVID-19 nếu không có Công an xã rất khó khăn, từ việc cách ly, phát hiện người nhiễm, đưa vào triển khai các chính sách lực lượng này đều làm tốt", Bộ trưởng đánh giá.

Về đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, 6 tháng đầu năm 2020, theo Bộ trưởng Tô Lâm, Bộ Công an đã giảm 8,4% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ năm 2019.

"Trong khi chỉ tiêu đăng ký là giảm 5-7%. Đây là con số rất đáng biểu dương", Đại tướng Tô Lâm nêu.

Người đứng đầu ngành Công an cũng thông tin, tổng số vụ phạm pháp hình sự bị xử lý là 58.836 vụ, trung bình 1 ngày lực lượng Công an toàn quốc xử lý khoảng 325 vụ phạm pháp hình sự, tức là trung bình mỗi tỉnh chỉ xử lý khoảng 5 vụ/ngày.

"Hiện nay nhiều tỉnh, nhiều huyện cả ngày không có vụ án hình sự nào xảy ra. Dù đã là con số ấn tượng nhưng chúng tôi sẽ phấn đấu giảm số vụ phạm pháp hình sự hơn nữa.

Bởi ngày nào không có phạm pháp hình sự thì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân sẽ được bảo đảm", ông Lâm nêu.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị Chính phủ và cấp ủy chính quyền các cấp tiếp tục chỉ đạo, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp, khiếu kiện đông người, kéo dài.

Bởi, theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm xảy ra 1.519 vụ khiếu kiện, trong đó phát sinh mới 122 vụ, có trên 400 vụ khiếu kiện phức tạp, kéo dài.

Thời gian tới chúng ta sẽ triển khai Đại hội Đảng các cấp, kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng 8, Quốc khánh 2/9 thì những vấn đề về dân sinh, về ANTT ở cơ sở cần được tập trung làm cho ổn định, không để các đối tượng thù địch lợi dụng, chống phá.

Trong đấu tranh phòng chống tội phạm, Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị Chính phủ sẽ tập trung vào tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 21 về tăng cường phòng ngừa, xử lý các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau đợt dịch COVID-19 tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng đột biến. Có thể do không có việc làm, đời sống khó khăn nên tội phạm này nảy sinh lên, cần tập trung vào", Bộ trưởng Công an nhân nêu thêm.

Cũng tại Hội nghị chiều 2/7, dẫn báo cáo của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh cho biết, sau nửa năm chỉ 16 tỉnh, thành giải ngân được 10% vốn ODA, một tỉnh đạt tỷ lệ 15%. Thậm chí, có địa phương không giải ngân được đồng vốn nào trong 6 tháng qua.

Những con số này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh "rất thấp so với kế hoạch giải ngân 60.000 tỷ đồng vốn vay ODA năm nay".

Vướng mắc chính trong khó khăn giải ngân vốn vay ưu đãi, theo Phó thủ tướng, nằm ở khâu giải phóng mặt bằng.

Phó Thủ tướng phân tích thêm, khi muốn được phân giao, xây dựng dự án vay từ vốn ODA các địa phương đều cam kết sẽ bố trí đủ vốn đối ứng, giải phóng mặt bằng... nhưng thực tế khi có dự án lại gặp khó khăn ở khâu này.

"Vay được tiền để làm nhưng không triển khai được dự án", ông Minh nói.

Hiện một số tỉnh đề nghị được lấy vốn vay ODA để giải phóng mặt bằng nhưng Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định "luật không cho phép".

"Các tỉnh có dự án ODA phải chủ động huy động vốn để giải phóng mặt bằng, không nên trông chờ vốn rót từ trung ương, vốn ODA", ông Minh đề nghị.

Hoàng Đan

NỔI BẬT TRANG CHỦ