• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đến Tết, người lớn “ngay ngáy” lo sức khỏe cho trẻ con

Sức khỏe 28/01/2018 14:43

(Tổ Quốc) - Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán Mậu Tuất, đây cũng chính là thời điểm chuyển mùa Đông- Xuân nên thường tạo ra những thay đổi gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt với trẻ em.

Đề kháng kém, trẻ đối mặt hàng loạt bệnh vào ngày Tết

Theo Nhà giáo nhân dân, GS.TS. Phạm Nhật An, Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương: “Tết là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột kèm theo mưa, độ ẩm, chênh lệch ngày đêm, ảnh hưởng thích nghi của cơ thể. Trẻ em kém đề kháng hơn người lớn nên rất dễ mắc bệnh.”

Hạt hướng dương là một trong những nguy cơ rất cao gây hóc cho trẻ vào ngày Tết.

GS.TS Phạm Nhật An cho biết, bệnh hay gặp trong ngày Tết là bệnh hô hấp. Do thời tiết lạnh, độ ẩm thay đổi, nên đây là bệnh dễ gặp hàng đầu. Cùng với đó là thời điểm cuối đông nên bệnh do vi khuẩn, vi rút hay xảy ra, bệnh Sởi, cúm, ho gà, nhiễm hô hấp, các loại virut, vi khuẩn cũng cần hết sức lưu ý.

Dịp Tết dễ lây lan bệnh dịch, đặc biệt là bệnh hô hấp dễ lây lan do tiếp xúc với nhau. Đây cũng là mùa ẩm nên việc chăm sóc không tốt cũng dễ gây các bệnh về da. Bên cạnh đó, bệnh viêm kết mạc mùa Xuân chủ yếu là dịp này, nguyên nhân là do dị ứng nhiều yếu tố, cụ thể là phấn hoa.

Ngày Tết nhiều bậc cha mẹ coi đây dịp nghỉ ngơi nên cho trẻ ăn chơi thỏa thích, nhất là bánh kẹo, những thức ăn nhiều dầu mỡ nhưng lại ít vận động, dẫn đến sau tết, nhiều trẻ xuất hiện tình trạng thừa cân, béo phì. Cũng có nhiều gia đình, do quá mải vui xuân, không quan tâm đúng mức đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ, cho trẻ đi chơi mà không giữ ấm khiến trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc đổ bệnh vào dịp Tết.

Cẩn trọng với hóc dị vật ngày Tết

Vào mỗi dịp Tết đến, ngoài bánh kẹo thì trên bàn khách của các gia đình vẫn thường xuất hiện nhiều loại hạt như hướng dương, bí ngô. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh cũng không ngờ rằng, đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hóc dị vật, rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ.

GS.TS Phạm Nhật An khuyến cáo: “Cần phải tránh các loại hạt dưa, lạc... Khi trẻ ăn cần chú ý cho loại thức ăn an toàn như ăn cá cần bỏ xương, tránh cho trẻ vừa ăn vừa chơi. Cơ thể con người có cơ chế đường thở đường ăn chung nhau khi nuốt có nắp đậy lại nếu khi ăn mà đùa thì dễ hóc. Đặc biệt là không quát mắng và hét khi trẻ ăn.

Cùng quan điểm này, TS. Vũ Thu Hương - Giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, bố mẹ cần tránh mua vật nhỏ, hạt bí, ô mai để trẻ không vô ý ăn vào. Đồ chơi cần theo tuổi, búp bê cần tránh nhiều lông để tránh hít vào. Cần cắt nhỏ thức ăn để trẻ tránh hóc, không nên cười đùa trong bữa ăn, không ép con ăn bằng tivi khiến trẻ bị nghẹn.

GS.TS An khuyên rằng, trường hợp vướng thức ăn đường thở, phụ huynh cần bình tĩnh vuốt cho trẻ qua cơn nghẹn rồi uống nước. Nếu hóc xương thì không được thò vào móc vì gây nguy hiểm cho trẻ. Dị vật đường hô hấp gây khó thở, tím tái, ho sặc sụa, hốt hoảng, thở rít. Nếu nguy hiểm cần hà hơi thổi ngạt, bóp bóng hỗ trợ và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Thế Công

 

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ