• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đấu khẩu Nga, Mỹ "đóng sập" cánh cửa đàm phán kiểm soát hạt nhân dưới thời Tổng thống Trump?

Thế giới 18/12/2020 15:44

(Tổ Quốc) - Reuters đăng tải, đáp trả lời cáo buộc của Nga rằng Washington đang bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang mới, mới đây Mỹ đã nhắc lại một đề xuất từng bị Moscow từ chối liên quan tới việc gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân START Mới.

Trong buổi họp báo thường niên hôm thứ Năm (17/12), Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, một cuộc chạy đua vũ trang giữa Washington và Moscow "đã bắt đầu". "Đó là điều rõ ràng… mọi thứ bắt đầu sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo", người đứng đầu Điện Kremlin nói với báo giới.

Tổng thống Putin miêu tả chính sách của Mỹ là hiếu chiến và chống Nga. Ông thể hiện sự phản đối trước quyết định của Washington rút khỏi một thỏa thuận năm 2002 cấm phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa, cũng như hoạt động mở rộng của NATO về phía các nước Đông Âu.

"So sánh với các "anh", đúng là chúng tôi vô hại và rõ ràng hơn… Các "anh" nói là NATO sẽ không mở rộng về phía đông nhưng lại không giữ lời hứa", ông Putin trả lời một phóng viên của BBC.

Đấu khẩu Nga, Mỹ "đóng sập" cánh cửa đàm phán kiểm soát hạt nhân dưới thời Tổng thống Trump? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo thường niên cuối năm diễn ra hôm thứ Năm (17/12) (ảnh: Reuters)

Theo Tổng thống Nga, các nhà đàm phán đã cố gắng duy trì một gia hạn tạm thời cho hiệp ước vũ khí hạt nhân được ký kết vào năm 2010. "Các đối tác của chúng tôi đã rút khỏi hiệp ước về tên lửa tầm xa và tầm trung. Chúng tôi có làm vậy không? Không", ông Putin đề cập tới hiệp ước INF 1987 cấm tên lửa hành trình tầm trung phóng đi từ mặt đất. Tổng thống Donald Trump đã rời khỏi hiệp ước do cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận khi triển khai các tên lửa bị cấm.

"Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở. Chúng tôi phải làm gì đây? Là một thành viên NATO, anh có bay trên bầu trời của chúng tôi để thu thập mọi thứ?", ông Putin đặt câu hỏi.

Tháng trước, đội ngũ của ông Trump đã rời khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở nhằm thể hiện sự phản đối trước việc Nga không cho phép chuyến bay quan sát các cuộc tập trận quân sự của mình cũng như cấm giám sát trên không tại Kaliningrad Oblast. Đây là phần lãnh thổ của Nga nằm kề với hai thành viên NATO là Ba Lan và Lithuania.

"Hiệp ước Bầu trời Mở được thiết kế từ nhiều thập kỷ trước với mục đích gia tăng minh bạch, hợp tác và thấu hiểu lẫn nhau", Lầu Năm góc cho biết hồi đầu năm 2020. "Thay vào đó, Nga lại không ngừng lợi dụng Hiệp ước vào các biện giải cho sự hiếu chiến của mình chống lại các quốc gia láng giềng đồng thời có thể sử dụng nó vào các mục tiêu quân sự chống lại Mỹ và các đồng minh".

Quay trở lại Hiệp ước START Mới, thỏa thuận sẽ hết hạn vào ngày 5/2 sắp tới trừ khi các tổng thống của hai cường quốc vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới đồng ý gia hạn thêm với khoảng thời gian tối đa lên tới 5 năm. Hạn chót đang đến gần khiến áp lực đè nặng lên vai Tổng thống Mỹ mới trúng cử Joe Biden sau khi ông chính thức nhậm chức vào ngày 20/1.

Nếu không được gia hạn, hiệp ước sẽ chấm dứt những giới hạn liên quan tới triển khai các đầu đạn hạt nhân chiến lược của Mỹ và Nga cũng như các tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm chuyên chở chúng. Các chuyên gia e ngại, viễn cảnh sẽ mở ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới.

Cũng trong ngày 17/12, Tổng thống Putin viết trên Twitter: "Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Mỹ nhưng để làm được điều đó, đối tác của chúng tôi phải hồi đáp". Ông Putin cáo buộc, Washington là bên châm ngòi cuộc chạy đua vũ trang mới khiến Moscow buộc phải đáp trả bằng cách phát triển các vũ khí siêu thanh.

Trong khi đó, đặc phái viên đặc biệt của Tổng thống Trump về kiểm soát hạt nhân là Marshall Billingslea đã nhắc lại một đề xuất của Mỹ về gia hạn thêm một năm cho Hiệp ước START Mới và đóng băng một số lượng chưa xác định các đầu đạn hạt nhân.

Ông Billingslea khẳng định, Bộ Ngoại giao Nga đã "từ chối các cuộc gặp gỡ". "Tất cả những gì chúng tôi cần là xác định những gì phải đóng băng, mức độ giới hạn và bắt đầu các cuộc đối thoại xác minh", ông viết trên Twitter.

Nga đã đề xuất gia hạn START Mới thêm một năm và đóng băng đầu đạn chiến lược và chiến thuật trong cùng thời gian; tuy nhiên chỉ khi Washington không đưa ra thêm bất kỳ điều kiện gì khác. Moscow được cho là đã phủ nhận ý tưởng sau khi Washington yêu cầu các biện pháp xác minh ngặt nghèo và quy trình thương lượng phức tạp.

Kể từ tháng Mười, các cuộc đàm phán đã bị ngưng trệ. Hồi tháng Mười một, Nga nhắc lại lời kêu gọi trước đó về gia hạn vô điều kiện START Mới trong 5 năm.

Ông Daryl Kimball – người đứng đầu tổ chức thân Washington là Hiệp hội Kiểm soát Vũ trang nhận định, phản ứng của đặc phái viên Billingslea cho thấy gần như chắc chắn sẽ không có các cuộc đàm phán nào cho tới khi ông Biden chính thức kế nhiệm Tổng thống Trump.

Cập nhật trên Twitter của Tổng thống Putin "là nhằm vào ông Biden", Kimball đánh giá.

Tổng thống Mỹ mới đắc cử coi việc gia hạn START Mới như "một nền tảng cho các hiệp định kiểm soát vũ khí mới". Tháng trước, các nguồn tin thân cận với đội ngũ của ông Biden tiết lộ, ông vẫn chưa đưa ra quyết định về thời lượng gia hạn.

START Mới quy định các bên có thể triển khai tối đa 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược cũng như 700 tên lửa chiến lược và máy bay ném bom hạng nặng.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ