• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

​Dâng sao cũng không giải được hạn nếu sống thiếu nhân đức

02/03/2018 20:04

Tôn giáo nào cũng hướng con người đến cuộc sống lương thiện, an lạc. Nhưng trong bất cứ tôn giáo nào cũng có kẻ dựa vào tín ngưỡng để buôn thần bán thánh. Sự sai lệch của những tín ngưỡng tốt đẹp cũng xuất phát từ những hoạt động trục lợi này.

 Tôn giáo nào cũng hướng con người đến cuộc sống lương thiện, an lạc. Nhưng trong bất cứ tôn giáo nào cũng có kẻ dựa vào tín ngưỡng để buôn thần bán thánh. Sự sai lệch của những tín ngưỡng tốt đẹp cũng xuất phát từ những hoạt động trục lợi này.



Tôn giáo nào cũng hướng con người đến cuộc sống lương thiện, an lạc. Nhưng trong bất cứ tôn giáo nào cũng có kẻ dựa vào tín ngưỡng để buôn thần bán thánh. Sự sai lệch của những tín ngưỡng tốt đẹp cũng xuất phát từ một số hoạt động trục lợi này. Nhưng rất tiếc là một bộ phận quần chúng nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về văn hóa, tín ngưỡng ấy mà chỉ chạy theo một cách mù quáng, theo tâm lý đám đông ...

Hàng nghìn người dân ngồi tràn ra đường trong lễ cúng sao giải hạn tối 14 tháng Giêng (2/2/2018- ảnh Zing.vn)



Theo Hòa thượng Thích Gia Quang- Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cúng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật. Phật giáo chỉ có lễ cầu an cho người còn sống và cầu siêu cho những người đã mất. Dâng sao giải hạn là phát sinh từ văn hóa Trung Quốc. Quan niệm cho rằng hàng năm, mỗi người ứng với một sao chiếu mệnh, năm nào sao tốt thì gặp việc tốt, sao xấu thì gặp vận hạn, việc không hay. Cúng sao giải hạn là để một năm được khỏe mạnh, bình an, nếu gặp điều không may thì sẽ nhẹ nhàng đi.



Hòa thượng Thích Gia Quang cho rằng: “Cúng sao giải hạn thuộc về mong muốn, nguyện vọng của người dân, sao cho được bình an, mạnh khỏe, may mắn, đỡ vận hạn, cầu cho cuộc sống bình yên. Đó là mong muốn chính đáng, không sai tâm linh”.



Tuy nhiên, Hòa thượng Thích Gia Quang khẳng định, đang có sự sai lệch trong nghi thức này qua việc cúng sao giải hạn.



Hạt nhân của giáo lý nhà Phật là khuyên chúng sinh ăn ở hiền lành, ngay thẳng, đức độ. Người hiền lành, ví dụ khi tham gia giao thông giữ tốc độ hợp lý, đi đúng luật thì không thể gây tai nạn và cũng ít khi gặp tai nạn, sẽ gặp điều lành. Sống ngay thẳng, sống trong hành lang pháp lý thì liệu có bị can án, bị tù đầy không? Ngược lại, muốn nhanh giàu và nhất là làm giàu bất chính thì luôn phải lách luật, không sớm thì muộn, ắt sẽ vướng vòng lao lý. Đó là Luật nhân quả mà chẳng thần phật nào cứu được!.



Theo Hòa thượng, chỉ nên gộp chung là lễ cầu an, không còn lễ cúng sao giải hạn và hướng dẫn người dân thực hiện sao cho đúng. “Cầu an, tụng kinh niệm phật, cầu điều chính đáng chứ không phải là thêm vào hình nhân thế mạng, đốt vàng mã nhiều. Có như vậy, cũng là lễ cầu an, giải hạn nhưng được làm đúng, thể hiện được nguyện vọng một cách chính đáng, không hại gì đến đời sống tâm linh, tinh thần, vật chất của nhân dân, của xã hội”- Hòa thượng Thích Gia Quang nhấn mạnh.



Đại đức Thích Tâm Kiên – Trụ trì chùa Một Cột (Hà Nội) cho rằng, Phật giáo miền Bắc thờ “Tam giáo đồng nguyên” (Phật – Đạo – Lão) nên mới có lễ dâng sao – giải hạn còn Phật giáo miền Nam không có. Lễ dâng sao - giải hạn đầu năm không có trong kinh điển Phật giáo mà xuất phát từ Đạo giáo của Trung Hoa. Từ thời vua Lê – chúa Trịnh, việc dâng sao – giải hạn đã đi vào tâm thức của người dân miền Bắc.



“Theo lệ, đầu năm người ta thường tìm đến chùa, đền, phủ để dâng sao giải hạn. Nếu là sao tốt người ta gọi là “nghinh sao”, còn sao xấu người ta gọi là “giải sao”. Xét ở một góc độ nào đó, hình thức cầu an – giải hạn giúp con người ta có niềm tin được đấng bề trên che chở và độ trì để cuộc sống của họ tốt hơn trong năm mới. Có thể, những người đến chùa làm lễ cầu an – dâng sao giải hạn rồi sẽ sống tự tin và lạc quan hơn những người chưa làm. Và nếu chỉ dừng lại ở niềm tin trong lành đó thì việc dâng sao – giải hạn không có vấn đề gì đáng phải bàn.

Cùng với dâng sao giải hạn là tục đốt các hình nhân thế mạng (ảnh Nam Nguyễn)



Tuy nhiên, trong nhà Phật vẫn luôn đề cao chữ “tâm”. Kể cả có dâng sao – giải hạn tới hàng trăm hàng nghìn lần mà sống không thiện tâm, không tử tế… thì chưa chắc đã gặp được nhiều điều tốt đẹp. Tức là có theo đạo hay không theo đạo, nếu sống có tấm lòng hướng thiện, làm nhiều việc phước đức cho cuộc đời và cho mọi người thì sẽ gặp được nhiều điều may mắn. “Ông cha ta vẫn thường nhắc nhở con cháu “Ở hiền gặp lành”, “Cứu một người phúc đẳng hà sa”, “Giúp người người lại giúp ta”… là thế. Phật giáo không quan trọng cúng to hay cúng nhỏ, quan trọng nhất vẫn là tâm thành – tâm thiện”- Đại đức Thích Tâm Kiên chia sẻ.



Nhưng vẫn còn đó suy nghĩ giản đơn và cũng đã thành hủ tục: “Có thờ có thiêng có kiêng có lành” và “Trần sao âm vậy”. Lại nữa, trong đời sống hiện nay vẫn còn những rủi ro... nên cái tâm lý thiếu tự tin dần trở thành mê tín dị đoan và cũng chưa dễ dàng xóa bỏ một cách tự giác.



Với một thực trạng như vậy, nên chăng, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, thuyết phục từng bước để người dân hiểu ý nghĩa đích thực của nghi lễ cầu an, từ bỏ dần dần những nghi thức sai lệch thì cần có sự vào cuộc của Trung ương Giáo hội PGVN. Cùng với việc Trung ương Giáo hội PGVN đã yêu cầu các tự viện không đốt vàng mã thì nên đặt ra vấn đề hướng các tự viện hướng dẫn các phật tử không dâng sao giải hạn, chỉ thực hiện cầu an, tụng kinh niệm Phật đúng tinh thần Phật giáo. Chỉ đến khi chính bản thân các chùa chiền Phật giáo ngừng tổ chức cúng sao giải hạn thì mới không còn hiện tượng người dân đổ xô đi cúng sao, giải hạn như hiện nay./.



Theo Tổ Quốc

NỔI BẬT TRANG CHỦ