• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dậy sóng Israel, Iran tung tín hiệu mạnh tới LHQ

Thế giới 20/09/2018 15:04

(Tổ Quốc) -Iran đã yêu cầu Liên Hợp Quốc lên án sự đe dọa của Israel nhằm vào nước này.

Iran đã yêu cầu Liên Hợp Quốc lên án sự đe dọa của Israel nhằm vào Tehran và đặt chương trình hạt nhân của Israel vào tầm giám sát của cơ quan này, truyền thông Iran ngày 20/9 đưa tin.

Bằng việc đến thăm  một lò phản ứng hạt nhân bí mật của Israel vào cuối tháng 8, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gửi đi một tín hiệu tới những đối thủ của nước này rằng, họ có phương tiện để tiêu diệt kẻ thù, Reuters cho biết.

Việc ông Netanyahu đến thăm lò phản ứng bí mật được cho là một tín hiệu đến các nước đối thủ. (Ảnh nguồn minh họa: getty)

"Các thành viên Liên Hiệp Quốc không nên nhắm mắt làm ngơ trước những sự đe dọa này và phải hành động để loại bỏ tất cả vũ khí hạt nhân của Israel", hãng tin Fars trích lời đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Gholamali Khoshrou cho biết trong thư gửi Tổng thư ký LHQ và Hội đồng bảo an.

Ông Khoshrou yêu cầu Liên hợp quốc buộc Israel gia nhập Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và đưa chương trình hạt nhân của nước này vào tầm giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - một cơ quan giám sát nguyên tử của Liên Hiệp Quốc.

Israel, đang nằm bên ngoài NPT, không xác nhận hay phủ nhận việc có vũ khí hạt nhân. Họ vẫn duy trì một chính sách “mơ hồ” nhiều thập niên nay mà họ cho rằng vẫn giữ những nước hàng xóm thù địch trong tầm kiểm soát và tránh mọi loại khiêu khích công khai có thể châm ngòi cho các cuộc chạy đua vũ trang khu vực, Reuters cho biết.

Israel cũng đang cố vận động các cường quốc trên thế giới đi theo Hoa Kỳ trong việc rời khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 JCPOA với Iran. Thỏa thuận này đã hạn chế sức mạnh hạt nhân của Tehran và đổi lấy việc cộng đồng quốc tế dỡ bỏ trừng phạt với nước này.

Người Israel cho rằng thỏa thuận này không đủ để ngăn Iran cuối cùng vẫn sẽ nắm giữ vũ khí hạt nhân. Còn Tehran – một bên kí kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1970 (NPT) phủ nhận luận điểm này.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ