• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đề xuất thành lập ngân hàng gen để thuận tiện xác định danh tính liệt sĩ

Thời sự 18/04/2017 13:27

(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ – TB và XH) Đào Ngọc Dung đã cho biết như vậy trong buổi trả lời chất vấn sáng 18/4.

Trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo số liệu quân đội, còn 200.000 hài cốt chưa được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ . Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập thêm Ban chỉ đạo Quốc gia 1237 do một phó Thủ tướng làm trưởng ban. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm phó ban.

Toàn cảnh buổi chất vấn

Cả nước hiện có 20 đội chuyên quy tập mộ liệt sỹ  và thời gian qua, 20 đội này đã cùng với các nước bạn, cùng với nhân dân phát hiện nhiều trường hợp về liệt sĩ.

Đến ngày 1/1/2017 chúng ta tiếp tục quy tập được 8.000 liệt sĩ an táng về các nghĩa trang

“Chúng tôi xem đây là việc làm đặc biệt quan tâm và hứa với Quốc hội sẽ phấn đấu làm càng nhanh càng tốt, vì chiến tranh đã qua lâu. Nếu càng để lâu thì càng khó xác định danh tính các liệt sĩ”, Bộ trưởng nói.

Về xác định danh tính liệt sĩ, Bộ trưởng cho biết Bộ LĐ –TB và XH đang đang tập trung thực hiện đề án 150 xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Theo thống kê của quân đội, còn khoảng 300.000 liệt sĩ chưa xác định danh tính, dù có tuổi, có quê quán... Và Bộ cũng đang thực hiện nhiều biện pháp để xác định danh tính. Giải pháp chính là xác định gen. Thời gian qua chúng ta đã xác định được 3.260 danh tính, trả lại tên cho 3.260 liệt sĩ và đã đưa tên tuổi, danh tính này về với gia đình, thân nhân liệt sĩ.

“Đề giải quyết được 3.260 danh tính này chúng ta đã phải lấy mẫu sinh phẩm của trên 12.000 mẫu sinh phẩm liệt sĩ và mẫu sinh phẩm của gia đình liệt sĩ cũng tương đương con số này. Một mẫu của quân nhân tìm được phải đối chiếu với nhiều trường hợp. Hiện chính phủ đang giao cho 3 đơn vị chuyên về xác định gen, gồm: Quân đội, Công an... Tới đây chúng tôi đang xin Chính phủ mở rộng ra 6 cơ sở, trong đó có Bộ Y tế để làm việc này. Bên cạnh việc lấy sinh phẩm Bộ cũng báo cáo Chính phủ cho lập ngân hàng gen để tập hợp các mẫu sinh phẩm từ các liệt sỹ, và để gia đình chủ động đến đối chiếu cho thuận lợi. Đi đôi với đó là một ngân hàng về toàn bộ số liệu về mộ liệt sỹ...”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay. 

Cũng tại buổi chất vấn, người đứng đầu Bộ LĐ – TB và XH đã trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về chính sách người có công.

Theo đó, Bộ trưởng cho biết, hiện cả nước có trên 9 triệu người có công, chiếm khoảng 10% dân số, trong đó có 11 nhóm đối tượng người có công.

Đây là chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước và thời gian qua chính sách đã được thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác đối với đối tượng người có công.

Kết quả rà soát của 2014 – 2015 của 2,1 triệu người có công cho thấy số đối tượng hưởng đúng, hưởng đủ chính sách 1.982.762 người, chiếm 95.75%. Số đối tượng hưởng chưa đầy đủ chính sách là 86.201 người, chiếm 4.16%, số đối tượng hưởng sai chính sách là 1.872 người, chiếm 0.09%.

Tuy nhiên, sau khi sau rà soát, còn 28.500 trường hợp kê khai chưa được hưởng chính sách. Trong đó, có trường hợp tự mình kê khai, có trường hợp người khác làm chứng đến kê khai hộ, tự nộp hồ sơ chứ chưa chắc chắn cả số này đều là người có công...

Trong số 28.500 người này, theo thống kê đến hết T12/2016 có 5.900 người đề nghị được công nhận liệt sỹ, thương binh và được hưởng chính sách như thương binh.

Lý do chính là một bộ phận đủ điều kiện xong khi lập hồ sơ thì lại không có căn cứ chứng minh mình là thương binh, dù họ là thương binh thật. Ngoài ra, là có trường hợp không đủ điều kiện thương binh nhưng vẫn cố tình đòi hưởng chính sách./.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ