• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đấu giá tác phẩm nghệ thuật cũng cần có... nghệ thuật

Văn hoá 30/05/2016 17:19

(Tổ Quốc)- Phiên đấu giá đầu tiên các tác phẩm nghệ thuật được tổ chức khá thành công nhưng vẫn có nhiều việc cần làm.

(Tổ Quốc)- Phiên đấu giá đầu tiên các tác phẩm nghệ thuật được tổ chức khá thành công, tuy nhiên, để có một thị trường nghệ thuật đích thực thì vẫn nhiều việc cần làm.

Sẽ có thị trường chuyên nghiệp?

Đấu giá tác phẩm nghệ thuật không phải là chuyện mới ở nước ngoài, nhưng ở Việt Nam, đấu giá tác phẩm nghệ thuật không vì mục đích từ thiện thì có thể nói, cuộc đấu giá 5 tác phẩm của Công ty cổ phần bán đấu giá  Lạc Việt là lần đầu tiên.

Phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật đầu tiên khá thành công, được kỳ vọng tạo sự khởi sắc cho thị trường nghệ thuật nước nhà

Nhiều họa sĩ vui mừng vì đây có thể là khởi đầu cho một thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp.

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, bán đấu giá tranh với sự tham gia trực tiếp của các họa sĩ chính là nét đáng chú ý trên thị trường mỹ thuật trong nước thời gian gần đây. Trước đây, giới họa sĩ thường chỉ bán tác phẩm ở phòng tranh hoặc ký gửi. Nếu có tham gia đấu giá cũng chỉ với mục đích từ thiện nên người mua tác phẩm dựa trên khả năng đóng góp cho cộng đồng mà trả giá, chứ chưa dựa trên giá trị thực của tác phẩm.

“Là họa sĩ đã hoạt động trong nghề rất nhiều năm, tôi cũng đi tham gia các buổi đấu giá các tác phẩm nghệ thuật, đồ xưa ở nhiều nước. Ở Việt Nam tôi cũng đã giúp rất nhiều công ty tổ chức đấu giá nghệ thuật nhưng đều là các cuộc đấu giá từ thiện”- Họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định.

Đồng quan điểm, họa sĩ Phạm Huy Thông chia sẻ: “Đấu giá tranh ở Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc các Gallery mang tranh ra nước ngoài đấu giá. Ngoài những họa sĩ có tên tuổi (đã qua đời), tranh của các họa sĩ đương đại Việt Nam ra nước ngoài đấu giá thì giá tranh còn thấp hơn cả giá dự kiến”.

Đánh giá về cuộc đấu giá đầu tiên này, Họa sĩ Phạm Huy Thông bày tỏ: “Đây cũng là bước đệm quan trọng trong việc mua bán tranh ở Việt Nam. Mặc dù hiện nay cũng có một số Gallerry đang đảm nhận công việc bán lại hoặc ký gửi nhưng thực sự chưa tạo thành một hệ thống có quy lát. Do vậy, bước đầu Việt Nam đang cần có những nhà đấu giá dù chưa có được tính chuyên nghiệp”.

Chuyên nghiệp cần gì?

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, không thể “đùng một cái” có ngay một thị trường mỹ thuật sôi động mà mỗi người hoạt động trong lĩnh vực của mình phải tham gia vào quá trình này.

Hoa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng: “Đây là lần đầu tiên thực hiện đấu giá nên về mức độ quảng cáo là chưa đủ. Nếu lần sau tổ chức, tôi muốn khuyên các bạn nên tổ chức quảng bá các sản phẩm sẽ tham gia đấu giá sớm hơn. Tốt nhất là ba tháng trước phiên đấu giá. Ngoài ra, chất lượng nghệ thuật của catalog giới thiệu các tác phẩm lần này chưa đạt, chưa hấp dẫn”.

Họa sĩ Vi Kiến Thành- Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) cho rằng: “Cần phải hiểu, đấu giá không phải là thước đo để đánh giá chất lượng nghệ thuật của tác phẩm mà hoạt động đấu giá chịu sự điều tiết của thị trường, hoạt động kinh doanh. Nhiều khi tác phẩm được đánh giá chất lượng nghệ thuật cao song đưa lên sàn đấu giá thì không chắc đã bán được giá cao và ngược lại”.

Tuy nhiên, ông Vi Kiến Thành cho rằng: “Phiên đấu giá mỹ thuật được gọi là lần đầu tiên tại Việt Nam về cơ bản đã tổ chức tương đối tốt, nhất là nhìn nhận ở góc độ cả 5 tác phẩm đưa lên sàn đều có người mua. Chứng tỏ công tác tổ chức khách hàng có hiệu quả. Nhưng nếu nhìn nhận toàn diện thì cũng có nhiều vấn đề cần điều chỉnh, nâng cao chuyên nghiệp”.

Cần những tên tuổi có uy tín trong giới chuyên môn tham gia các phiên đấu giá nghệ thuật

Ông nhận xét: “Cần chọn người giới thiệu tác giả tác phẩm và điều hành đấu giá có uy tín, sức nặng. Đấu giá nghệ thuật phải có tính văn hóa, sang trọng chứ không thể xô bồ như các sản phẩm khác”.

“Vì là lần đầu tiên nên hình như đơn vị tổ chức chưa có kinh nghiệm trong lựa chọn tác phẩm chăng? Tôi đánh giá chất lượng tác phẩm ở đây mới ở mức trung bình khá, tất nhiên nó cũng phụ thuộc vào quan hệ và công tác khách hàng của đơn vị tổ chức. Có thể đối tượng khách hàng của sàn này chỉ ở mức bình dân nên mức hưởng thụ nghệ thuật cũng chỉ ở mức này. Nếu chuyên nghiệp thì cần phải mở rộng hơn đối tượng. Cần có nhiều hơn sự tham gia của các nhà chuyên môn, có uy tín, am hiểu mỹ thuật và mức hưởng thụ mỹ thuật”, ông Thành đặt ra một loạt vấn đề cần làm rõ.

Đồng quan điểm này, theo họa sĩ Phạm An Hải, để việc đấu giá tác phẩm nghệ thuật trở nên chuyên nghiệp, cần có sự tham gia, hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước về bản quyền tác phẩm văn học nghệ thuật, thuế, cùng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích…

Vẫn còn nhiều việc để hình thành một thị trường đấu giá nghệ thuật chuyên nghiệp ở nước ta. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có quyền kỳ vọng vào sự khởi sắc của thị trường nghệ thuật Việt Nam bởi đã bước đầu có sự vào cuộc của nhiều đơn vị, doanh nghiệp./.

Bài&ảnh: Hồng Hà

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ