Viện Phim Việt Nam hiện đang lưu giữ khoảng 10.000 tên phim với chừng 80.000 cuốn phim. Danh mục phim lưu trữ khá phong phú, đầy đủ các thể loại, ngoài phim Việt Nam, còn có nhiều phim của các nền điện ảnh lớn trên thế giới. Làm thế nào để những di sản hình ảnh động ấy đến với công chúng đang là vấn đề được quan tâm.
Viện Phim Việt Nam hiện đang lưu giữ khoảng 10.000 tên phim với chừng 80.000 cuốn phim. Danh mục phim lưu trữ khá phong phú, đầy đủ các thể loại, ngoài phim Việt Nam, còn có nhiều phim của các nền điện ảnh lớn trên thế giới. Làm thế nào để những di sản hình ảnh động ấy đến với công chúng đang là vấn đề được quan tâm.
Theo đánh giá của PGS. TS Trần Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, chúng ta đang sở hữu một kho tư liệu hình ảnh động rất lớn, ví dụ như tư liệu về chiến tranh Việt Nam. Thời gian càng lùi xa, người ta càng nhận ra giá trị vô giá của những thước phim tư liệu ấy. Nó là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu lịch sử dân tộc và lịch sử nền điện ảnh Việt Nam. Đạo diễn Bùi Đình Hạc kể, ông đã tìm thấy những thước phim tư liệu đặc biệt quý giá tại Viện Phim về Bác Hồ: Cảnh Bác đi chiến dịch, cởi trần mặc quần đùi, vớt nước suối lau người, tự mặc lấy quần áo... và đưa vào dựng trong phim “Hồ Chí Minh - chân dung một con người”. Về sau, những tư liệu này trong phim đã được trên 70 nước sử dụng.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, khai thác giá trị hình ảnh động mới chỉ dừng lại ở một vài lĩnh vực. PGS.TS Trần Thanh Hiệp còn đặt vấn đề: “Tại sao ở nhiều nước, các tác phẩm điện ảnh tài liệu, phim truyện, sau khi ra đời và được lưu trữ vài chục năm, vẫn được bày bán qua hình thức băng đĩa cho người tiêu dùng điện ảnh còn chúng ta thì chưa làm được việc đó?”.
Những hạn chế này theo bà Bích Mai, Trưởng phòng Phổ biến phim Viện Phim Việt Nam là do nguồn kinh phí của Viện mới chủ yếu tập trung vào công tác bảo quản và lưu trữ tư liệu. Vì vậy, việc phát huy giá trị của nguồn tư liệu đang gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ, trong khi với cơ chế thị trường hiện nay đòi hỏi công nghệ tra cứu cần tiện dụng và hiện đại thì các công cụ tìm kiếm của Viện vẫn chưa được nâng cấp. Do vậy các đối tượng cần khai thác, in trích tư liệu thường trực tiếp làm việc với các hãng phim thay vì tìm đến Viện. Và chỉ khi không thể tìm thấy tư liệu tại các hãng phim hoặc cần chất lượng hình ảnh in trực tiếp từ phim nhựa họ mới tới Viện, hơn nữa phí trả cho in trích tại đó thấp hơn nhiều so với Viện.
Tại tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm về công tác khai thác, sử dụng và phát huy giá trị tư liệu hình ảnh động” do Viện Phim Việt Nam tổ chức vừa qua với sự tham dự của các nghệ sĩ điện ảnh, đại diện Bộ VH TT và DL, Cục Điện ảnh, các hãng phim, Hội Di sản văn hóa Việt Nam..., các ý kiến đều nhất trí đề cao vai trò của Viện Phim trong việc khai thác và sử dụng hình ảnh động sao cho hiệu quả. Cụ thể, nhiều đại biểu cho rằng, Viện cần công bố tên và nội dung các phim đang được lưu trữ để các nhà nghiên cứu, có thể tiếp cận càng nhiều càng tốt với những bộ phim này; Đồng thời, tăng cường hoàn thiện các công cụ tra cứu khoa học đối với tài liệu phim điện ảnh theo các chủ đề, bằng các phương tiện hiện đại.
Song song với đó, Viện nên đưa nhiều phim hơn nữa đến với các bảo tàng nhằm tạo sự sinh động, hấp dẫn, có tính thuyết phục cao trong việc chứng minh, giải thích và khám phá các sự kiện, tiến trình lịch sử. Và có thể tính tới chuyện đưa phim tài liệu ra rạp. Dù khó khẳng định đây sẽ là cuộc “đọ sức ngang hàng” với các phim mới về sức hút khán giả song với việc phát huy thế mạnh mỗi dòng phim thì có thể tạo một lớp đối tượng khán giả riêng theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh “tha thiết đề nghị” Bộ VH,TT&DL có ngân sách riêng dành cho Viện Phim để làm đĩa DVD (phụ đề tiếng Anh) những phim hay của Việt Nam và phát hành rộng rãi trong và ngoài nước.
Trao đổi với PV, bà Bích Mai cho biết thêm: “Thời gian tới, Viện dự kiến sẽ đẩy mạnh công tác khai thác phổ biến phim, phù hợp với tiêu chí hiện tại của Hiệp hội các Viện lưu trữ phim quốc tế (FIAF), chủ yếu tập trung vào in và phát hành trên DVD một số bộ sưu tập phim của các nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng (truyện, hoạt hình, tài liệu). Phối hợp tổ chức giới thiệu về điện ảnh các nước trên thế giới; Giới thiệu về điện ảnh Việt Nam qua trao đổi phim, trao đổi thông tin và phương thức khai thác phổ biến phim; Thực hiện các đề tài nghiên cứu về các tác giả, tác phẩm điện ảnh Việt Nam và quốc tế...
Theo NĐB