• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đề nghị giữ nguyên quy định về Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện

Thời sự 26/03/2024 17:39

(Tổ Quốc) - Ngày 26/3, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2023), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tổ chức Hội thảo, lấy ý kiến một số cơ quan, tổ chức liên quan để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật. Tại Phiên họp thứ 31 mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án Luật lớn, có nhiều chính sách, quy định mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, liên quan đến tổ chức và hoạt động của một số cơ quan (như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan Thi hành án dân sự) và liên quan tới nhiều luật khác (như luật tổ chức của một số cơ quan và các luật tố tụng).

Đề nghị giữ nguyên quy định về Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung.

Dự án Luật cũng đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, Nghị quyết của Đảng, nhất là về cải cách tư pháp và Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết 27); khắc phục những vướng mắc, bất cập của thực tiễn. Hiện nay, Thường trực Ủy ban Tư pháp xin ý kiến của các Đại biểu tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách về 10 vấn đề lớn.

Trong đó, về đổi mới Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (khoản 1 Điều 4), Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, việc đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án này không thay đổi. Các Tòa án vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh. TAND phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm một số vụ án. Quy định như dự thảo Luật chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 27; không thống nhất với các cơ quan tư pháp khác ở địa phương. Mặt khác, phải sửa đổi nhiều đạo luật có liên quan, phát sinh chi phí tuân thủ... 

Vì vậy, tiếp thu Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội "đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện", Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ nguyên quy định của Luật hiện hành về TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện.

Đề nghị giữ nguyên quy định về Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện - Ảnh 2.

Các đại biểu tham gia thảo luận.

Thảo luận về nội dung này, đa số ĐBQH tán thành với phương án giữ nguyên tên gọi của Tòa án Nhân dân cấp tỉnh và Tòa án Nhân dân cấp huyện như hiện hành. 

Theo ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh), hiện nay mô hình tòa án đang tổ chức theo mô hình 4 cấp. Đây là mô hình tổ chức có sự kết hợp giữa mô hình tổ chức theo đơn vị hành chính lãnh thổ và mô hình tổ chức theo cấp xét xử. 

Việc đổi tên gọi như dự thảo luật chỉ là vấn đề hình thức mà không thay đổi về nội dung và phương thức. Trong khi đó, việc đổi tên cũng dẫn tới không tương thích với tổ chức các cơ quan tư pháp ở địa phương như cơ quan điều tra, viện kiểm sát… dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung nhiều luật liên quan; phát sinh chi phí tuân thủ như con dấu, các biển hiệu…

Cùng quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) nêu rõ, hiện nay, mặc dù tên gọi của tòa án cấp tỉnh, cấp huyện gắn với đơn vị hành chính địa phương nhưng hoạt động của tòa án vẫn độc lập với bộ máy chính quyền địa phương; về cơ cấu tổ chức vẫn thuộc sự quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn của Tòa án Nhân dân Tối cao, công tác điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ được thực hiện theo ngành dọc mà không chịu sự chi phối của chính quyền địa phương.

"Hệ thống tòa án hiện nay hoạt động ổn định, hiệu quả và có sự thống nhất giữa các văn bản có liên quan trong hệ thống pháp luật. Để tránh tình trạng "bình mới rượu cũ", hạn chế phát sinh các chi phí do thay đổi tên gọi, thống nhất với một số cơ quan khác có liên quan thì quy định như phương án 2 là không cần thiết, việc đổi mới không tạo những chuyển biến khác biệt trong công tác xét xử", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh. 

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ