• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công an: Các vụ việc nóng sẽ được giải quyết ngay từ cơ sở

Thời sự 17/04/2018 09:54

(Tổ Quốc) -Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã dành thời gian trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc về đề án “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”

Đề án thể hiện tính tích cực, chủ động, gương mẫu của Bộ Công an

- Vừa qua Bộ chính trị đã thông qua đề án “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trên quan điểm là Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội, ông có đánh giá như thế nào về Đề án này?

+ Tôi cho rằng, Đề án này theo quyết định của Bộ Chính trị là đề án đúng và trúng, phù hợp với yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình tình hình mới, đồng thời thể hiện tính tích cực, chủ động, tính gương mẫu đi đầu của Bộ Công an trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính trị.

Thứ 2, việc thực hiện đề án này cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tổ chức thực hiện đối với Bộ Công an. Bởi vì trong quá trình hơn 70 năm xây dựng và phát triển của lực lượng công an nhân dân thì có nhiều giai đoạn chúng ta tổ chức bộ máy cho phù hợp với từng giai đoạn, mỗi lần như thế đã có đóng góp tích cực với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đặc biệt là công cuộc đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Thách thức chúng tôi nhận thấy rằng, trước yêu cầu đổi mới, khi tổ chức bố trí lại lực lượng, đích đạt tới là nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng công tác đảm bảo an ninh trong tình hình mới.

Chúng ta biết, bối cảnh thế giới hiện nay ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường, đan xen giữa đối tác và đối tượng nên để nhận diện được yêu cầu để giải quyết an ninh trật tự với phục vụ phát triển kinh tế là vấn đề hết sức phức tạp và khó khăn. Nếu chúng ta không có nhận thực một cách đầy đủ thì sẽ nặng về vấn đề phát triển kinh tế mà xem nhẹ yếu tố đảm bảo quốc phòng an ninh, và ngược lại đề cao quá mức việc đảm bảo an ninh, an toàn xã hội thì ảnh hưởng đến yêu cầu phát triển kinh tế, hội nhập của đất nước ta.

Trong mô hình tổ chức mới như thế này cũng phải đặt ra trong bối cảnh xử lý nhuần nhuyễn, biện chứng giữa kết hợp kinh tế với đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội với việc bảo vệ tổ quốc, xây dựng đất nước.

 Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Ảnh: Thái Linh

- Thưa ông, vốn dĩ dư luận cho rằng, lĩnh vực ngành công an là một lĩnh vực đặc biệt, nhưng đề án này lại được thông tin công khai rộng rãi. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

+ Lâu nay việc tổ chức lực lượng vũ trang trong đó có quân đội và công an là lĩnh vực đặc biệt. Tổ chức bộ máy của quân đội, công an của bất cứ quốc gia nào đều được bảo mật để đảm bảo yêu cầu bảo vệ tổ quốc, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia khác các vấn đề về quân sự, quốc phòng, an ninh đều là những quy định mang tính bí mật cao. Tuy nhiên trong lĩnh vực hoạt động của quân đội, công an, chúng ta vẫn có cơ chế giám sát, kiểm tra để đảm bảo việc thực thi tốt nhiệm vụ.

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, tình hình có những thay đổi. Đảng ta khẳng định sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, công tác đảm bảo an ninh trật tự cũng phải dựa vào dân, chính dân hiểu, dân biết, quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ để lực lượng quân đội và công an hoàn thành nhiệm vụ, đó là chỉ đạo xuyên suốt trong xây dựng lực lượng.

Chính vì vậy, để tránh sự phá hoại, tác động và một số đối tượng bên ngoài chống phá đưa ra luận điểm, quan điểm không đúng với thực tiễn nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và phi chính trị quân đội và công an, gây chia rẽ mất đoàn kết, thì việc lần này tổ chức thực hiện đề án tổ chức lại bộ máy của lực lượng công an chúng ta cũng có những thông tin một cách rộng rãi hơn để người dân hiểu được tạo và tạo được sự đồng tình ủng hộ chủ trương này. Qua theo dõi, tôi thấy rất nhiều, tuyệt đại đa số ý kiến đồng tình ủng hộ chủ trương này.

Giải quyết tốt các vụ việc nổi cộm ngay từ cơ sở

- Với Đề án này của Bộ Công an sẽ không tổ chức các đơn vị trung gian, chúng ta kỳ vọng sẽ giảm được bao nhiêu đầu mối của lực lượng thưa ông?

+ Trong báo cáo của đoàn giám sát thực hiện cải cách hành chính gắn với tổ chức bộ máy của Quốc hội vừa qua thì hiện nay bộ máy rất nhiều tầng nấc trung gian, nhiều đầu mối có chức năng tương đồng, tạo ra sự chia cắt… dẫn tới cơ chế phối hợp, chỉ đạo điều hành các nhiệm vụ, thực hiện nhiệm vụ của bộ ngành có nhiều bất hợp lý, hiệu qủa không cao, vì sinh ra nhiều đầu mối tạo ra nhiều tầng nấc trong bộ máy, tạo ra các khâu, các quy trình thủ tục phức tạp. Đây cũng là xu thế chung trong cải cách thủ tục hành chính. Nhưng dừng lại ở cải cách thủ tục hành chính thì chưa tạo được hiệu quả mà chính là việc phải tổ chức lại bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây là yêu cầu đặt ra cho Nghị quyết 6 lần này.

Bộ Công an cũng nằm trong bộ máy ấy, cũng nảy sinh ra bất cập như vậy, chia cắt trong việc thực hiện, không phối hợp chặt chẽ.

Tổ chức lần này Bộ Công an đã rất rõ chủ trương, giải pháp, nguyên tắc, ví dụ: tổ chức lại theo hướng: Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở. Những điều này phản ánh yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới.

Tôi lấy ví dụ: Công an xã lâu nay là lực lượng không chính quy mặc dù được xác định là một cấp trong hệ thống công an chính quy, được giao rất nhiều nhiệm vụ trong giải quyết an ninh trật tự tại cơ sở, gây ra sự bất cập trong lực lượng, con người, chức năng nhiệm vụ nên tình hình an ninh trật tự cơ sở còn phức tạp.  Đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó.

Với quan điểm bộ tinh thì Bộ Công an chỉ làm nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước về đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và xử lý những vấn đề lớn, những loại tội phạm có tính chất xuyên quốc gia. Còn Công an tỉnh tham mưu cho địa phương mình, huyện là nơi giải quyết toàn diện các mặt mà công tác công an phụ trách.

- Chúng ta có kỳ vọng lực lượng “tinh” của ngành sẽ tập trung về các cấp huyện, xã để giải quyết các vấn đề cụ thể, tránh để các vụ việc phức tạp phát sinh đẩy lên cấp cao hơn không thưa ông?

+ Một trong những nhiệm vụ của đề án lần này là giải quyết an ninh trật tự ngay tại cơ sở, chủ yếu làm công tác phòng ngừa, làm thế nào để giải quyết căn nguyên các vấn đề xảy ra về an ninh trật tự. Với mô hình tổ chức như hiện nay thì rõ ràng đội ngũ của lực lượng trên Bộ sẽ làm nhiệm vụ nghiên cứu chuyên sâu, là bộ óc điều hành chỉ huy các cấp làm sao gắn với cơ sở để xử lý vấn đề đã nêu.

Việc tổ chức như thế này gắn liền với tinh giản biên chế, sàng lọc đội ngũ để bố trí đội hình làm sao cho phù hợp. Có chỗ bố trí lực lượng làm nhiệm vụ xử lý trực tiếp vấn đề cụ thể, có chỗ thì đào tạo con người mang tính nghiên cứu, phân tích đề ra phương án, cố gắng chuyên môn hóa đội ngũ của mình, một người có thể làm được nhiều việc, giỏi một việc từ đấy chúng ta sẽ từng bước sắp xếp lại.

“Nếu không làm đồng bộ sẽ nảy sinh tư tưởng các bộ, ngành khác không làm”

- Vậy khó khăn, thách thức nhất khi triển khai Đề án này theo ông là gì?

+ Khó nhất theo tôi không phải vấn đề tư tưởng, lực lượng vũ trang nói chung và công an nhân dân nói riêng luôn xác định rõ nhiệm vụ của mình. Mỗi cá nhân chiến sĩ trong lực lượng có nhận thức xác định rõ trách nhiệm của mình. Tất nhiên khi động chạm tới vấn đề con người sẽ phát sinh những suy nghĩ, tư tưởng những suy bì tính toán đó là việc không thể loại trừ vì họ cũng là con người.

Tuy nhiên, với chủ trương của Bộ Công an là làm tốt công tác tuyên truyền, học tập triển khai đề án để mỗi cá nhân tự xác định trách nhiệm, vị trí, vai trò của mình trong bộ máy ấy. Gắn với đó là thực hiện chính sách cho các đối tượng khi sắp xếp có thể dôi dư ra, không đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, nó cũng có thêm lộ trình để xử lý.

Vấn đề lớn nhất theo tôi nghĩ là xây dựng sự đồng bộ của cả hệ thống chính trị, Bộ Công an đi đầu gương mẫu nhưng cần cả hệ thống chính trị. Chúng ta cần nhân rộng cách làm này của Bộ Công an để các bộ cùng làm đồng bộ.

Còn nội bộ ngành, tôi nghĩ không có vấn đề lớn. Nếu không làm đồng bộ sẽ nảy sinh tư tưởng các bộ ngành khác không làm mà mỗi Bộ Công an lại làm.  Cấp ủy đảng ở các địa phương cũng phải vào cuộc cùng ngành Công an.

- Như ông vừa trao đổi, các bộ, ngành khác cũng cần vào cuộc. Vậy thời gian tới, đề án này của Bộ Công an đặt ra cho cho các bộ, ngành khác như thế nào thưa ông?

+ Phải nói đây là quyết tâm rất mạnh mẽ của Bộ Công an, cũng không phải không có những băn khoăn liệu đề án có gây sốc không, nhưng ở đây đã hội đủ các yếu tố để thành công: đó là yêu cầu khách quan đòi hỏi, yêu cầu nội thân của chính lực lượng, sự ủng hộ và đồng thuận của xã hội đối với ngành.

Chúng ta đã nhiều lần nói tinh giản biên chế nhưng chưa làm được nhiều. Theo quan điểm cá nhân tôi, rõ ràng yêu cầu tổ chức lại bộ máy nhà nước đã được xác định trong Nghị quyết Trung ương 6 vừa qua, việc làm này chỉ là làm trước hay sau, nhanh hay chậm thôi, nhưng làm nhanh, đồng bộ sẽ tạo hiệu quả cao hơn. Còn làm chậm có thể mất cơ hội cho đất nước, Bộ Công an gương mẫu đi đầu cũng chỉ là một khía cạnh thôi, nếu coi nó như thành tích thôi thì không được. Cơ hội có thể đến sớm hơn với lực lượng công an còn các bộ, ngành cũng đã có chuyển động, như tôi thấy Thủ tướng và Chính phủ rất quan tâm tới việc tổ chức lại bộ máy phân công, phân nhiệm để nâng cao hiệu quả điều hành, đảm bảo chỉ tiêu Quốc hội giao, Thủ tướng cũng rất quyết liệt trong việc yêu cầu các bộ ngành cần sớm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 bằng những bước đi thích hợp.

Lực lượng công an là lực lượng vũ trang nên mô hình tổ chức tương đối ổn định, dù thay đổi mô hình hiện nay nhưng không tạo ra xung đợt lớn vẫn con người ấy ta sắp xếp lại để hiệu lực, hiệu quả hoạt động cao hơn, tinh lọc ra khỏi bộ máy. Thời gian qua có nhiều sự việc đau lòng ở Bộ Công an nhưng Bộ cũng đã rất quyết liệt, thanh lọc, chấn chỉnh lại bộ máy của mình.

Nguồn lực của chúng ta còn hạn chế, việc thực hiện đề án này còn góp phần xây dựng lực lượng chính quy, từng bước hiện đại ví dụ chống tội phạm phi truyền thống như an ninh mạng thì phải được đầu tư, hay trong Luật Tố tụng hình sự có quy định bảo đảm quyền chống oan sai, quyền được bào chữa của công dân thì được quyền ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung, ghi lời khai. Hay vấn đề phòng chống khủng bố, phải có trang thiết bị hiện đại hơn. Chính vì thế khi thu gọn đầu mối lại việc đầu tư sẽ tốt hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Thái Linh (Thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ