(Toquoc)-Bộ NN&PTNT đã yêu cầu WWF thu hồi toàn bộ hướng dẫn tiêu dùng đã xuất bản ở một số quốc gia.
(Toquoc) – Ngay sau việc lên tiếng liên tiếp của các tổ chức, hiệp hội về việc cá tra, basa của Việt Nam bị đưa vào danh mục đỏ: không nên tiêu thụ, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Quỹ bảo tồn động vật hoang dã thế giới (WWF) thu hồi toàn bộ hướng dẫn tiêu dùng đã xuất bản ở một số quốc gia.
Tại buổi họp báo trưa 8/12, đại diện Bộ NN&PTNT, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết như trên.
Theo ông Tuấn, tới thời điểm này, việc bị đưa vào danh mục cấm tiêu thụ của hai loại cá trên chưa gây ra thiệt hại đáng kể nhưng về uy tín cũng như khả năng tiêu thụ sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam thời gian tới sẽ khó khăn.
Uy tín cũng như khả năng tiêu thụ sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam thời gian tới sẽ khó khăn
Ông Tuấn cũng phân tích, hiện WWF chưa đưa ra được bộ tiêu chí cụ thể để xếp cá tra nói chung vào danh mục xanh, vàng, đỏ (các mức độ tiêu thụ sản phẩm có khả năng gây hại cho môi trường theo tiêu chuẩn châu Âu).
“Nguyên tắc của WWF là coi trọng sự tham gia của đa bên trong mọi hoạt động. Tuy nhiên, nguyên tắc này đã bị WWF vi phạm trong quá trình xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cá tra nuôi Việt Nam. Khi xây dựng tiêu chí đánh giá mà không có sự tham gia của các hiệp hội nghành nghề ở các nước liên quan. Thêm nữa khi tiến hành thu thập số liệu, công bố thông tin lại thiếu chính xác và minh bạch” – ông Tuấn nói.
Được biết, kể từ khi WWF đưa cá tra vào danh sách đỏ, từ người nuôi, doanh nghiệp chế biến, lãnh đạo các địa phương đến Bộ NN&PTNT Việt Nam đều chưa được biết đến bộ tiêu chí, cũng như hoàn toàn bất ngờ trước sự việc này.
Ngoài ra, WWF tại Việt Nam cũng khẳng định không trực tiếp tham gia quá trình xây dựng bộ tiêu chí đánh giá của WWF.
“Thêm vào đó, tờ rơi này được xuất bản ở một số quốc gia, song, bản thân ở mỗi quốc gia lại khác nhau. Có nước thì cá tra bị xếp vào danh sách đỏ, có nước thì ở danh sách vàng. Như vậy, đã có sự mâu thuẫn ngay trong tờ rơi hướng dẫn này” – ông Tuấn khẳng định.
Cũng tại cuộc họp, đại diện Hội người nuôi cá Việt Nam, ông Nguyễn Tử Cương cho rằng, kết luận của WWF là “vơ đũa cả nắm”.
“Không lẽ, toàn bộ 1,3 triệu tấn cá của chúng ta đều không đảm bảo? Hơn 20 vùng nuôi trồng được cấp chứng nhận Global Gap cũng vi phạm về môi trường? Bởi vậy, trong khi chưa cung cấp được bằng chứng, WWF phải thu hồi ngay lượng tờ rơi hướng dẫn tiêu dùng đã xuất bản” – ông Cương cũng thể hiện quan điểm như của Bộ NN&PTNT.
Theo ông Cương, việc cá tra Việt Nam bị đưa vào danh mục đỏ, nhãn đỏ của cuốn cẩm nang tiêu dùng, chỉ mang tính định hướng người tiêu dùng ở châu Âu, hoàn toàn không phải châu lục này cấm nhập khẩu cá tra của Việt Nam, tránh thông tin không rõ ràng gây hiểu nhầm, ảnh hưởng tới người nông dân.
Với những lý do trên, Bộ NN&PTNT đã tiến hành làm việc với WWF tại Hà Nội, thông qua tổ chức này đề nghị WWF cung cấp bộ tiêu chí, bản đánh giá về cá tra Việt Nam. Đồng thời, Bộ đã chính thức gửi thư tới Quỹ quốc tế bảo vệ động vật hoang dã đề nghị: trước khi chưa có sự đồng thuận giữa hai bên, WWF phải thu hồi lại toàn bộ tờ rơi hướng dẫn tiêu dùng đã xuất bản ở một số quốc gia.
Tại cuộc họp báo các bên liên quan cho biết, thời gian qua WWF cũng đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành thuỷ sản Việt Nam. Tuy nhiên, hạn chế của WWF là có quá nhiều thành viên hoạt động độc lập tại nhiều nước khác nhau trên thế giới do vậy sự việc xảy ra với Việt Nam là điểu đáng tiếc.
Được biết, ngay trong tháng này, đại diện WWF sẽ có mặt tại Việt Nam để trao đổi cụ thể sự việc./.
Thái Tùng- Thành Tâm