• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Di sản văn hoá tạo "sức bật" cho phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số

Văn hoá 14/06/2023 07:10

(Tổ Quốc) - Hiện nay, ngành du lịch ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở thành một ngành kinh tế quan trọng ở nước ta. Các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn... đang được nhiều nơi áp dụng. Chính vì thế, tại các vùng dân tộc thiểu số, du lịch cũng đang có những chuyển biến và di sản văn hóa nơi đây cũng đang trở thành nguồn lực quan trọng tạo ra sự phát triển đó.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Đây được coi là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, là tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, trực tiếp tạo nên các sản phẩm du lịch di sản mang tính đặc thù. Với tính đa dạng, phong phú của các di sản văn hóa tộc người đã tạo nên sức hút với các du khách trong và ngoài nước.

Di sản văn hoá tạo "sức bật" cho phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch)

Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vùng văn hóa đa dạng, trong đó có nhiều di sản văn hóa có giá trị với nhiều sắc thái khác nhau nên nếu chúng ta khai thác những giá trị đó để phát triển du lịch không chỉ tạo nên được những sản phẩm du lịch hấp dẫn mà còn tạo ra được sự khác biệt với các nước trên thế giới. Và các sản phẩm du lịch kết hợp với di sản văn hóa cũng sẽ mang tính đặc thù riêng của từng đồng bào. Ví dụ như sản phẩm du lịch mang dấu ấn người Mông, người Dao, người Xa Phó, người Tày trên đỉnh núi Sa Pa (tỉnh Lào Cai)...; sản phẩm du lịch thích ứng với môi trường, như những khu ruộng bậc thang kỳ vĩ ở Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang),... Hay các loại hình canh tác trên nền đất dốc, trên ruộng bậc thang hay những thung lũng ven sông, ven suối đều tạo ra vẻ đẹp hấp dẫn của du lịch trải nghiệm...

Đặc biệt, ở hầu hết các tỉnh miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trong các cuộc kháng chiến của dân tộc là những căn cứ địa quan trọng. Ngày nay, những căn cứ địa đó trở thành hệ thống các di tích lịch sử cách mạng, như ATK Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) và ATK Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang), khu di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, chấn động địa cầu, các di tích ở Liên khu V, Trường Sơn - Tây Nguyên... Đây được coi là nguồn lực văn hóa giàu giá trị để thúc đẩy phát triển cho ngành du lịch nước ta nói chung, vùng dân tộc thiểu số nói riêng".

Di sản văn hoá tạo "sức bật" cho phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Độc đáo lễ hội Trỉa của bà con Vân Kiều xã Trường Sơn (Quảng Ninh - Quảng Bình)

Ngoài ra, việc khai thác di sản văn hóa để phát triển du lịch không chỉ tác động đến kinh tế mà còn đến cuộc sống cá nhân của đồng bào dân tộc thiểu số. "Di sản văn hóa là chìa khóa để phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số và nếu chúng ta phát triển du lịch dựa trên được các giá trị di sản văn hóa đó sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Trước hết, du lịch văn hóa sẽ góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân tộc tham gia vào các chuỗi du lịch, chuyển đổi hình thức kinh tế từ độc canh cây ngô, lúa sang làm du lịch. Từ đó, tạo điều kiện cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo cho người dân ở nhiều vùng còn khó khăn cũng như góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, nếu chúng ta phát triển du lịch theo cách làm bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên, văn hóa của tộc người, coi trọng vai trò cộng đồng sẽ tránh được cách làm mai một giá trị truyền thống ở nhiều nơi. Thực tế cho thấy rằng, trong những năm qua, nhờ vào phát triển du lịch, nhiều di sản văn hóa trước đây bị mai một nay đã được phục hồi, như nghề làm thuốc của người Dao, nghề thêu dệt thổ cẩm của người Thái…" - PGS.TS Phạm Trung Lương cho biết thêm.

Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều địa phương, nhiều làng, bản của đồng bào dân tộc thiểu số có bản sắc văn hóa đa dạng nhưng phần lớn là các hộ gia đình nghèo, thiếu vốn hoặc kỹ năng để kinh doanh du lịch nên chưa biết cách khai thác, tận dụng những giá trị văn hóa để phát triển du lịch. Từ đó, một số doanh nghiệp từ nơi khác đến khai thác, hợp tác cùng với các đồng bào để phát triển các sản phẩm du lịch cùng hưởng lợi nhưng đã xảy ra bất cập trong hợp tác là việc chia sẻ lợi nhuận không công bằng và không ổn định.

Sự chia sẻ lợi ích chưa công bằng giữa một số doanh nghiệp và cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số đã dẫn tới việc chưa khuyến khích được người dân tham gia vào chuỗi hoạt động du lịch bền vững, chưa phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Di sản văn hoá tạo "sức bật" cho phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Nghệ thuật múa Xèo thái của cộng đồng người Thái

Trước thực trạng đó, PGS.TS Phạm Trung Lương cho biết: "Muốn phát triển du lịch dựa trên giá trị văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi địa phương phải có định hướng rõ ràng, lựa chọn những giá trị văn hóa đặc trưng của từng dân tộc gắn với phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo. Cần có giải pháp mang tính bền vững đảm bảo phát triển lâu dài, đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng người dân tộc thiểu số. Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về chiến lược, quy hoạch du lịch cộng đồng, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó cần có các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực để phát triển du lịch cộng đồng mạnh hơn, đồng thời vẫn giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi địa phương. Tăng cường, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương.

Đặc biệt, cần bảo đảm các nguyên tắc trong xây dựng sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hoá. Sản phẩm du lịch phải mang được linh hồn của văn hóa truyền thống, có nhiều yếu tố đặc sắc, đặc thù cho từng tộc người, từng vùng, miền khác nhau. Qua đó, mới nâng cao được giá trị, gia tăng sức hấp dẫn với khách du lịch để góp phần tạo sức bật cho du lịch cộng đồng vùng dân tộc thiểu số phát triển".

Phát triển du lịch gắn với di sản văn hóa đã và đang có những bước phát triển đáng ghi nhận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nước ta thời gian qua. Tuy nhiên, để phát triển du lịch di sản văn hóa hiệu quả đòi hỏi phải chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa tộc người; xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, hấp dẫn, phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của từng vùng và phù hợp với từng đối tượng du khách./.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ