• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới tại Lào Cai (Bài 1): Nhiều kết quả tích cực

Văn hoá 06/11/2023 16:09

(Tổ Quốc) - Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn đẩy mạnh công tác quán triệt, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới.

Đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới tại Lào Cai (Bài 1): Nhiều kết quả tích cực - Ảnh 1.

Tiểu phẩm của huyện Mường Khương tại Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về gia đình năm 2022.

Nhiều kết quả

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành có liên quan đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. 

Các sở, ban, ngành đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố và Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện đã phát huy vai trò, trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ theo giai đoạn và hằng năm với các mục tiêu, hoạt động cụ thể.

Để công tác tuyên truyền về bình đẳng giới (trong đó có lĩnh vực bình đẳng giới trong gia đình) đạt hiệu quả, trong 15 năm qua, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh tổ chức biên soạn và phát hành trên 400.000 tài liệu vê pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới; chuyển tải hàng nghìn phóng sự, tin, bài, tiểu phẩm, chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về bình đẳng giới. 

Tổ chức trên 10.000 buổi truyền thông nói chuyện chuyên đề trực tiếp tại cộng đồng về pháp luật bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; thực hiện phổ biến pháp luật cho 200 lượt người là lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; tập huấn cho 258 giáo viên dạy môn Giáo dục công dân về bồi dưỡng kiến thức pháp luật, trong đó có chuyên đề bình đẳng giới; tổ chức 6.327 chương trình tọa đàm, sinh hoạt ngoại khóa về bình đẳng giới…

Nhiều mô hình hay, cách làm có hiệu quả từ các chương trình, đề án, dự án do các cấp, các ngành trong tỉnh nhằm góp phần thực hiện bình đẳng giới trong gia đình được triển khai thực hiện như: Mô hình “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”; mô hình “5 không, 3 sạch”; mô hình “Phòng, chống tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì; mô hình “Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam”; mô hình “Phòng chống bạo lực gia đình”; mô hình lồng ghép bình đẳng giới trong hương ước, quy ước làng, bản,...do Sở VHTT tỉnh chủ trì đã có tác động mạnh mẽ làm thay đổi hành vi và nâng cao nhận thức trong nhân dân về bình đẳng giới. 

Bản thân người phụ nữ đã tích cực phấn đấu vươn lên trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Quyền lợi học tập, việc làm, chăm sóc sức khoẻ, nuôi con của phụ nữ đã được cải thiện; vị thế, vai trò của phụ nữ được khẳng định trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Theo Sở VHTT tỉnh Lào Cai, thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, tích cực xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, cải tạo phong tục tập quán lạc hậu trong gia đình, phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình. 

Thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam”, thời gian qua Sở VHTT tỉnh Lào Cai đã tích cực thực hiện; kể từ năm 2021, đã nhân rộng mô hình tại 5 xã: Nậm Pung (Bát Xát); Nậm Chảy (Mường Khương), Xuân Quang (Bảo Thắng), Mường Hoa (thị xã Sa Pa), Quan Hồ Thẩn (Si Ma Cai). 

Tại mỗi xã đều thành lập ban quản lý đề án cấp xã và cấp thôn để tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai nội dung đề án, lồng ghép tuyên truyền thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình... nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động người dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình. Đến hết 2022, toàn tỉnh có 45 mô hình với 450 thôn, tổ được triển kh ai và thực hiện Đề án.

Đặc biệt, nội dung phòng, chống bạo lực gia đình được các cấp, các ngành chú trọng, trong đó nổi bật là đã nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Đến nay, toàn tỉnh đã có 112 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình với 560 câu lạc bộ và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình tại 40 xã, phường, thị trấn và 450 thôn, bản, tổ dân phố; tuyên truyền trên cụm loa truyền thanh, sinh hoạt thôn, bản về nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, trong đó đặc biệt chú trọng tuyên truyền nội dung bình đẳng giới và Luật Bình đẳng giới. Đây là lực lượng tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản có liên quan đến công tác gia đình đến từng huyện, xã, thôn, bản.

Trong các gia đình ở Lào Cai thời gian qua, đa phần phụ nữ và nam giới đều tham gia các hoạt động kinh tế tạo thu nhập, cùng giáo dục con và chăm sóc các thành viên khác. Vợ chồng cùng bàn bạc, tôn trọng ý kiến của nhau trước khi quyết định các vấn đề lớn, quan tâm, chăm sóc và tạo điều kiện về mọi mặt cho con trai và con gái phát triển (đặc biệt là ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn). 

Đến hết năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh là trên 467 nghìn người; trong đó số lao động nữ là trên 225 nghìn người, bằng 47,91%. Tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo 15,71%, tỷ lệ lao động nữ đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo đạt 14,16%. Thực hiện Đề án 295 “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, giới thiệu việc làm”, tỷ lệ nữ tham gia học nghề đều đạt và vượt chỉ tiêu 40% trên tổng số tuyển sinh, tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt trên 75%. Tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh là 1,24%; thất nghiệp chia theo giới tính nam là 1,36%, nữ là 1,09%.

Phụ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu đã được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 99%; qua đó phụ nữ đã có nhiều cơ hội làm chủ về lao động, việc làm và chủ động về lĩnh vực kinh tế. Ở khu vực nông thôn, chị em phụ nữ đã tích cực thi đua lao động, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Còn nhiều khó khăn

Mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới ở cơ sở đã được tăng cường nhưng chưa đủ mạnh để chuyển đổi hành vi trong nhân dân về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. 

Việc triển khai thi hành Luật bình đẳng giới, (trong đó có nội dung bình đẳng giới trong gia đình) chủ yếu gắn với nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị, địa phương, nhiều cơ sở chưa thực sự quan tâm đến nội dung này nên còn chưa được duy trì thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh đó, công tác điều tra, khảo sát, thống kê toàn diện về bình đẳng giới trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là những cuộc điều tra xã hội học về công tác bình đẳng giới trong gia đình (đơn cử, số vụ ly hôn do mẫu thuẫn gia đình, số vụ bạo lực về gia đình được pháp luật can thiệp…) chưa được triển khai thực hiện dẫn đến thiếu cơ sở dữ liệu để xây dựng bộ chỉ số hoàn chỉnh về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Qua thống kê cho thấy, đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới từ cấp tỉnh đến cơ sở và vì sự tiến bộ của phụ nữ hầu hết đều kiêm nhiệm, thường xuyên có sự luân chuyển công tác, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của một số nơi còn hạn chế. 

Sự tiếp cận thông tin và nhận thức của người dân về công tác bình đẳng giới còn hạn chế, vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân, quan niệm sinh con cái, coi nhẹ vai trò của người phụ nữ trong gia đình, vẫn còn định kiến, rào cản về việc nâng cao trình độ học vấn, giao tiếp, chia sẻ công việc gia đình đối với phụ nữ. Số phụ nữ nông thôn thiếu việc làm, di cư khỏi địa phương vẫn còn, dẫn tới nguy cơ bị bạo lực và bị mua bán.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid -19 đã tác động trên nhiều lĩnh vực như lao động, việc làm, tiền lương của người lao động đặc biệt là lao động nữ. Việc tạm thời tạm dừng một số hoạt động, trường học, càng tăng thêm gánh nặng chăm sóc của người phụ nữ trong mỗi gia đình. 

Dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập, đời sống của đội ngũ lao động trong khu vực các lĩnh vực có sự tham gia cao của lực lượng lao động nữ cũng là nguyên nhân khiến cho bạo lực ở một số các gia đình xảy ra nhiều hơn. Nhiều phụ nữ bị bạo lực gia đình nhưng có tâm lý muốn giấu kín vụ việc hoặc cam chịu, không chia sẻ thông tin khi có vụ việc xảy ra./.

Hồng Minh - Bảo Trân


*Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ