(Tổ Quốc) - ‘Đi qua miền kí ức’ là sự trải nghiệm từ chính bản ngã của mỗi người trong hành trình tìm đến với ước mơ, đam mê và danh vọng. Ở đó có vui – buồn, thật – giả, được – mất và cả những niềm đau đáu trước thời cuộc...
Đi qua miền kí ức là tập tản văn đầu tay của tác giả Nguyên Lộc, ghi chép tản mạn về những suy tư, trăn trở của mình trước cuộc sống và tình yêu. Ở đó, thể hiện rõ nét một Nguyên Lộc với trái tim đa cảm, đa sầu và dễ rung động trước bao đổi thay chóng vánh của con người và thời cuộc. Nhất là nỗi đau đáu của anh trước khát vọng sống của con người trần thế với những buồn – vui rất đỗi đời thường! Cũng có khi, đó chỉ là những cảm xúc của chính anh khi thả hồn vào một bài hát, một bài thơ nào đó mà anh vô tình nghe được mà đồng điệu như chính đó là một phần cảm xúc anh đã từng trải qua.
Ở 25 tản văn là 25 câu chuyện mà tác giả đã dẫn dắt người đọc đến từng "vùng kí ức" mà chính anh đã đi qua với lối viết tự nhiên, hồn hậu. Cách kể chậm rãi, tỉ mỉ với những suy nghiệm rất đỗi chân thành về con người và đời sống. Đôi lúc trong khi trần thuật, thỉnh thoảng tác giả xen vào những câu mang tính đúc kết, hoặc những câu hỏi mang tính tu từ.
- "Trong guồng máy thời gian, ta vẫn đang loay hoay với cuộc sống bộn bề; vẫn thấy mình đang lãng đãng, vô định trong mối quan hệ mờ ảo của một thước phim quay chậm mà người quay chuyên làm phim thời sự lại hứng thú với góc quay kể chuyện phận người" (Cuộc sống là một hành trình hay đích đến?).
- Hạnh phúc có long lanh như màu nước mắt? Yêu thương có lộng lẫy như điều ta nghĩ?... (Ta cần gì trong cũ rích đời nhau).
- Đời hư vô! Người xa hút!
Có những cơn sóng qua đi mà chẳng bao giờ bình yên! Phải chăng là những cơn sóng lòng khi miền nhớ đi ngang? (Thư cho miền nhớ)
...
Chính điều này làm cho tác phẩm có tính khái quát hơn, để điều đọng lại ở Đi qua miền kí ức là tác giả lại đưa vào đó những câu thơ do chính anh sáng tác, có khi anh dẫn lại lời một bài hát mà anh đã từng ngâm nga theo. Phải chăng đây là ý đồ của tác giả? Đó là cách để độc giả bớt nhàm chán khi chỉ đọc toàn những câu văn xuôi? Ở Con đường mưa, Nguyên Lộc dẫn dụ người đọc bằng những câu hát rất đỗi quen thuộc trong bài hát cùng tên của Cao Thái Sơn với lời tỏ bày đầy lãng mạn và đó cũng là cách lý giải vì sao "ta" lại đa mang đến nhường ấy. Bất giác, "ta" với ước muốn: "Mong trời mãi nắng để ta và người còn chút vô tư. Và con đường đang mưa...
Nếu ngày xưa bước đi nhanh qua con đường mưa/ Thì anh đã không gặp người/ Nếu ngày xưa em nhìn anh nhưng không mỉm cười/ Thì anh đã không mộng mơ".
Nhưng giờ đây biết trách ai nhỉ? Và có trách thì cũng đã quá muộn. Bởi sự thật bây giờ anh đã là kẻ mộng mơ.
Hay tản văn Ca dao ru người tình cũ, Nguyên Lộc cũng thả hồn theo cảm xúc cùng nhân vật trữ tình của bài thơ cùng tên mà người bạn thơ của anh đã viết. Có những đoạn đọc nghe rưng rức những nỗi niềm khắc khoải khi nỗi nhớ quê đến độ mọc mầm. Thế nhưng, tất cả chỉ là niềm khao khát, bởi "ta" còn quá nhiều khó khăn, ta còn quá nhiều vướng bận với đời cơm áo mà chưa thể về thăm quê được. Mười năm. Ta hẹn mười năm/ Giã từ phố thị về thăm quê nghèo/ Mười năm mang gió trăng theo/ Nổi trôi theo những bọt bèo long đong. Phải chăng, chỉ vài tản mạn, đồng cảm theo thơ người cũng là cách Nguyên Lộc nhờ người nói hộ lòng anh? Hay chỉ là một lẽ khác, anh dẫn dụ người đọc vào một thứ cảm xúc mà ai cũng đã hoặc sẽ đi qua: cảm xúc về một tình yêu trong chờ đợi.
Và còn đó, khi đọc Đi qua miền kí ức là đi qua những vui, buồn của chính anh nhưng đâu đó cũng là nỗi niềm của nhiều người. Bởi ở đó, người ta tìm thấy những cảnh, tình và thấp thoáng có bóng dáng của chính mình trong đó. Đọc những câu văn trong Đi qua miền kí ức, đôi khi tôi có cảm giác như tâm trạng của chính mình ở đó. Nỗi buồn mờ ảo, bảng lảng khói sương đâu đó bỗng lần lượt hiện về. "Đôi khi người ta muốn quên đi quá khứ để sống thật hơn với chính mình, với tâm hồn và những người xung quanh. Thật khó để chối bỏ những ngày đi qua nhiều kỷ niệm, chúng đã là những dấu vết cũ, khắc sâu vào trong tâm hồn, hằn lên kí ức và hun hút trong những tâm tư... Đôi khi cố quên là biết sẽ nhớ rất nhiều..." (Nỗi nhớ không tên).
Nguyên Lộc không chỉ là những cảm xúc bất chợt mà ở đó còn gợi lên bao suy ngẫm về sự buồn - vui, được – mất. Một con người luôn sống vững tin trước bao biến đổi của thế sự và sẵn sàng chấp nhận những biến cố xảy ra với mình. Khi đã thấu hiểu mọi quy luật và sự nghiệt ngã của đời sống, anh càng trân trọng những khoảnh khắc đi qua của chính mình. Vì thế nếu bản thân mỗi người ý thức được giá trị, ý thức được những khoảnh khắc đáng sống của cuộc đời này, sống tận hiến bằng tất cả tấm lòng, sự sẻ chia... thì chắc chắc sẽ nhận được hạnh phúc.
Đọc bài tản văn ngắn Quà tết, người đọc không khỏi rưng rưng khi nhận ra giá trị của tình thân, tình người. Cái con người dành cho nhau không gì vui hơn đó tình cảm chân thành, sự yêu thương và quan tâm lẫn nhau. Bạc tiền là quan trọng nhưng thứ quan trọng hơn đó là tình người. Chính nó là sức mạnh tinh thần lớn lao giúp cho con người ta vượt qua mọi khó khăn, bất trắc trên muôn nẻo đường đời.
Đọc hết 25 bài tản văn trong tập sách, người đọc sẽ có sự hình dung nhất định về con người và cuộc đời Nguyên Lộc. Một cách chiêm nghiệm về cuộc sống rất nhân văn và rất đời, rất người với nhiều cung bậc cảm xúc bất chợt và rất đỗi thân thương. "Đôi khi ta đi qua những con đường vắng lặng, ta lại cảm thấy đau khổ thật nhẹ nhàng..." (Ta cần gì trong nhau cũ rích đời nhau). Vâng! Trong cuộc đời này, tôi tin chắc không ai là không có nỗi buồn, sự khổ đau riêng. Nhưng ở một thời khắc nào đấy ta cảm thấy đau khổ thật nhẹ nhàng. Có lẽ chính nghề giáo và nghề hướng dẫn viên du lịch đã cho anh những trải nghiệm quý báu, những cảm xúc bất chợt nhưng rất đời. Tất cả được anh ghi lại bằng ngôn ngữ giản dị, trong trẻo, giàu chất thơ theo cách cảm nhận của riêng anh. Qua đó, hiện thực cuộc sống được nhìn nhận, phản ánh dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Đó là điều làm nên sự lôi cuốn của Đi qua miền kí ức dẫu vẫn còn đâu đó những thiếu sót nhất định của một tác phẩm đầu tay.