• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

ĐBQH đề nghị nhóm những hộ gia đình "nghèo bền vững" để dành chính sách đặc biệt, có tính khả thi

Thời sự 21/11/2023 14:26

(Tổ Quốc) - Đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, hiện tại nhiều hộ gia đình không thể thoát nghèo do không có vốn, sức lao động và tư liệu sản xuất. Do vậy, cần nhóm những hộ này thuộc diện nghèo bền vững và có chính sách đặc biệt. Có như vậy mục tiêu chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững mới có tính khả thi cao.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã dành một ngày thảo luận về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Nghiên cứu Báo cáo kết quả giám sát 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá cao việc Quốc hội chọn 3 chương trình mục tiêu quốc gia đưa vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội, đồng thời ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của Đoàn giám sát trong việc giám sát 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đại biểu cũng đồng tình với báo cáo về bố cục kết quả thực hiện cũng như nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, kiến nghị và phát biểu một số ý kiến làm rõ thêm kết quả giám sát.

Thứ nhất, về kết quả đạt được của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, mô hình quản lý điều hành từ Trung ương đến cơ sở như Ban Chỉ đạo, Văn phòng điều phối, Ban Quản lý dự án, Ban Phát triển nông thôn được kiện toàn, các văn bản ban hành tương đối đầy đủ, đáp ứng cho việc quản lý thực hiện và cơ bản đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc của địa phương.

ĐBQH đề nghị nhóm những hộ gia đình "nghèo bền vững" để dành chính sách đặc biệt, có tính khả thi - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Công tác lập kế hoạch phân bổ vốn đảm bảo theo nguyên tắc tiêu chí và định mức. Công tác kiểm tra, giám sát được các bộ, ngành chủ quản triển khai tích cực, một số địa phương cũng đã quan tâm. Công tác tuyên truyền, vận động với đa dạng hình thức và đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân.

Chương trình nông thôn mới có tỷ lệ số xã đạt nông thôn mới đạt trên 73% bình quân số tiêu chí nông thôn mới/xã tăng 11,6% so với năm 2020, có 40,8% số huyện đạt nông thôn mới, 20 tỉnh thành có 100% số xã đạt nông thôn mới. Một số tiêu chí vượt mục tiêu như tiêu chí số 14, 16. Các tiêu chí còn lại đạt từ 78,2-97,2%, thu nhập bình quân đạt 46,3 triệu/người/năm, tăng 4,6 triệu so với năm 2020, v.v..

Chương trình giảm nghèo bền vững là chương trình đầu tiên hoàn thành việc ban hành văn bản ở cấp trung ương, tỷ lệ giảm nghèo đa chiều, hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 đạt và vượt mục tiêu, tỷ lệ giảm hộ nghèo trên 74 huyện nghèo đạt mục tiêu, 1 xã đã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn và đạt tiêu chí nông thôn mới, v.v.. Chương trình dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số đạt và vượt mục tiêu, nhiều chỉ tiêu về hạ tầng kinh tế - xã hội khác đạt và cơ bản đạt so với mục tiêu chương trình.

Như vậy, sau 2 năm triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đến nay đã đạt được nhiều kết quả, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên đáng kể, là tiền đề tiếp tục để thực hiện cho những năm tiếp theo.

Thứ hai, về hạn chế. Việc kiện toàn mô hình quản lý, điều hành còn chậm và chưa có sự thống nhất giữa các địa phương, do chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất. Hệ thống văn bản chậm ban hành, thiếu đồng bộ, còn chồng chéo và chậm được khắc phục.

Ví dụ Nghị định 27 có 42 điều nhưng có đến 16 điều cần phải sửa đổi, bổ sung, v.v.. Một số địa phương đến nay mới hoàn thành việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Công tác phối hợp trong xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện chưa chặt chẽ nên việc triển khai một số nội dung dự án còn chậm so với yêu cầu. Việc huy động các nguồn lực trong dân còn hạn chế, nhất là tại các khu vực khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn. Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 không đạt kế hoạch, năm 2023 đạt thấp 41,7%. Công tác kiểm tra, giám sát ở nhiều địa phương chưa được quan tâm, dẫn đến việc triển khai ở cả 3 chương trình mục tiêu đều bị chậm. Công tác tuyên truyền, vận động của quần chúng còn hạn chế, một bộ phận người dân còn ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, coi việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp.

Nhiều kết quả thực hiện của 3 chương trình còn chậm và hạn chế, như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến tháng 6/2023 các địa phương mới hoàn thành việc ban hành văn bản. Nông thôn mới đạt không đều, nhiều tỉnh có số xã đạt nông thôn mới dưới 30%, 16 huyện nghèo trắng xã nông thôn, chưa có huyện nghèo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Giải ngân vốn đầu tư năm 2023 đến tháng 8 đạt 50,5% kế hoạch, vốn đối ứng không đáp ứng yêu cầu, đạt khoảng 41,6% kế hoạch. Việc hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung chương trình đến năm 2025 là rất khó khăn và các chỉ tiêu còn lại rất khó thực hiện.

Chương trình giảm nghèo bền vững đến tháng 7/2023 các địa phương mới hoàn thành ban hành văn bản giảm nghèo năm 2021, chưa đạt mục tiêu giảm nghèo năm 2022. Đạt mục tiêu nhưng chưa thật bền vững, bố trí vốn còn chậm, đến tháng 12/2022 còn một dự án và hai tiểu dự án chưa được phân bổ vốn, giải ngân đạt thấp. Đến tháng 8/2023 giải ngân vốn đầu tư công đạt 71,6% kế hoạch, năm 2023 đạt 31,8% kế hoạch. Chương trình dân tộc thiểu số đến tháng 6/2023 các địa phương hoàn thành và Ban chỉ đạo cơ bản hoàn thành việc ban hành các văn bản. Tỷ lệ hộ cận nghèo dân tộc thiểu số có xu hướng tăng, cho thấy giảm nghèo dân tộc thiểu số chưa thật sự bền vững. Tỷ lệ giải ngân đạt thấp, nhất là vốn sự nghiệp, đến tháng 8 năm 2023 giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 73,9% kế hoạch và năm 2023 đạt 41,2% kế hoạch, v.v.

Trên cơ sở kết quả giám sát, đại biểu Trần Văn Tiến nêu một số kiến nghị, đề xuất sau:

Một là, về việc ban hành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đại biểu cho rằng đã phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân, đảm bảo công bằng, tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, đối với các vùng, khu vực thuộc đối tượng chính sách cần có lộ trình thực hiện cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và tập quán cư trú. Không thể đánh đồng với các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, cần xem lại tiêu chí phân bổ vốn và tỷ lệ vốn đối ứng nông thôn mới cho các địa phương có tổng số xã không nhiều vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho phù hợp với thực tiễn để đảm bảo nguồn lực thực hiện.

Ba là, hiện tại nhiều hộ gia đình không thể thoát nghèo do không có vốn, sức lao động và tư liệu sản xuất. Do vậy, cần nhóm những hộ này thuộc diện nghèo bền vững và có chính sách đặc biệt. Có như vậy mục tiêu chương trình mới có tính khả thi cao.

Bốn là, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát cũng như giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư.

Năm là, hai năm 2021-2022 theo báo cáo thì kế hoạch phân bổ vốn chậm, nhiều dự án tiểu dự án chậm hoặc chưa triển khai được, giải ngân vốn đạt thấp. Các địa phương đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, v.v nhưng kết quả đạt được tỷ lệ giảm nghèo đa chiều, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nghèo dân tộc thiểu số đều giảm. Đạt mục tiêu chỉ tiêu hạ tầng kinh tế - xã hội khác, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt và cơ bản đạt, v.v. Có phải do tác động từ 3 chương trình không, đề nghị Chính phủ cho biết thêm.

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ