• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành VHTTDL: Cần thêm những chính sách mở

Giáo dục 11/09/2018 16:02

(Tổ Quốc) - Trong thời gian qua, đào tạo VHNT nói chung, công tác đào tạo trong khối các trường trực thuộc Bộ VHTTDL nói riêng, luôn được nhà nước quan tâm, ưu tiên đầu tư và hỗ trợ để nuôi dưỡng, đào tạo đội ngũ nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, đào tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có nhiều nét đặc thù và vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.

Từng bước tháo gỡ những khó khăn

Có thể nói giai đoạn 2012-2017 là một giai đoạn khó khăn cho các trường đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL, nhất là khi Kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức kết hợp ‘2 trong 1’: thi tốt nghiệp và dùng điểm thi để vừa xét tốt nghiệp, vừa là điểm xét tuyển đại học, cao đẳng.  Từ 2012, số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào các ngành sụt giảm nghiêm trọng. Đứng trước thực trạng này, năm 2013, Bộ VHTTDL đã làm việc với Bộ GDĐT để xây dựng cơ chế tuyển sinh riêng, đề án tuyển sinh riêng, xét tuyển các môn văn hóa và thi tuyển các môn năng khiếu để nhằm thu hút nguồn tuyển sinh đồng thời giảm nhẹ những môn thi không thực sự cần thiết đối với phát triển ngành nghề.

10 trường Đại học, Cao đẳng thuộc khối Văn hóa Nghệ thuật được tuyển sinh riêng từ năm 2013 gồm: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Học viện Âm nhạc TP.HCM, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật trung ương, Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, Trường CĐ Múa Việt Nam, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc

Sau khi được Bộ GDĐT chấp thuận, ngay từ năm 2013, 10 trường trong Bộ đã thí điểm xây dựng Đề án tuyển sinh riêng, trở thành khối thí điểm trên toàn quốc. Sau thời điểm này, nhìn chung nguồn tuyển đã dần tăng lên, có đông thí sinh đăng kí dự tuyển vào trường hơn.

Cùng đó, nhiều chế độ chính sách ưu đãi đối với học sinh, sinh viên theo học các trường năng khiếu, các trường trực thuộc Bộ VHTTDL đang có hiệu lực: Quyết định 82/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường VHNT; Quyết định số 41/2014/QĐ-TTg ngày 21/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật; Thông tư liên tịch số  11/2015/TTLT-BVHTTDL-BTC- BGDĐT-BLĐTBXH ngày 11/12/2015 hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 41/2014/QĐ-TTg ngày 21/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật… vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc tuyển sinh của các trường, khuyến khích nhiều thí sinh thực sự có tài năng theo học các chuyên ngành mà các trường đào tạo. Thế nhưng, những khó khăn về đầu ra đối với sinh viên theo học các ngành nghề được đào tạo vẫn là cản trở lớn nhất, đặc biệt là ở những lĩnh vực như nghệ thuật truyền thống, thể dục thể thao…

Đào tạo lĩnh vực nghệ thuật truyền thống (tuồng, chèo, cải lương...) vẫn rất khó tuyển sinh (ảnh Minh Khánh)

Không thể phủ nhận những nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chuyên môn và lãnh đạo Bộ cũng đã tháo gỡ được một số vướng mắc trong quá trình tuyển sinh và đào tạo của các trường trực thuộc Bộ như: Các trường đại học tiếp tục được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng; Các trường được phép tuyển sinh nhiều đợt trong năm; Các trường trực thuộc Bộ không nhất thiết phải đăng tải thông tin trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT mà chỉ đăng tải trên website của trường; Hạ thấp tiêu chí điểm đầu vào ngoại ngữ cho đào tạo sau đại học… Và hiện Bộ đang chờ ý kiến của Bộ GDĐT trong việc công nhận, vận dụng quy đổi một số tiêu chuẩn tương đương, đặc thù đối với các ngành VHNT trong việc xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư; Quy định mở mã ngành đào tạo trình độ đại học, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và các cơ chế đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đối với ngành đào tạo đặc thù của các trường, cơ sở đào tạo trong Bộ VHTTDL.

Những ‘bài toán khó’ đang tìm ‘lời giải’

Tuy nhiên, hiện việc đào tạo tại các cơ sở trực thuộc Bộ vẫn còn gặp nhiều khó khăn và cũng là khó khăn, tồn tại chung của ngành giáo dục như, trong việc tinh giản biên chế, hay mâu thuẫn trong xác định quy mô đào tạo của trường.

Hiện một số ngành đào tạo đặc thù trong các trường trực thuộc Bộ đã và đang có ít thí sinh dự tuyển đầu vào, quy mô đào tạo thấp dẫn đến xác định chỉ tiêu tuyển sinh của trường mỗi năm học thấp, như các trường đào tạo lĩnh vực nghệ thuật truyền thống. Ngoài ra việc xác định quy mô tuyển sinh của trường lại dựa trên số giảng viên cơ hữu, trong khi yêu cầu chung là cắt giảm biên chế, dẫn đến có thể sẽ giảm số lượng giảng viên nên khó đảm bảo quy mô đào tạo theo nhu cầu xã hội, khó giữ được mã ngành đào tạo.

Hay những mâu thuẫn trong việc xác định quy mô đào tạo, số lượng giảng viên của trường, chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm học đối với các trường khối du lịch khi những năm gần đây có số lượng thí sinh có nhu cầu theo học tăng cao, tuyển sinh quá chỉ tiêu quy định, nhưng vì nhu cầu của xã hội và trước thực trạng giảng viên như vậy nên vẫn cố gắng phải đào tạo.

Việc giảm biên chế còn ảnh hưởng tới xét quy mô đào tạo cũng như giữ mã ngành đào tạo của các trường, và cần lắm việc giữ ổn định đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường để đảm bảo lực lượng giảng dạy cũng như quy mô tuyển sinh của trường.    

Thêm vào đó, việc giảm biên chế cũng sẽ là một hạn chế đối với tuyển mới và dành biên chế cho những đối tượng sinh viên theo học ngành sư phạm và dự định sau khi học tập, đào tạo sẽ tham gia giảng dạy tại các trường đào tạo lĩnh vực VHNT, khó có thể thu hút, tạo sự yên tâm cho các giảng viên trẻ theo đuổi, cống hiến cho nghề khi sự ràng buộc với những giảng viên trẻ chỉ bằng những hợp đồng ngắn hạn…

Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội khai giảng năm học 2018 - 2019 (ảnh: Thế Công)

Như vậy, nhìn vào thực tế công tác tuyển sinh, chế độ chính sách, kế hoạch đào tạo của các trường trong lĩnh vực VHTTDL vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần tháo gỡ.

Nhưng cũng cần nhìn nhận một thực tế nữa là, dù trong hoàn cảnh nào thì các trường trực thuộc Bộ VHTTDL vẫn cố gắng đảm bảo chất lượng đào tạo, đồng thời nâng cao chuẩn đầu ra đối với sinh viên theo học trong trường.

Và tới thời điểm hiện tại, các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ vẫn khẳng định vai trò là những cơ sở đào tạo đầu ngành, chuyên nghiệp và có chất lượng cao hơn cả về VHTTDL trong hệ thống đào tạo toàn quốc  (khoảng hơn 50 trường đào tạo về lĩnh vực này), cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho cả nước, thể hiện bằng các giải thưởng mang tính quốc gia và quốc tế.

Vân Khánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ