• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đề nghị đánh giá kỹ việc tặng quà của Oceanbank, chi hoa hồng cho bác sỹ của VN Pharma

Kinh tế 06/11/2017 15:08

(Tổ Quốc) -Ngày 6/11, Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017. Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày.

Chỉ phát hiện 5/1,1 triệu trường hợp vi phạm kê khai tài sản

Thống kê cho hay, năm 2017, số lượng bản kê khai tài sản cán bộ lớn, với hơn 1,1 triệu bản nhưng chỉ xác minh với 78 người, kết quả xác minh chỉ phát hiện 5 trường hợp vi phạm. Theo bà Lê Thị Nga, trong khi đó, phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là nhiều người không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý…

Trong khi đó, Ủy ban Tư pháp cho biết, việc tặng quà để giải quyết công việc, đặc biệt là hối lộ bằng hình thức tặng quà vẫn còn diễn ra rất phức tạp, dưới nhiều hình thức, nhất là việc lạm dụng phong tục truyền thống của dân tộc trong thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết, hiếu, hỉ… Việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi phát hiện có sai phạm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga. Ảnh: Nam Nguyễn

“Qua một số vụ án được đưa ra xét xử gần đây, dư luận rất bức xúc trước việc tặng quà của Ngân hàng Oceanbank và chi hoa hồng cho bác sỹ của Công ty Cổ phần VN Pharma… Đây là vấn đề lớn, liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và phòng chống tham nhũng cần được Chính phủ, Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá để ngăn chặn tình trạng này”- Bà Nga nói.

Liên quan tới xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị xảy ra tham nhũng, theo bà Nga vẫn còn nhầm lẫn giữa xử lý người đứng đầu do chính người đó có hành vi tham nhũng và xử lý người đứng đầu khi người đó thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra tham nhũng trong đơn vị do mình quản lý.

Báo cáo thẩm tra còn cho hay, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm nhưng không bị áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào, cá biệt có địa phương qua hoạt động thanh tra kiến nghị xử lý 971 người thì có đến 940 người được “phê bình nghiêm khắc”, “kiểm điểm rút kinh nghiệm”.

Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng thống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước khi xây dựng chương trình công tác hàng năm cần chú trọng kiểm tra, giám sát ở một số tỉnh, bộ, ngành, nhất là ở một số bộ, ngành có thẩm quyền phân bổ các nguồn lực đầu tư, tài chính, xét duyệt dự án, công trình, quản lý cấp phép về khai thác khoáng sản, xuất nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu… hoặc ở những tỉnh có nhiều dự án đầu tư công lớn, khai thác tài nguyên, khoáng sản, có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia.

Khẩn trương thanh, kiểm tra việc khai tài sản, bổ nhiệm cán bộ có dư luận bức xúc

Báo cáo thẩm tra về công tác phòng chống tham nhũng đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quy định một cách đầy đủ, toàn diện hơn về các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Nhất là các nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, trách nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản giao dịch có giá trị lớn; quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai không trung thực. Hoàn thiện các quy định và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, có lộ trình, thời hạn cụ thể để hoàn thành mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh việc chống các hành vi nhũng nhiễu, “tham nhũng vặt”, năm 2018, Chính phủ, các ngành, các cấp cần tiếp tục chú trọng phòng, chống tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, trong đó tập trung vào việc nhận diện, chỉ ra những biểu hiện cụ thể của loại hình tham nhũng này để kịp thời phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng lớn.

Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tổng rà soát, kiểm tra công tác cán bộ, tập trung vào rà soát về tiêu chuẩn, điều kiện, chứng chỉ, bằng cấp, việc tuân thủ quy trình, bảo đảm dân chủ, công khai trong bổ nhiệm cán bộ; xác định tình trạng, nguyên nhân và có giải pháp khắc phục kịp thời.

Đối với những vụ việc kê khai tài sản, bổ nhiệm cán bộ mà dư luận xã hội và cử tri bức xúc, cần khẩn trương vào cuộc để thanh tra, kiểm tra, làm rõ có hay không có tiêu cực, tham nhũng để sớm kết luận, trả lời công luận. Đồng thời kịp thời bảo vệ uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan…/.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ