• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: “Muốn mời giáo sư nước ngoài về Việt Nam làm trưởng khoa rất khó vì không có bằng Trung cấp Chính trị”

Thời sự 11/06/2019 08:24

(Tổ Quốc) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đã lấy ví dụ như vậy khi tranh luận về chính sách thu hút nhân tài trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đang được Quốc hội thảo luận.

Nếu đưa tiêu chuẩn người tài vào Luật sẽ không thể bao quát

Theo Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang), nếu đưa tiêu chuẩn người tài vào Luật thì sẽ không thể đầy đủ và bao quát. Việc quan trọng nhất giúp phát triển tài năng là tháo gỡ những rào cản. Lấy ví dụ cụ thể đó là, muốn mời một vị giáo sư nước ngoài về Việt Nam làm công tác chuyên môn như Trưởng khoa thì rất khó khăn bởi làm sao vị giáo sư đó là viên chức hay có bằng Trung cấp Chính trị. Tương tự như vậy, người trẻ ở Việt Nam nếu không là viên chức thì cũng không thể đưa vào vị trí quy hoạch, bổ nhiệm được.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: “Muốn mời giáo sư nước ngoài về Việt Nam làm trưởng khoa rất khó vì không có bằng Trung cấp Chính trị” - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang).

"Chính vì vậy, chúng ta nên có một Hội đồng theo từng chuyên ngành, chuyên ngành sâu để phát hiện và bồi dưỡng tài năng. Quyết định của Hội đồng này có ý nghĩa quan trọng để Chính quyền tham khảo" – Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề xuất.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lại cho rằng, cần quy định những nguyên tắc chung về tuyển dụng người tài thực sự như sinh viên, chuyên gia trong nước và ngoài nước. Phải có tiêu chuẩn cụ thể để phòng ngừa việc không phải là người tài nhưng vẫn được ưu ái như người tài, như vậy sẽ không công bằng với những đối tượng khác.

"Đặc biệt, khi tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển đối với cán bộ khoa học trẻ, người có tài năng thì cần hiểu rõ thế nào nhà khoa học trẻ và người có tài năng để tránh những trường hợp tuyển dụng không đúng với vị trí việc làm. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức là cần thiết nhưng cũng cần phải quy định cụ thể chứ không để chung chung như trong Dự thảo Luật là giao cho Chính phủ quy định chi tiết" – Đại biểu Hòa nói.

Nhiều Đại biểu muốn có quy định, tiêu chí cụ thể về người tài

Đại biểu Tô Văn Tâm (Kon Tum) nêu quan điểm, phát hiện và trọng dụng nhân tài không phải là vấn đề mới, ngày xưa cha ông ta đã chú trọng việc tìm kiếm nhân tài, người tài thời điểm đó còn được gọi là nguyên khí quốc gia. Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước cũng có nhiều chính sách để thu hút người tài phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước.

"Việc sửa đổi Luật lần này đã được cụ thể hóa hơn, tuy nhiên nhân tài là thuật ngữ được sử dụng nhiều trong xã hội và cũng có nhiều quan điểm riêng về nhân tài. Tuy nhiên, cho đến nay thì vẫn chưa có một khái niệm nào cụ thể nhất về nhân tài. Chính vì vậy, Ban soạn thảo cần bổ sung những quy định, tiêu chí cơ bản để xác định thế nào là nhân tài" – Đại biểu này nói.

Cùng quan điểm này, Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng: "Tài năng không hẳn là những người có học hàm học vị mà những người có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực. Chính vì vậy, Ban soạn thảo cần có quy định rõ ràng về khái niệm thế nào là người tài năng".

Theo Đại biểu Y Khút Niê (Đắk Lắk), Ban soạn thảo cần làm rõ tiêu chí người có tài năng, thậm chí cần bổ sung khái niệm, các tiêu chí về người tài năng trong dự thảo Luật để khi Luật được ban hành đi vào cuộc sống sẽ được áp dụng một cách thống nhất. Tránh tình trạng chung chung, một nơi hiểu một kiểu, dẫn đến tình trạng xét tuyển công chức một cách tùy tiện, người được tuyển không phù hợp với công việc. 

Trước đó, trong Tờ trình Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình trước Quốc hội nêu rõ, các quy định hiện hành vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về tuyển chọn và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; chưa có trọng tâm, chưa trọng điểm và chưa có chiến lược dài hạn về đào tạo, thu hút, sử dụng nhân tài. Các quy định về thu hút nhân tài chủ yếu mới chỉ ưu tiên về tuyển dụng đầu vào, chưa tạo được cơ chế, môi trường làm việc độc lập, cạnh tranh, sáng tạo để người tài có điều kiện phát huy tài năng, sở trường trong công tác.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ